Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 có sức tàn phá rất mạnh, tác động đến hầu hết các lĩnh đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Đây có lẽ là một năm đầy cam go, thử thách đối với chính quyền, doanh nghiệp và các startup khởi nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này, cũng đã có nhiều startup chuyển mình, thay đổi chiến lược, thích ứng “linh hoạt” để vượt qua thử thách chưa từng có trong tiền lệ để tiếp bước trên chặng đường khởi nghiệp còn nhiều chông gai.

Thấm đòn khi dịch COVID-19 bùng phát

Là một startup khởi nghiệp khá thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Nguyễn Thanh Việt, người sáng lập Công ty bánh Nhật Ngọc, ở tỉnh Vĩnh Long đã biến củ khoai lang đơn thuần thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: bánh phồng khoai lang thuần chay và bánh quy khoai lang, hai sản phẩm này giờ đây đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.

Anh Nguyễn Thanh Việt chia sẻ, Vĩnh Long được mệnh danh là “Vương quốc khoai lang”, nhưng tình trạng “được mùa, rớt giá” hầu như năm nào cũng diễn ra, chính điều đó đã thôi thúc anh tìm kiếm giải pháp để nâng cao giá trị loại nông sản chủ lực của địa phương. Nghĩ là làm, anh bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình bằng những sản phẩm làm từ khoai lang. Trong suốt một thời gian dài anh Việt vừa làm, vừa nghiên cứu và thay đổi công thức và thất bại thì không đếm xuể. Những những thất bại này không làm anh Nguyễn Thanh Việt nản lòng mà còn phải quyết tâm “vượt khó” để biến giấc mơ thành hiện thực.

Sản phẩm startup khởi nghiệp được công nhận OCOP 4 sao và được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.

Qua hơn 1 năm thử nghiệm, những chiếc bánh phồng khoai lang đầu tiên đã ra đời, sản phẩm được giới thiệu tới người thân, bạn bè và nhận được phản hồi ngoài mong đợi. Anh Việt mạnh dạn thành lập Công ty bánh Nhật Ngọc vào cuối năm 2019 để cung ứng ra thị trường, để có nguồn nguyên liệu ổn định anh đã liên kết với các hộ dân trồng khoai lang và thu mua với giá cao hơn để người dân ổn định cuộc sống, từ sản phẩm bánh phồng khoai lang ban đầu đến nay anh đã cho thêm bánh quy khoai lang.

Công ty đang trên đà phát triển thì dịch bệnh COVID-19 ập tới, đây là đòn giáng mạnh với anh Nguyễn Thanh Việt, thị trường bị “co cụm”, mạng lưới phân phối ở TP.HCM và một số tỉnh phía Bắc gần như “đóng băng”, anh Việt buộc phải tìm hướng đi mới bằng cách trưng bày, bán sản phẩm thông qua các cửa hàng OCOP được ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng số lượng không được nhiều. Để duy trì hoạt động của Công ty trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, anh Việt kiêm thêm nhiệm vụ buôn bán nông sản theo mùa, việc này không chỉ giúp người dân ổn định đầu ra mà bản thân anh Việt cũng cầm cự đến khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát sẽ mở rộng thị trường, nghiên cứu thêm sản phẩm mới để phù hợp hơn với khách hàng.

“Bản thân quyết tâm khởi nghiệp bằng khoai lang với các dòng bánh từ khoai lang khác nhau để đa dạng hóa nhu cầu của khách hàng. Tôi cảm thấy khó khăn đưa sản phẩm ra thị trường, chúng tôi tham dự một số chương trình hỗ trợ từ tỉnh và chúng tôi tìm được một số nhà phân phối, đầu ra của sản phẩm sẽ rộng hơn, sản lượng sản xuất sẽ nhiều hơn và hỗ trợ cho người nông dân tăng thêm giá trị khoai lang” – anh Việt chia sẻ.

Kiến thức kinh doanh quyết định thành công của một Startup

Hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực về dược liệu, dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm ở thành phố Cần Thơ nhận thấy một bộ phận người dân sử dụng nguồn thảo dược không rõ nguồn gốc và kém chất lượng, trong khi tiềm năng và giá trị của dược liệu Việt Nam vô cùng to lớn. Vì thế, chị Hồng Thắm đã nung nấu ý tưởng để tạo ra những sản phẩm mang lại lợi ích về sức khỏe người tiêu dùng bằng chính những kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm nghiên cứu.

Các loại trà đều có thương hiệu chung là “Cần Thơ dược trà”.

Từ những ý tưởng ban đầu, chị Hồng Thắm đã bước chân vào con đường khởi nghiệp, dù đã lường trước những thách thức không hề nhỏ, những khó khăn luôn tiềm ẩn và ập đến bất cứ lúc nào. Những sản phẩm dược liệu của chị Hồng Thắm ra đời vào đúng thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, không có thị trường, nguồn tín dụng hạn hẹp trong khi chi phí ban đầu bỏ ra rất lớn.

Bằng nghị lực và kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành dược liệu, chị Hồng Thắm dần vượt qua sóng gió ban đầu, khắc phục những hạn chế, khó khăn để sau hai năm khởi nghiệp, dược sĩ Hồng Thắm, đã trở thành Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hygie & Panacee Cần Thơ và cho ra đời 10 loại trà với nguyên liệu sẵn có tại vùng ĐBSCL. Các loại trà đều có thương hiệu chung là “Cần Thơ dược trà” để gợi nhớ về một vùng đất và con người có khả năng tạo ra những sản phẩm chất lượng, uy tín để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.

Trái ngọt đã đến với chị khi nhận giải nhất tại Cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2021, và điều đặc biệt ở đây là sản phẩm đạt giải chỉ vừa mới nghiên cứu và sản xuất đưa ra thị trường chưa đầy hai năm. Đây là nguồn động viên quý báu để chị Hồng Thắm tiếp tục phát triển và cho ra đời thêm những sản phẩm mới sau dịch COVID-19, bằng kinh nghiệm và đúc kết sau thời gian dài vật lộn để xây dựng thương hiệu:

“Tôi có rất nhiều năm nghiên cứu về dược liệu và cũng thành công với dược liệu rất nhiều. Tuy nhiên, trong khởi nghiệp vẫn gặp khó khăn nhưng khó khăn không phải là vấn đề chuyên môn mà vấn đề kinh doanh, thường các bạn khởi nghiệp giỏi chuyên môn thì có nhưng ít người giỏi kinh doanh. Muốn kinh doanh được mình phải học quản trị kinh doanh, để mình có thể phối hợp giữa chuyên môn của mình và kiến thức về kinh doanh thì mình mới dám khởi nghiệp” – chị Thắm nói.

Lan tỏa hệ sinh thái khởi nghiệp đến người dân

Vùng đất Sen hồng Đồng Tháp được biết đến là địa phương có phong trào khởi nghiệp mạnh nhất ở khu vực ĐBSCL trong những năm qua. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, năm 2021 dù chịu ảnh những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp công nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn có thời điểm phải tạm ngưng hoạt động nhưng phong trào khởi nghiệp ở vùng đất Sen hồng vẫn được hun đúc và lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân.

Cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2021.

Trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh COVID-19, Đồng Tháp vẫn luôn đồng hành cùng các startup trong các dự án khởi nghiệp bằng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ để phong trào khởi nghiệp của Đồng Tháp phát triển, tạo ra một hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp để tạo động lực phát triển kinh tế và việc làm cho lao động về sau.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, phong trào khởi nghiệp đã tạo ra cú hích để startup khai thác các tài nguyên bản địa của Đồng Tháp có lợi thế, chính sự năng động, sáng tạo của các startup đã đưa Đồng Tháp vươn lên đứng đầu vùng ĐBSCL với gần 300 sản phẩm OCOP, dù phong trào khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng sự “thích ứng” đã giúp phong trào khởi nghiệp vùng đất Sen hồng phát huy mạnh mẽ.

“Năm vừa qua dù khó nhưng chúng tôi đã phát triển được phong trào khởi nghiệp, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, tập huấn, bồi dưỡng, truyền đạt những kinh nghiệm về kỹ năng, hỗ trợ về những bao bì sản phẩm và kết nối để làm sản phẩm ngày càng tốt hơn. Hướng tới, Đồng Tháp sẽ xây dựng một trung tâm khởi nghiệp lớn để quy tụ được tất cả những ý tưởng để tạo một môi trường sinh thái khởi nghiệp mạnh hơn. Với cách làm của Đồng Tháp, và sự đạt được trong thời gian qua thì tinh thần khởi nghiệp của Đồng Tháp trong hướng tới sẽ phát huy mạnh hơn” – ông Nghĩa nói.

Các startup Việt kiên cường trước dịch COVID-19

Hiện nay Việt Nam có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động trong nước và nước ngoài để hỗ trợ các startup, trên 180 vườn ươm tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 138 trường đại học, cao đẳng có không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam nếu xa rời các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp lớn sẽ phát triển chậm, đây là xu thế mà thế giới đang triển khai mạnh mẽ khi các nước này kéo hệ sinh thái của các tập đoàn, doanh nghiệp để cùng xây dựng hệ sinh thái vùng và quốc gia.

Theo ông Phạm Hồng Quất, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang chuyển động tốt, sau 5 năm Việt Nam được coi là hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Để đạt được điều này chính là nhờ vào sự năng động của các startup. Hiện đã có 11 startup được đánh giá trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực và số vốn kêu gọi đầu tư của các startup Việt năm 2021 trên 1 tỷ USD, con số huy động vốn ấn tượng dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Trong thời gian tới, cần những hoạt động kết nối, hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong từng lĩnh vực công nghệ, thích ứng với thị trường và xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp.

“Quyết định 188 của Thủ tướng Chính phủ muốn nâng cấp và mở rộng hoạt động của hệ sinh thái ra nhiều hơn, trong đó thúc đẩy thành lập những trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyên sâu hơn. Kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rộng mở hơn gồm cả các nguồn lực quốc tế, đặc biệt là kiều bào ở nước ngoài, đây là tinh thần của 188, đây là một định hướng mở nữa cho hệ sinh thái để nâng tầm startup trong nước” – ông Quất nêu ý kiến.

Năm 2021, một năm nhiều biến động, thách thức của dịch bệnh COVID-19 đến kinh tế, xã hội của đất nước, các startup khởi nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung gặp muôn vàn khó khăn, chật vật để “thích ứng” khi thị trường gần như bị “đóng băng”.

Gạt qua những khó khăn, thử thách, các startup vùng ĐBSCL đang tìm kiếm những cơ hội trong năm mới Nhâm Dần 2022, một năm cần sự kiên nhẫn, sẵn sàng dấn thân và thay đổi tư duy để thích ứng với xu hướng mới, tìm kiếm các nguồn lực, tạo sự bứt phá trong tăng trưởng để đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19./.

THEO PHẠM HẢI
(VOV-ĐBSCL)