Khối rubik ‘kỳ diệu’ giúp nhà sáng lập gọi vốn thành công 3 triệu USD trong chưa đầy 2 năm
Dinakaran được mọi người kỳ vọng sẽ kết hôn sau khi tốt nghiệp học trung học phổ thông, sinh con và tiếp quản việc trồng dừa của gia đình.
Kesava Kirupa Dinakaran lớn lên trong một trang trại trồng dừa ở vùng nông thôn miền nam Ấn Độ. Anh được mọi người kì vọng sẽ kết hôn sau khi tốt nghiệp học trung học phổ thông, sinh con và tiếp quản trang trại của gia đình. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi khi anh biết đến trò rubik ở trường cấp hai.
Giải khối rubik nhanh chóng thành niềm đam mê của Dinakaran. Từ người chiến thắng các cuộc thi địa phương, anh đã trở thành đội trưởng đội tuyển quốc gia của Ấn Độ. Tại một cuộc thi, anh đã giải được 290 khối rubik trong một giờ – kỷ lục Guinness thế giới mà anh vẫn giữ cho đến ngày nay.
Khối rubik “kỳ diệu”
Đôi tay khéo léo của Dinakaran đã mở ra những cánh cửa không thể tưởng tượng được đối với bản thân anh và gia đình. Khi đi khắp Ấn Độ để tham gia các cuộc thi, anh đã gặp nhiều bác sĩ, chính trị gia, doanh nhân và bắt đầu ước mơ lớn.
Sau đó, anh nhận được học bổng toàn phần của trường trung học phổ thông United World College (UWC) danh tiếng. Tại đây, anh tự học cách viết mã khi chế tạo một chiếc máy bay không người lái từ đầu để giám sát các khu vực xung quanh xem có cháy rừng hay không. Kế hoạch tiếp theo của anh là học đại học ở nước ngoài.
Tháng 3/2019, Dinarakan đã được một tổ chức từ thiện tài trợ đến New York để tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trẻ. Sau sự kiện này, anh quyết định dành 5 ngày ở Bay Area và gặp một người bạn tại ký túc xá của trường Stanford.
Anh miêu tả việc lần đầu đặt chân đến Thung lũng Silicon như một điều kì diệu. Tại đây, anh gặp gỡ những nhà sáng lập trẻ đều có mong muốn tạo ra thứ có thể thay đổi thế giới, chẳng hạn như “Uber, Snapchat hoặc Facebook tiếp theo”.
Chỉ một tháng sau hội nghị, Dinakaran từ bỏ ước mơ đại học của mình. Thay vào đó, anh thu dọn hành lý và chuyển đến San Francisco trong khi vẫn chưa có ý tưởng khởi nghiệp cụ thể.
Từng chỉ còn 9 USD trong tài khoản
Phần còn lại của năm 2019 là một trong những giai đoạn khó khăn nhất đối với Dinakaran. Anh sống nhờ số tiền tiết kiệm được từ các cuộc thi giải rubik và hackathon (thi lập trình) trước đó. Nơi ở của anh cũng rất khiêm tốn: Một nhà để xe nhỏ, râm mát và không có hệ thống thông gió. Có thời điểm, chàng trai 20 tuổi chỉ có vỏn vẹn 9 USD trong tài khoản ngân hàng.
Tháng 5/2019, anh tình cờ gặp Dmitry Dolgopolov tại một cuộc thi hackathon. Dolgopolov là một người tài năng khi tự học viết mã ở tuổi 14 bằng việc tạo lại các trò chơi trên App Store từ đầu và bán chúng trên Google Play Store.
Thời điểm hiện tại, sau hơn một năm gặp gỡ, hai nhà đồng sáng lập đã huy động được tổng cộng 3,4 triệu USD tiền đầu tư cho DigitalBrain. Một số nhà đầu tư cho startup của họ bao gồm Moxxie Ventures, công ty mạo hiểm được thành lập vào năm ngoái bởi cựu CEO Twitter – Katie Jacobs Stanton, nhà sáng lập Twitch, Mercury, Notion và Rappi.
Dolgopolov (bên trái) và Dinakaran tại Y Combinator.
Dolgopolov là người thực hiện hầu hết công việc mã hóa cho DigitalBrain trong khi Dinakaran là người thiết kế và phát triển ý tưởng sản phẩm. Ít ai biết rằng “vũ khí bí mật” khi gặp các nhà đầu tư lần đầu tiên của Dinakaran lại là khối rubik mà anh giải được chỉ trong 7 giây.
Anh nói: “Hầu hết mọi người đều khá sốc. Đối với tôi, nói chỉ như một trò biểu diễn đem lại niềm vui ở các bữa tiệc”.
Trở thành “người trong cuộc” ở Thung lũng Silicon
Một trong những điều khó khăn nhất mà Dinakaran phải đối mặt với tư cách là một nhà sáng lập là trở thành “người ngoài” ở Thung lũng Silicon. Khi đến San Francisco năm ngoái, anh biết rằng sẽ không thể thành lập công ty thành công nếu không xây dựng một mạng lưới các nhà đầu tư, nhà điều hành và kỹ sư mạnh mẽ.
Vì vậy, anh gửi email cho hàng trăm người mỗi ngày, hẹn gặp nhiều người cũng như đăng ký các cuộc thi hackathon.
Sau khi hoàn thiện phiên bản đầu tiên của DigitalBrai, Dinakaran và Dolgopolov chuyển tới sống tại một ngôi nhà có toàn các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp ở Palo Alto vào tháng 11.
Bước đột phá lớn đầu tiên của bộ đôi đến khi được nhận vào lớp học mùa hè của “vườn ươm startup” Y Combinator. Trải nghiệm này giúp họ có thể liên lạc với các nhà đầu tư mới, gồm những người đến từ một số công ty hàng đầu ở Thung lũng Silicon.
Dinakaran biết rằng trước mắt anh là một chặng đường dài với mục tiêu là trở thành “siêu nhân cho các đại lý hỗ trợ khách hàng”. Ngoài ra, anh cũng muốn dùng khả năng của mình cải thiện cộng đồng tại quê nhà Ấn Độ.
Anh nói: “Thực tế là vẫn chưa có gì thay đổi ở quê hương và gia đình tôi là một lời nhắc nhở mỗi ngày rằng tôi cần tiếp tục làm việc chăm chỉ. Khi đó, tôi có thể giúp cuộc sống của nhiều người trở nên tốt đẹp hơn”.
Theo Tổ Quốc