Khởi nghiệp với ý tưởng biến chất thải thành đất sạch
Đó là Nguyễn Hữu Huy Hào, đang học năm 3, chuyên ngành Xử lý môi trường (Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ)và Phan Hồng Mức, cùng học năm 3, chuyên ngành Kinh tế (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ).
Khởi nghiệp từ thứ “vứt đi”
Huy Hào và Hồng Mức vừa đạt giải Nhì trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên” lần thứ nhất do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội 2017. Với tâm trạng phấn khởi, Hào vui vẻ chia sẻ: “Tham gia cuộc thi cấp quốc gia giúp tụi em quảng bá rộng hơn sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Hơn nữa, đây là sân chơi lớn cho các bạn có ý tưởng khởi nghiệp với quy mô toàn quốc, giúp tăng thêm khả năng, kỹ năng và trải nghiệm nhiều thứ.
Đặc biệt, đó là nơi để ý tưởng gặp nhau trau dồi kinh nghiệm cũng như quảng bá được những sản phẩm do chính tay sinh viên tạo nên để mọi người biết đến”. Còn bạn Phan Hồng Mức mỉm cười nói: “Thành công như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu gian khổ vì có những lúc khó khăn tưởng như phải bỏ cuộc giữa chừng, nhưng niềm đam mê khởi nghiệp đã thôi thúc tụi em theo đuổi đến cùng”.
Bạn Hào tiếp lời: “Đây chỉ là bước đầu, chúng em sẽ còn phấn đấu nhiều hơn để sản phẩm được hoàn thiện, đặc biệt là mong muốn sản phẩm của mình phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao như rau sạch và hoa kiểng”.
Trước đó, hai bạn Hào và Mức đã vượt qua 200 dự án khác trong khu vực ĐBSCL để đoạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do dự án SIMVA phối hợp Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Dự án SIMVA nằm trong chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan. Đây là chương trình Hỗ trợ phát triển chính thức được đồng tài trợ bởi chính phủ Phần Lan và chính phủ Việt Nam từ năm 2014 đến 2018 hướng tới các mục tiêu dài hạn là hỗ trợ phát triển kinh tế và hệ thống đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Nguyễn Hữu Huy Hào cho biết ý tưởng làm ra sản phẩm này là từ việc chứng kiến thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt là từ các nhà máy thủy sản ở quê (Hào quê Cà Mau, còn Mức quê Bạc Liêu) gây ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư. “Ngay từ những năm học phổ thông khi còn học chung, tụi em đã nảy ra ý tưởng này và quyết tâm phải làm ra cái gì đó để hạn chế ô nhiễm”, Hào nói.
Hào kể, đầu năm 2016 trong quá trình thực hiện thí nghiệm với các thầy cô trong khoa về việc xử lý nước thải chế biến thủy sản, em nhận thấy sau quá trình xử lý và hoàn thành nước thải cho ra lượng nước đạt tiêu chuẩn, còn lại lượng bùn thải thì bỏ không. Em hỏi các thầy cô bùn thải này có chứa thành phần như thế nào? Thầy cô phân tích và cho biết, bùn thải chứa rất nhiều hữu cơ sau quá trình xử lý nước thải.
Vì quá trình xử lý này chủ yếu là xử lý vi sinh, hoàn toàn không có hóa chất hoặc kim loại nặng. Nhưng nếu không được xử lý một cách triệt để thì chính lượng bùn thải này sẽ gây ô nhiễm đất, điều mà trước nay đã và đang diễn ra mà ít người quan tâm. Sau đó, các thầy bảo đem đổ bùn thải đi và em nảy sinh ý tưởng tận dụng nó để xử lý lại phục vụ nông nghiệp.
“Tại sao bùn thải tốt có lợi cho cây trồng, đặc biệt là rau sạch và hoa kiểng như vậy lại đem bỏ. Như thế, có phải chính các công ty chế biến thủy sản họ vô tình bỏ đi nguồn lợi này, tại sao ta không tái chế để chúng trở thành sản phẩm hoàn thiện hơn”, Hào bộc bạch.
Mức tâm sự: “Trong quá trình thực hiện ý tưởng, tụi em cũng gặp rất nhiều khó khăn là phải dung hòa thời gian cho việc học, đưa ra quy trình hoàn thiện sản phẩm và tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong nhiều vòng”.
Cụ thể như từ những vòng đầu tiên phải tranh thủ giữa việc học tại trường và việc hoàn thiện ý tưởng. Đồng thời, kinh phí để làm thí nghiệm cũng như đi lại gặp nhiều khó khăn.
Đến vòng chung kết, nhóm cùng giáo viên hướng dẫn đầu tư thời gian khá nhiều, có những hôm phải thức trắng làm việc để kịp tiến độ hoàn thiện sản phẩm cũng như hoàn chỉnh văn bản, quy trình nhưng vẫn phải đảm bảo việc học.
“Có những lúc tụi em xảy ra tranh cãi, thậm chí mâu thuẩn vì quan điểm. Qua đó, giúp cả hai đúc kết lại kinh nghiệm giải quyết công việc khi làm nhóm”, Mức chia sẻ.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Theo lời Hào, lượng bùn hoạt tính sau khi lắng có chứa nhiều chất hữu cơ rất tốt để làm giá thể cộng với than hoặc “dớ tảo” để trồng hoa lan hay rau sạch, sẽ tạo ra giá trị cao.
Hào cho biết thêm, sau khi thực hành về, em tìm hiểu các tài liệu và tư liệu trên mạng hoặc qua thư viện của khoa và chuyên ngành môi trường thì thấy hầu như chưa có quy trình cũng như sản phẩm bùn vi sinh được chiết xuất từ bùn thải.
Bùn vi sinh chính là rác thải bị bỏ đi tại các nhà máy chế biến thủy sản. Mình tận dụng được sẽ giảm thiểu tối đa mức độ độc hại từ nước thải thủy sản. “Hơn nữa, ở ĐBSCL có trên 200 nhà máy chế biến thủy sản nên chúng em có thể tận dụng lợi thế này để có nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào”, Hào nói.
Bạn Phan Hồng Mức cho biết thêm, hiện nay tài nguyên nước rất quan trọng trong quá trình nuôi trồng và chế biến thủy sản. Trong khi các nhà máy chế biến thủy sản lại xả ra một lượng nước thải có chứa rất nhiều hữu cơ chứa nhiều đạm, lân có lợi cho cây trồng nhưng hiện nay đa số các công ty chế biến thủy sản chưa có hệ thống xử lý nước thải triệt để do chi phí vận hành cao. Đặc biệt là các sản phẩm sau khi xử lý như bùn thải chưa được xử lý và quản lý đúng cách gây ảnh hưởng đến môi trường.
Theo Mức, ý tưởng sử dụng bùn vi sinh thu được trong quá trình xử lý nước thải từ công ty chế biến thủy sản để trồng rau sạch và hoa kiểng sẽ giảm thiểu tối đa mức độ độc hại từ nước thải chứa hàm lượng các chất hữu cơ, vô cơ các loại vi khuẩn, virus, động vật nguyên sinh gây bệnh đến môi trường cũng như sức khỏe của con người.
Hơn nữa, nó đảm bảo an toàn hệ sinh thái phát triển, cũng như tránh các tác động gây ô nhiễm môi trường nước mặt và nước ngầm. Đặc biệt là tạo nguồn thu từ phụ phẩm của quá trình xử lý nước thải.
Bùn thải sau khi được lấy từ nhà máy sẽ trải qua giai đoạn tách nước lấy bùn khô, khử UV và bổ sung một số thành phần phối trộn cho ra bùn vi sinh để phù hợp với từng loại cây trồng. Loại bùn này có ưu điểm là hàm lượng dinh dưỡng cao, không lẫn các chất hóa học, thích hợp trong trồng hoa kiểng, rau màu, đặc biệt là các loại rau sạch. Ngoài ra, có thể sử dụng kết hợp hoặc làm giá thể trong thủy canh.
Hướng tới nông nghiệp công nghệ cao
Hiện tại, sản phẩm bùn vi sinh của Hào và Mức đã có mặt ở nhiều trang trại, cơ sở cũng như nông hộ trồng rau sạch và hoa kiểng ở Cần Thơ và một số địa phương trong vùng ĐBSCL. Anh Nguyễn Văn Phong, Chủ cơ sở sản xuất rau sạch trên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) đang thử nghiệm sản phẩm bùn vi sinh của nhóm em Hào cho biết, đang thử nghiệm trồng trên 2 dòng sản phẩm là rau và cà chua mới nhập từ Hà Lan.
“Hiện cây phát triển tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong thời gian tới có kết quả cao sẽ ứng dụng rộng trên toàn trang trại”, anh Phong nói. Anh Nguyễn Trí Thành, ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng (TP Cần Thơ) cũng đang sử dụng sản phẩm bùn vi sinh để trồng rau sạch phục vụ nhu cầu hằng ngày của gia đình.
Anh cho biết, khi trồng đến nay hơn tháng, rau phát triển tốt, không bị héo. Hơn nữa, tỷ lệ đạm trong bùn cao hơn đất bình thường khoảng 3 – 4 lần, giúp cây phát triển tốt, giúp giảm chi phí đầu tư phân bón.
Hào cho biết, sau khi lấy mẫu đất đi phân tích ở trường ĐH Nông Lâm TPHCM về hàm lượng đạm, lân, kali thì cho thấy tỷ lệ cao hơn đất thông thường nhiều lần. Hơn nữa, phần chủng men ủ của bùn vi sinh giúp kích thích hạt phát triển. Ngoài ra, sẽ còn hạn chế một số loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi – Trưởng Ban giám khảo cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, kiêm Giám đốc Vườn ươm khởi nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, đánh giá: Ý tưởng này có tiềm năng về giá trị thương mại cũng như có ích về môi trường. Nếu tận dụng tốt, tối đa giá trị của bùn thải thì không chỉ giúp ngành nông nghiệp phát triển mà còn giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường đất”.
Anh Huỳnh Thái Nguyên – Phó Bí thư Thành Đoàn, kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP Cần Thơ cho biết: Từ nhu cầu cuộc sống về ô nhiễm môi trường, đôi bạn sinh viên Huy Hào và Hồng Mức đã vận dụng và biến chất thải thành sản phẩm đem lại kinh tế cho bản thân đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao cho ĐBSCL.