Lên sàn chứng khoán Mỹ: Kế hoạch nâng giá trị của Grab, Gojek
Grab, Gojek và PT Tokopedia đã khởi động năm mới 2021 bằng những đại kế hoạch như niêm yết trên sàn chứng khoán, sáp nhập nhằm mở rộng…
Ba công ty khởi nghiệp (start-up) “kỳ lân” trong làng công nghệ Đông Nam Á là Grab, Gojek và PT Tokopedia đã khởi động năm mới 2021 bằng những đại kế hoạch như niêm yết trên sàn chứng khoán, sáp nhập nhằm mở rộng và đa dạng hóa trong bối cảnh ngành giao hàng trực tuyến bùng nổ vì đại dịch Covid-19. Nhưng để thành công, họ phải học được từ thất bại của Uber/Lyft trước đây.
Kế hoạch nâng giá trị của Grab, Gojek
Ban đầu, Grab và Gojek gây chấn động làng công nghệ khi đàm phán tìm hướng sáp nhập. Nhưng sau một năm, hai bên từ bỏ kế hoạch về chung một nhà và chuyển sang hướng đi mới, đó là IPO, trở thành công ty đại chúng.
Grab – công ty công nghệ tư nhân có giá trị nhất tại Đông Nam Á, dự định niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ trong năm nay. Hạn cuối theo kế hoạch là giữa năm 2023, giúp nâng giá trị của công ty vốn được định giá 16 tỷ USD thêm ít nhất 2 tỷ USD nữa.
Cuối tháng 1 vừa rồi, công ty có trụ sở tại Singapore thông báo đã chọn được các ngân hàng Morgan Stanley và JPMorgan Chase & Co làm đơn vị tư vấn/bảo lãnh cho hoạt động IPO tại Mỹ.
Với Gojek, sau khi khép lại kế hoạch sáp nhập với Grab, công ty của Indonesia tỏ ý muốn bắt tay với một “kỳ lân” (những công ty start-up được định giá trên 1 tỷ USD) khác trong nước. Cả Gojek – ứng dụng đặt xe và PT Tokopedia – nhà cung cấp thương mại điện tử đã hoàn tất các điều khoản để sáp nhập và mong muốn cùng nhau IPO.
Hãng Bloomberg dẫn một số nguồn thạo tin về thương vụ này cho biết, hai công ty đang bàn rất nhiều kịch bản sáp nhập nhưng mục đích cuối cùng vẫn là tạo thành một doanh nghiệp liên doanh niêm yết trên cả sàn chứng khoán Mỹ và Jakarta. Giá trị đích mà 2 công ty hướng tới là khoảng 35 – 40 tỷ USD.
Nếu thương vụ sáp nhập thành công, Indonesia nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung sẽ chứng kiến một “gã khổng lồ” internet, có lợi thế dẫn đầu về các mảng dịch vụ xe công nghệ, thanh toán trực tuyến, mua sắm online và giao hàng, đặc biệt là trở thành đối thủ đáng gờm của Grab trong khu vực.
Hãng tin Bloomberg cho rằng, nếu Gojek-Tokopedia xúc tiến IPO thành công, nó còn tạo cơ hội cho các nhà đầu tư toàn cầu tiếp cận một trong những công ty start-up công nghệ có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.
Uber, Lyft từng IPO thất bại vì ảo tưởng về giá trị
Tuy nhiên, IPO luôn là một hành trình rất khó khăn, rủi ro cao và có thể làm lộ nhiều mặt của một công ty, từ tình hình tài chính cho tới quản trị doanh nghiệp và hoàn toàn có thể cho ra nhưng kết quả khác hoàn toàn so với dự đoán.
Sự thất bại của những “ông lớn” trong ngành dịch vụ xe công nghệ như Uber và Lyft khi niêm yết trên chính “sân nhà” Mỹ là bài học nhãn tiền.
Khi bước chân lên sàn chứng khoán, cả hai đều được dự đoán sẽ mang đến “những cú nổ” về giá trị nhưng thực tế cho kết quả ngược lại. Ngay sau khi IPO, giá trị cổ phiếu của cả hai đã tụt thấp hơn mức IPO. Trong đó, Uber giao dịch với giá thấp hơn 8% so với mức 45 USD khi IPO còn Lyft bị mắc kẹt ở dưới mức giá niêm yết ban đầu 72 USD, khoảng 21%.
Thậm chí, cuối năm ngoái, Uber phải bán tháo cổ phiếu nhưng vẫn kỳ vọng sẽ có thể phục hồi vào cuối năm 2021. Tính đến ngày 27/2/2021, khoảng 2 năm sau khi niêm yết, giá cổ phiếu của Uber nhích lên 51,75 USD còn Lyft vẫn ở mức thấp hơn khi IPO là 55,7 USD.
Sự thất bại của Uber và Lyft được nhận định là bởi họ đã ảo tưởng về giá trị của mình khi lên sàn. Dù rằng Uber và Lyft đều rất có tiềm năng nhưng các nhà đầu tư phố Wall lại luôn thận trọng.
Ông Carter Mack, nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn JMP Group cho biết: Sự thất bại của Uber và Lyft để lại bài học xương máu, đó là khi IPO, các công ty như Uber/Lyft cần phải có được lộ trình sinh lời rõ ràng. Bởi, người mua cổ phiếu không thể mạo hiểm như các nhà đầu tư giàu có.
Theo ông Mack, còn một nguyên nhân khác dẫn đến thất bại của Uber và Lyft chính là lên sàn chứng khoán quá muộn. Hai start-up Uber/Lyft đã nhận nguồn vốn hào phóng từ các nhà đầu tư công nghệ trong suốt thời gian dài và chờ nhiều năm mới bước chân lên sàn chứng khoán.
Ông Kathleen Smith, người đứng đầu ngân hàng đầu tư Renaissance Capital cho rằng, các công ty đầu tư mạo hiểm thường có thừa tiền mặt để giúp Uber/Lyft chạy đua theo những cuộc chơi tốn kém dù chưa sinh lời.
“Do đó, qua những vòng gọi vốn, giá trị của các công ty này cứ tăng dần trong khi thực tế vẫn lỗ. Cuối cùng nảy sinh vấn đề: Các start-up đã bị tư nhân định giá ở mức mà thị trường công chúng không thể theo nổi”, ông Smith nói và cho rằng, cách duy nhất để thận trọng khi định giá IPO là nên đưa ra mức giá thấp hơn so với khi gọi vốn tư nhân.
Những con số thua lỗ quá lớn của Uber và Lyft do họ liên tiếp phải “đổ tiền” vào những cuộc chiến giá khốc liệt cũng như “nuôi” những tham vọng mới khiến người mua cổ phiếu chùn chân.
“Thực tế, chưa có công ty nào bắt đầu lên sàn với hành trang là những báo cáo thua lỗ cao trong 12 tháng trước đó như Uber. Ứng dụng Lyft cũng không ngoại lệ, họ đứng thứ 3 trong danh sách này”, ông Kathleen Smith, người đứng đầu ngân hàng đầu tư Renaissance Capital cho hay.