Không khuyến khích bỏ học để khởi nghiệp
Không hiếm gặp trên đường phố hiện nay những nhóm sinh viên đi bán các đồ handmade. Họ cho biết đến từ CLB khởi nghiệp nào đó. Nhiều bạn trẻ có thể thuộc lòng mô hình bỏ học đi khởi nghiệp thành công của Jack Ma và kiếm tiền triệu USD nhẹ nhàng… Vậy nếu không có định hướng, không được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như truyền thông không đúng hướng, liệu đó có phải là một trào lưu nguy hiểm?
Đây là băn khoăn được ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty BK-Holdings, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đặt ra tại Hội thảo “Phát triển mô hình đào tạo khởi nghiệp từ giáo dục phổ thông”.
Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của BK – Holdings – Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội (Hanoi ADC) – Thành đoàn Hà Nội và Junior Startup Vietnam (Tổ chức Tuổi trẻ khởi nghiệp).
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Dũng cho rằng từ khóa “khởi nghiệp” xuất hiện ở khắp nơi. Nhưng câu hỏi lớn đặt ra là chúng ta đã chuẩn bị hành trang gì cho những người chuẩn bị khởi nghiệp.
“Trong quá trình thực tế làm việc với các Startup Việt thì chúng tôi thấy họ cực kỳ trẻ. Qua tìm hiểu tại những nước thành công về khởi nghiệp thì thấy họ có sự chuẩn bị rất bài bản cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Do đó sự khởi nghiệp của họ thành công dễ dàng hơn rất nhiều so với khởi nghiệp thành công ở Việt Nam” – ông Dũng cho hay.
Ông Dũng cũng cho biết theo báo cáo mới nhất về chỉ số khởi nghiệp tại Việt Nam do một số tổ chức nước ngoài phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp có 12 tiêu chí. Việt Nam có 3 tiêu chí trên mức trung bình của thang điểm 5, còn 9 tiêu chí dưới mức trung bình. Trong đó có 3 tiêu chí ở mức thấp nhất. Đó là chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hệ sinh thái khởi nghiệp. Thứ hai là tài chính trong khởi nghiệp, thứ ba là giáo dục về kinh doanh ở phổ thông. Chỉ số thứ ba chỉ đạt 1,57/5 điểm.
Sẽ có tài liệu về khởi nghiệp cho học sinh phổ thông
Tại hội thảo, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Doron Lebovich đã chia sẻ kinh nghiệm của một quốc gia khởi nghiệp thành công. Ông Doron Lebovich cho biết 80% các trường của Israel là công lập. Chính phủ hỗ trợ hoàn toàn về vốn. Các bộ môn chính được giảng dạy cho học sinh chiếm khoảng 75% thời gian. 25% thời gian còn lại thiết kế riêng phù hợp với học sinh từng trường. Các giáo viên được phép thiết kế bài giảng của riêng mình. Các trường xây dựng các khóa học thực tiễn để đưa vào giảng dạy. “Đặc biệt ở Israel, chúng tôi tập trung vào giáo dục Stem (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) từ mẫu giáo cho đến đại học.
Ở mẫu giáo có những bài học về khoa học siêu nhỏ như chạm tới bầu trời. Lớn hơn cho học sinh vào phòng thí nghiệm để trải nghiệm thực tiễn. Đồng thời kết hợp với các công ty lớn để cho học sinh, sinh viên trải nghiệm.
Học sinh từ 15-18 tuổi được trải nghiệm trại hè sáng tạo bằng tiếng Anh. Chúng tôi cũng khuyến khích các em yêu thích khoa học công nghệ bằng cách cho các em tham gia các CLB khoa học, tham gia trải nghiệm ở các công viên khoa học” – ông Doron Lebovich cho hay.
Từ chính sách giáo dục này Israel đã trở thành một quốc gia khởi nghiệp với dân số 8,5 triệu người nhưng có tới 4.800 công ty khởi nghiệp. Số vốn đầu tư mạo hiểm trên đầu người cũng lớn nhất thế giới, 170 USD/người (Mỹ là 70 USD/người).
Ở Việt Nam, ông Bùi Tiến Dũng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đối với học sinh trước mắt là xây dựng bộ tài liệu khởi nghiệp cho đội ngũ lãnh đạo nhà trường. Thứ hai là hỗ trợ trực tiếp cho giáo viên dạy hướng nghiệp trong các trường phổ thông cũng như tại các trung tâm hướng nghiệp của Bộ LĐTB&XH. Bước tiếp theo là tập huấn cho đội ngũ giáo viên này và đội ngũ quản lý các CLB nghiên cứu khoa học của các trường.
“Sau khi có kỹ năng, giáo viên sẽ giảng dạy trực tiếp cho học sinh qua các giờ hướng nghiệp, các hoạt động ngoại khóa và cũng biết được các đề tài dự thi nghiên cứu khoa học nào khả thi để giới thiệu tới các trung tâm ươm mầm” – ông Bùi Tiến Dũng cho hay. Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển Thanh niên Hà Nội (Thành Đoàn Hà Nội) khẳng định không phải ai cũng có thể khởi nghiệp. Với những nhóm đối tượng đang có dự định khởi nghiệp thì sẽ đào tạo.
Còn với học sinh trước mắt xây dựng cho các em đầy đủ kiến thức về khởi nghiệp. “Tất nhiên không khuyến khích các em bỏ học khởi nghiệp nhưng nên khuyến khích các em tìm hiểu về khởi nghiệp, tham gia khởi nghiệp từ khi còn là học sinh phổ thông” – ông Lê Anh Tuấn nói.
Nghiêm Huê – Báo Tiền phong