Khởi nghiệp với chè dây Đông Giang
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Bình đầy nắng gió, rong ruổi mưu sinh nhiều nơi, anh Hà Văn Hưng (SN 1989) chọn huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) dừng chân và lập nghiệp. Hơn 10 năm gắn bó, giờ đây anh đã xây dựng được cơ ngơi của mình với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại OCH, chuyên sản xuất sản phẩm từ cây chè dây tại xã Ba.
Anh Hà Văn Hưng với sản phẩm chè dây OCH. (Ảnh: M.L)
Anh Hưng kể, sau khi học xong phổ thông, anh vào TP. Hồ Chí Minh mưu sinh với mong ước xây dựng cuộc sống tươi đẹp trong tương lai. Sau một thời gian, nhận thấy chốn phồn hoa đô thị ấy không phù hợp với mình, anh rời TP. Hồ Chí Minh về lại quê hương, suy nghĩ về núi rừng, nương rẫy. Được một người bạn giới thiệu về vùng núi Quảng Nam, anh Hưng quyết chí lên đường với kế hoạch sẽ thuê đất, vay tiền trồng cây để làm vốn sau về quê kinh doanh.
“Sự thật thì không như những gì mình nghĩ. Khi đến Quảng Nam, trước mắt tôi chỉ có hai công việc là đào vàng và khai thác keo. Trong đầu lúc ấy chỉ nghĩ làm gì để có tiền nhanh, nên tôi chọn làm vàng. Thời gian làm vàng, tôi quen biết nhiều người anh em đồng bào Cơ Tu và duyên nợ với vùng đất Đông Giang có lẽ cũng bắt đầu từ đây” Hưng kể.
“Tôi được mời loại nước uống được nấu từ một loái lá cây rừng, ban đầu cũng e ngại, nhưng khi thưởng thức lại bất ngờ với hương thơm nhẹ, vị chát và một chút ngọt về sau, rất ngon. Hỏi ra, tôi được biết đây là cây chè dây, tốt cho đường tiêu hóa, đặc biệt rất hiệu quả với bệnh dạ dày, an thần, giúp ngủ ngon… Từ đấy, tôi uống nước chè dây hàng ngày, điều bất ngờ là đến nay bệnh dạ dày nhiều năm của tôi đã giảm hẳn”, anh Hưng chia sẻ về cơ duyên của mình.
Anh Hưng khai thác nguồn cây chè dây tự nhiên và liên kết người dân địa phương trồng nguyên liệu. (Ảnh: M.L)
Cũng từ đây, anh luôn trăn trở tại sao một loại cây có công dụng tốt, dễ uống lại chữa được bệnh như vậy không được phát triển? Làm sao để thương mại hóa các sản phẩm chế tạo từ cây chè dây này? Những suy nghĩ ấy giúp anh nhận ra cơ hội của mình và chọn khởi nghiệp với cây chè dây trên vùng đất Đông Giang.
“Tôi lập kế hoạch cho bản thân mình 10 sau phải có vốn để kinh doanh chè dây. Tất cả các khoản chi tiêu đều thắt chặt lại. Tháng 4/2012, tôi quyết định một mình vào rừng thuê 5 ha đất làm trang trại chăn nuôi trâu bò, chuyên tâm làm ăn để trả nợ ngân hàng và tích góp vốn cho kế hoạch của mình”, anh Hưng nhớ lại.
Ý chí, nghị lực của anh Hưng được đền đáp sau những tháng ngày vất vả. Tháng 5/2020, anh Hưng quyết định bán trang trại để thực hiện kế hoạch khởi nghiệp với cây chè dây mình ấp ủ bao năm qua. Anh thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại OCH, chuyên sản xuất sản phẩm trà chè dây cho đến nay.
Hành trình khởi nghiệp đầy gian nan với một người không được đào tạo bài bản như anh Hưng, từ việc tìm nguồn vốn đầu tư, nghiên cứu về kỹ thuật, máy móc, quy trình sản xuất, rồi phát triển sản phẩm, bán ra thị trường… Nhưng anh không đơn độc vì luôn có sự ủng hộ của bà con dân bản và sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp từ hỗ trợ máy móc thiết bị, quảng bá sản phẩm qua website, mời tham gia các hội chợ…
Anh Hưng đầu tư máy móc để sản xuất các sản phẩm từ cây chè dây. (Ảnh: M.L)
Với mong muốn phát huy cao nhất giá trị của cây chè dây và đáp lại sự tin tưởng của mọi người, anh Hưng phát triển theo phương châm sản xuất sạch, an toàn, không sử dụng hóa chất. Nhờ điều này, những sản phẩm của Công ty OCH luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của khách hàng.
“Không chỉ tạo dựng được cơ nghiệp cho bản thân, tôi còn mong muốn tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho chính người dân địa phương, giúp họ bám đất bám rừng, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, tôi cũng muốn người dân khắp nơi trong cả nước biết đến chè dây và những công dụng tuyệt vời của loại cây này, mang đến một sản phẩm thực sự sạch, hiệu quả đối với sức khỏe cho người dùng”, anh Hưng nói.
Hiện, Công ty OCH sản xuất và bán ra thị trường trung bình khoảng 1 – 2 tấn khô mỗi tháng, với các mặt hàng chủ yếu từ trà để phục vụ khách hàng từ bình dân đến cao cấp. Năm 2022 này, công ty dự kiến phát triển thêm sản phẩm trà chè dây túi lọc.
Sản phẩm trà chè dây OCH. (Ảnh: M.L)
Để có được nguồn nguyên liệu ổn định khi cây chè dây trong tự nhiên ngày càng khan hiếm, anh Hưng liên kết với bà con trong xã và các xã lân cận chủ động nguyên liệu sản xuất. Thời điểm hiện tại, giá mua vào khoảng 10 – 15 nghìn đồng/kg chè dây tươi; giá bán ra khi thành phẩm dao động 160 – 500 nghìn đồng/kg tùy loại. Công ty OCH cũng đang giải quyết việc làm cho 4 nhân công, với mức lương 4 – 4,5 triệu đồng/tháng.
Hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty, nhưng với chàng trai bản lĩnh, kiên trì như Hưng, anh quyết tâm bám trụ để thực hiện ước mơ đưa sản phẩm chè dây OCH đi xa hơn nữa./.
THEO PV
(Báo Dân tộc)