Chính phủ cần thúc đẩy khởi nghiệp để Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ từ thị trường biên trở thành thị trường mới nổi.

GS Alexander Eddie là chuyên gia về kinh tế có tiếng tại các trường ĐH của Úc. Ảnh: NVCC.

GS Alexander Eddie, chuyên gia nghiên cứu về đầu tư tư nhân của Tập đoàn VinaCapital đã có những nhận định như vậy về kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

Theo chỉ số Morgen Stanley Composite Index (MSCI), Việt Nam hiện được phân loại là “thị trường biên” (frontier market) và đang dần chuyển đổi thành “thị trường mới nổi” (emerging market).

Việc chuyển thành thị trường mới nổi sẽ đánh dấu bước chuyển đổi kinh tế quan trọng với Việt Nam trong phạm vi ASEAN. Vì điều này sẽ thu hút nguồn vốn nước ngoài từ các nhà đầu tư quốc tế lớn nhiều hơn, giúp hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động khởi nghiệp.

GS Alexander Eddie chỉ ra rằng, Việt Nam có lẽ đã có đủ tiền đề tốt nhất để thăng hạng lên ngang tầm với chuẩn kinh tế tại Thái Lan và Malaysia. Việt Nam đã tự định vị tốt, cải cách hệ thống tài chính, chính trị ổn định. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất mạnh mẽ và hiện đã vượt hơn 100% GDP của đất nước.

Theo GS Eddie, Chính phủ chưa thực hiện nhiều cải cách như người dân mong muốn, nhưng chính sự thận trọng đã giảm bớt nguy cơ cho nền kinh tế non trẻ như Việt Nam.

“Để đạt được danh hiệu thị trường mới nổi, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp mới. Ngày nay, Việt Nam cần phải là trung tâm đổi mới sáng tạo và là nơi cổ vũ những doanh nghiệp mới”- GS Eddie nói.

Được sự hỗ trợ bởi các chính sách rõ ràng của Chính phủ, tinh thần khởi nghiệp ở đất nước sẽ thăng hoa, đặc biệt tại TP.HCM– ngôi nhà của hơn phân nửa số doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhờ tư duy khởi nghiệp và năng lực kinh doanh, giới khởi nghiệp tại đây có thể thích ứng với ngành đầu tư mạo hiểm đang nổi ở Việt Nam.

“Người Việt rất giỏi khởi nghiệp. Tôi nghĩ thế hệ thương nhân kế tiếp sẽ chớp lấy cơ hội để mở rộng doanh nghiệp nhỏ của mình hòng kiến tạo sự bền vững, trả lương cao hơn và nhiều cơ hội cho nhân viên hơn”- GS Eddie cho biết.

TP.HCM chiếm tới hơn một nửa số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

Ông cho rằng, Việt Nam hiện có nền kinh tế xuất khẩu mạnh. Hầu hết hàng xuất có nguồn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng nếu các công ty Việt Nam đang tự lớn mạnh và bồi đắp kỹ năng, họ sẽ có thế xây dựng năng lực ASEAN quốc tế hóa hơn nữa.

Dù mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng triển vọng năm 2019 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực, GS Eddie cũng chỉ ra hai thách thức rõ nét mà Chính phủ sẽ phải đối mặt trong những năm tới: tăng trưởng kinh tế vững mạnh trong môi trường kinh tế toàn cầu nhiều biến độngquản trị sự bất bình đẳng kinh tế (khoảng cách giàu nghèo).

Theo chỉ số thịnh vượng toàn cầu Wealth-X năm 2018, Việt Nam là quốc gia phát triển nhanh thứ ba trong tạo ra các tỉ phú thể giới. Đây là con số thật ấn tượng. Việt Nam không chỉ có nhiều doanh nhân thành đạt mà họ còn thành công theo chuẩn toàn cầu.

“Nhưng đây cũng là vấn đề mà Chính phủ cần ý thức rõ tỉ lệ nghèo vẫn còn và bất bình đẳng trong thu nhập là vấn đề lớn. Bất bình đẳng thu nhập luôn là vấn đề mấu chốt trong bình ổn kinh tế. Bất kỳ quốc gia nào có tỉ lệ bất bình đẳng càng cao càng có nguy cơ bất ổn về xã hội và chính trị”- GS Eddie đúc kết.

Là chuyên gia có tiếng tầm quốc tế về quy tắc và cách quản trị doanh nghiệp, GS Alexander Eddie có hơn 20 năm kinh nghiệm trong quản trị chiến lược cho các chương trình và hoạt động nghiên cứu của các khoa kinh doanh.

Ông từng nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực học thuật tại 3 trường ĐH của Úc gồm ĐH New England, ĐH Canberra và ĐH Southern Cross.

Hà Thế An – Khampha.vn

Bài gốc