Khởi nghiệp với phòng nuôi cấy mô giống cây lâm nghiệp, anh nông dân Gia Lai thu 4 tỷ đồng
Sau một thời gian dài mày mò, nghiên cứu, anh Thái Xuân Biên (37 tuổi, trú tại thôn An Thượng 3, xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã sản xuất thành công các giống cây lâm nghiệp (keo, bạch đàn) bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Ứng dụng nuôi cấy mô vào sản xuất giống cây lâm nghiệp
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, anh Thái Xuân Biên xin vào làm công nhân tại nhà máy đường An Khê (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Tuy nhiên, anh nhận thấy công việc này thu nhập không ổn định nên quyết định nghỉ việc và bắt tay vào làm kinh tế. Trở về nhà, anh được gia đình cho 1,5 ha đất để sản xuất. Từ đó, anh quyết định đầu tư trồng sắn và các loại rau màu nhưng thường xuyên chịu cảnh “được mùa, mất giá” khiến thu nhập của gia đình bấp bênh.
Vào năm 2010, nhận thấy phong trào trồng rừng tại địa phương đang phát triển mạnh và nhu cầu về giống tăng cao, anh Biên đã nảy sinh ý định mở vườn ươm cây giống. Sau khi được tham dự lớp tập huấn do các cấp hội nông dân tổ chức, vào năm 2015, anh Biên quyết định chuyển đổi 1,5ha đất sang làm làm mô hình ươm giống cây lâm nghiệp với hai loại cây là keo và bạch đàn.
Phòng nuôi cấy mô của cơ sở anh Thái Xuân Biên.
“Khi mới bắt tay vào làm, tôi gặp rất nhiều khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật trong việc ươm và bảo quản giống, nên nhiều cây bị chết. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi dần nắm được quy trình sản xuất các loại cây giống, phòng trừ sâu bệnh hại… Trong năm đầu tiên làm, tôi đã ươm được 100.000 cây giống, sau khi trừ chi phí cũng thu lãi 70-80 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế, hằng năm, tôi đều tăng quy mô vườn ươm, cho đến 4 năm trở lại đây, năm nào, tôi cũng tiêu thụ từ 2 -4 triệu cây giống”, anh Biên chia sẻ.
Theo anh Biên, giống như nhiều vườn ươm khác, anh thường vào các tỉnh phía Nam mua cây cấy mô về ươm. “Tuy nhiên trong quá trình mua cây cấy mô gặp không ít khó khăn như thị trường cung cấp ở tận TP.HCM kéo theo chi phí vận chuyển cao. Từ đó, giá bán cây giống cũng tăng và ảnh hưởng đến hiệu quả trồng rừng của người dân”, anh Biên trăn trở.
Công việc nuôi cấy mô đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.
Sau khi tìm hiểu trên sách báo và internet, anh Biên đã nung nấu ý tưởng xây dựng phòng nuôi cấy mô giống cây lâm nghiệp. Để thực hiện điều này, vào năm 2020, anh đã lặn lội vào TP.HCM để theo học lớp về nuôi cấy mô do Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
Khi đã lĩnh hội kiến thức, anh trở về địa phương và bắt tay thực hiện. Đầu tiên, anh tận dụng 350m2 diện tích đất trống của gia đình để xây dựng 5 phòng chức năng gồm 2 phòng nuôi cấy mô, 2 phòng chuẩn bị và pha môi trường nuôi cấy và 1 phòng sinh hóa và sau đó mua sắm đầy đủ trang thiết bị, máy móc và hóa chất cho mỗi phòng.
Anh Thái Xuân Biên (đầu tiên, từ trái qua) chia sẻ về quy trình nhân giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô
Dẫn PV Dân Việt vào tham quan phòng nuôi cấy mô, anh Biên tỉ mỉ giải thích về các quy trình để nhân giống cây lâm nghiệp.
“Để có những cây giống đồng đều, đảm bảo chất lượng bằng phương pháp nuôi cấy mô thì khâu chọn cây mẹ để làm nguyên liệu nhân giống đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, tôi chọn những chồi keo, bạch đàn khỏe mạnh và không có sâu bệnh để làm giống nuôi cấy. Sau khi lấy chồi của một phần trên cây cần lấy giống, đem khử trùng cho vào ống nghiệm chứa môi trường nuôi cấy. Môi trường này chứa chất kích thích sinh trưởng để tái sinh các bộ phận như chồi. Sau đó, chúng tôi mới tạo cây hoàn chỉnh để nuôi cấy và bắt đầu nhân giống”.
Theo anh Biên, các giống cấy mô được nuôi dưỡng và tăng trưởng trong ống nghiệm cho đến lúc đủ tiêu chuẩn về chiều cao, rễ lá phát triển hoàn chỉnh sẽ được đưa ra ngoài vườn ươm và nuôi dưỡng cho đến khi đủ tiêu chuẩn để xuất bán.
Phương pháp nuôi cấy mô sẽ cho ra cây giống khỏe, có đặc tính giống hệt cây mẹ và chất lượng tốt.
“Thời gian đầu, kết quả không như mong đợi khi tỷ lệ cây đạt chất lượng thấp, số cây nhân ra không nhiều. Chính vì vậy, tôi lại vào TP.HCM tìm đến các lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi cấy mô do các trường đại học chuyên ngành mở và xuống TP.Quy Nhơn học chuyển giao công nghệ của Trung tâm Thông tin – Ứng dụng khoa học và công nghệ Bình Định”, anh Biên chia sẻ.
Hiệu quả của giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô
Bằng sự nỗ lực, vào năm 2022, anh Biên đã nghiên cứu thành công và cho ra đời giống nuôi cấy mô cây lâm nghiệp. Tính đến hiện tại, anh đã bán được 4 triệu cây bạch đàn và 500.000 cây keo cấy mô, đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Cây giống được anh xuất bản giống đi tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định và một số huyện, thị xã trong tỉnh Gia Lai.
Anh Nguyễn Quang Dũng (trú tại thôn An Thượng 3, xã Song An) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng rừng bằng cây bạch đàn giâm hom nhưng hiệu quả không cao. Qua sự giới thiệu của người quen, vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tôi đã mua 7.000 giống bạch đàn nuôi cấy mô của cơ sở anh Biên về trồng trên diện tích 1,5 ha của gia đình. Kết quả hiện tại rất tích cực, cây sinh trưởng và phát triển tốt, độ đồng đều cao”.
Từ năm 2022 đến nay, cơ sở anh Biên đã xuất bán được hơn 4,5 triệu cây giống nuôi cấy mô
Anh Biên cũng chia sẻ thêm, ưu điểm phương pháp nuôi cấy mô tế bào là tạo được số lượng lớn cây giống tương đồng kích thước và đều có những đặc tính như khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chống sâu bệnh cao, rút ngắn thời lượng hoàn thiện của cây, năng suất cao.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Võ Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) cho biết, trên địa bàn xã có rất nhiều vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Các vườn ươm tại đây phải nhập cây cấy mô ở các tỉnh thành phía nam nên thiếu sự chủ động. Mặt khác, cây được nhập trong nam về chi phí sẽ cao do quãng đường vận chuyển dài. Ngoài ra, khi vận chuyển với quãng đường xa như vậy thì cây sẽ yếu dẫn đến việc nuôi cấy không đạt hiệu quả.
“Trước tình hình đó, anh Biên đã đầu tư trang thiết bị, máy móc mở phòng nuôi cấy mô giống cây lâm nghiệp. Hiện, cơ sở của anh Biên cung cấp ra hàng triệu cây giống cấy mô ở trong và ngoài tỉnh Gia Lai, từ đó góp phần chủ động nguồn giống cho các vườn ươm trên địa bàn; giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đem lại thu nhập ổn định cho người dân”, ông Thanh chia sẻ.
THEO HOÀNG LỘC
(Báo Dân Việt)