Lần đầu tiên Việt Nam sẽ ra tuyên bố phát triển doanh nghiệp công nghệ
Sắp tới, tại diễn đàn về “Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”, Việt Nam sẽ tuyên bố phát triển doanh nghiệp công nghệ. Theo đó, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ ứng dụng công nghệ của mình để giải các bài toán Việt Nam.
Bộ TT&TT cho biết đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề xuất tổ chức diễn đàn về “Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam” và Thủ tướng đã đồng ý giao cho Bộ TT&TT đại diện cho Việt Nam đứng ra tổ chức diễn đàn này.
Bộ TT&TT cho rằng, muốn phát triển công nghệ thì phải phát triển doanh nghiệp công nghệ, trong các doanh nghiệp công nghệ thì doanh nghiệp công nghệ ICT là chủ đạo. Bộ TT&TT đã yêu cầu các đơn vị và doanh nghiệp tham gia diễn đàn này sẽ thảo luận các vấn đề rõ ràng, cụ thể.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tuyên bố phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trong đó phát triển doanh nghiệp công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ để giải các bài toán Việt Nam.
Bên cạnh đó, để phát triển công nghiệp ICT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý nên chọn một số tỉnh có điều kiện để làm thí điểm trước, ủng hộ việc phát triển doanh nghiệp công nghệ theo hướng ứng dụng nhằm giải quyết bài toán của tỉnh…
Hiện nay, trong lĩnh vực ICT ở Việt Nam có khoảng gần 50.000 doanh nghiệp hiện đang hoạt động với doanh thu cỡ khoảng 100 tỷ USD. Mục tiêu sắp tới của Bộ TT&TT là muốn có khoảng 100.000 doanh nghiệp và thay vì lắp ráp, gia công thì chuyển hướng mới với những doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó đi ra nước ngoài.
Tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước đầu tháng 8/2018, Bộ TT&TT cho biết sẽ xúc tiến thành lập Cục Công nghiệp ICT với nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng lưới made in Việt Nam, đẩy mạnh ngành công nghiệp điện tử, trong đó có công nghiệp quốc phòng và phát triển IoT, công nghệ 4.0.
Tại Hội nghị này, lãnh đạo Bộ TT&TT yêu cầu Tập đoàn Viettel từ nay tổ chức đấu thầu thiết bị viễn thông tại thị trường Việt Nam cũng như các thị trường quốc tế phải mời VNPT tham gia đấu thầu và ngược lại VNPT cũng phải mời Viettel tham gia đấu thầu vào các dự án của VNPT. VNPT, Viettel – hai doanh nghiệp đã sản xuất được các thiết bị viễn thông, CNTT cần cung cấp cho các nhà mạng còn lại dùng thử.
Nếu chất lượng tương đương, giá cả tương đương phải ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước. MobiFone cần đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua việc thành lập Viện nghiên cứu phát triển và sản xuất.
Hiện một số doanh nghiệp như Viettel, VinGroup, VNPT, Bkav… đã tạo ra nhiều sản phẩm rất ấn tượng, thậm chí không nhiều quốc gia trên thế giới có thể làm được và nuôi khát vọng đưa sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc VinGroup cho rằng, trong những năm vừa qua, nhờ những chính sách ưu đãi cho hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm điện tử và CNTT của Nhà nước.
Việt Nam trở thành điểm đến của các doanh nghiệp công nghệ lớn như LG, Samsung, Nokia, Foxconn… kéo theo đó dần hình thành những chuỗi sản xuất, cung ứng phụ trợ cho các thiết bị điện tử toàn cầu tại Việt Nam.
Ông Võ Quang Huệ cho biết, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng, nghiên cứu phát triển và sản xuất các thiết bị điện tử tại Việt Nam.
Cơ hội hiện tại mở ra cho tất cả doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam, tuy nhiên, để đạt được quy mô lớn, làm chủ được các khâu quan trọng nhất và tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua nhiều khó khăn.
Trước tiên khó khăn trực tiếp là sự cạnh tranh khốc liệt khi các doanh nghiệp đến từ các nước tương đồng tìm mọi cách để tranh thủ cơ hội của chiến tranh thương mại. Thêm vào đó, khó khăn đến từ chính năng lực, quy mô và tốc độ triển khai của bản thân từng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Viettel tin tưởng rằng người Việt Nam có đủ khả năng tự chủ nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị hạ tầng viễn thông để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia và sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Viettel đặt mục tiêu và tin tưởng sẽ làm chủ nghiên cứu sản xuất thành công toàn bộ thiết bị hạ tầng mạng viễn thông theo xu thế công nghệ mới, trong đó sẽ làm chủ thiết bị BTS 5G trước năm 2021.
Sự tin tưởng này của Viettel xuất phát từ năng lực và kinh nghiệm tích lũy của Tập đoàn, năng lực sáng tạo và tính cần cù của con người Việt Nam, bối cảnh trong nước và quốc tế cũng như sự đồng hành của Chính phủ cùng với các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Chiến nói.
CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng cho rằng, câu chuyện quan trọng nhất đối với việc sản xuất các sản phẩm công nghệ đó là làm chủ công nghệ. CEO Bkav đưa ra ví dụ chuyện làm chủ công nghệ của các hãng smartphone Trung Quốc tại chính thị trường này.
Năm 2012 Samsung đang có thị phần số một tại Trung Quốc, nhưng đến năm 2018 thì Samsung chỉ còn chiếm chưa đến 1% ở thị trường này. Sở dĩ như vậy bởi những công ty nội địa của Trung Quốc đã có thể làm chủ công nghệ, sở hữu công nghệ để làm ra những sản phẩm có thể cạnh tranh. Câu chuyện này cũng có thể lặp lại với nhà sản xuất khác.
Với góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav đã nói về đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị điện thoại di động, với nhận định tại Việt Nam, chỉ cần 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn đóng vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất để có thể thay thế các doanh nghiệp ngoại.
Theo P.V – ICTNews