“Những ngày đầu, tôi không nhớ là đã làm hư bao nhiêu quả, tay bị kim đâm ứa máu bao nhiêu lần hay loay hoay không biết làm thế nào để làm một chiếc ví cho cân đối. Nhưng rồi, làm mãi cũng thành công”.

Đó là chia sẻ của anh Mạc Như Nhân (SN 1980), quê ở Gia Lai về những ngày đầu khởi nghiệp của mình.

Anh Nhân cho biết, sinh ra và lớn lên ở quê, quả mướp đã gắn bó với anh từ nhỏ. Mướp non, hoa mướp, ngọn mướp dùng để xào hoặc nấu canh còn quả mướp già được cắt thành từng miếng để rửa bát, cọ nồi hoặc vứt chỏng chơ ngoài vườn.

Những quả mướp khô được anh Nhân “biến hoá” thành những vật dụng có ích cho cuộc sống hàng ngày.

Trong một lần phụ mẹ cắt xơ mướp để cọ nồi, nhìn những sợi xơ mướp đan vào nhau rất đều, anh liền nảy ra ý tưởng làm những chiếc kẹp tóc bằng xơ mướp. Ban đầu chỉ tặng bạn, sau rồi nhiều người thích thú đặt anh làm bán.

Bẵng đi một thời gian, trải qua nhiều công việc khác nhau, anh bắt đầu có ý tưởng khởi nghiệp với xơ mướp từ một lần tặng quà cho vợ.

“Năm 2013, tôi muốn mua 1 chiếc ví để tặng vợ nhưng đi khắp các chợ mà không chọn được chiếc nào ưng ý. Về nhà, tôi quyết định lấy xơ mướp để làm. Khi hoàn thành, vợ tôi nhìn chiếc ví và nói rằng, tại sao tôi không khởi nghiệp từ chính xơ mướp?”, anh Nhân kể.

Chiếc ví xinh xắn được anh Nhân làm từ xơ mướp.

Từ ý tưởng của vợ, anh Nhân bắt tay vào làm kẹp tóc, túi, ví từ xơ mướp. Những ngày đầu, anh tự mày mò học lấy, tự thiết kế sản phẩm rồi bắt tay vào làm, mua máy may, xử lý nguyên liệu, tìm kiếm vật tư và tự chế máy móc.

Quả mướp sau khi già và khô tự nhiên sẽ được tiến hành lột vỏ, giũ hạt, giặt, cắt, phân loại, ép, may, cắt chỉ… Những ngày đầu, anh Nhân không nhớ mình đã làm hỏng bao nhiêu chiếc xơ mướp và bị kim đâm chảy máu tay bao nhiêu lần.

Xơ mướp được phân loại để làm ra các sản phẩm khác nhau.

Để có chi phí khởi nghiệp, anh Nhân cùng lúc phải làm rất nhiều nghề để “nuôi” xơ mướp, từ anh bán phở, thợ sơn, thợ mộc, thợ hàn. Ngày đi làm, tối về mới mang xơ mướp ra làm, có ngày thức đến 2-3 giờ sáng. Hàng xóm sát bên nhà còn không biết hai vợ chồng anh Nhân làm xơ mướp.

Khi bắt đầu có nhiều khách hàng quen biết đặt hàng, vợ chồng anh Nhân quyết định mang các sản phẩm từ xơ mướp đi giới thiệu cho khách tham quan tại các hội chợ, triển lãm.

“Cú sốc đầu tiên khi khởi nghiệp là lần đầu tiên ra quân, hai vợ chồng nhẩm tính, hội chợ có khoảng 1.000 người tham gia, chẳng lẽ không bán được cái nào. Vậy mà, không bán được cái nào thật”, anh Nhân kể.

Kiên trì làm ra các sản phẩm từ xơ mướp, anh Nhân phải làm hàng chục công việc khác nhau để có tiền khởi nghiệp.

Dần dần, bằng sự kiên trì tham gia các hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm nên anh đã nhận được những đơn hàng lớn, nhất là những đơn hàng phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng như miếng rửa chén, cọ ly, cọ nồi; sản phẩm sử dụng trong phòng tắm như bông tắm, chà lưng, tẩy tế bào chết.

Để có đủ sản phẩm xuất khẩu, thay vì làm hoàn toàn bằng tay như trước kia, anh Nhân bắt đầu sử dụng máy móc để sản xuất bán thủ công, làm nhà xưởng và liên kết với bà con nông dân ở một số địa phương để chủ động nguồn nguyên liệu.

Các sản phẩm từ xơ mướp phục vụ xuất khẩu.

“Mới đầu khởi nghiệp, để có xơ mướp làm, mẹ tôi ở Gia Lai phải đi gom xơ mướp để gửi vào Sài Gòn. Mỗi bao xơ mướp 1.000 trái thôi mà hai vợ chồng làm mòn mỏi cả năm mới hết. Bây giờ thì mỗi năm tiêu thụ từ 10-15 tấn xơ mướp nên phải liên kết, hợp tác sản xuất theo vùng”, anh Nhân nói.

Hiện tại, anh Nhân đã có xưởng sản xuất rộng 700m2, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương với mức lương từ 6-9 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, xưởng sản xuất của anh cho ra đời khoảng 50 nghìn sản phẩm với 13 mẫu. Sản phẩm của anh cũng đã có mặt tại nhiều nước, trong đó, thị trường lớn nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.

Dép và miếng lót giầy được làm từ xơ mướp.

Ngày càng nhiều biết đến sản phẩm được sáng tạo từ xơ mướp của anh và tìm đến đặt hàng. Có những đơn hàng lớn, anh Nhân còn không dám nhận vì sợ khả năng mình không đáp ứng được.

“Xơ mướp không phải bày bán sẵn ngoài chợ, thích thì chạy ra mua về làm mà mình phải trồng trong thời gian khá dài, từ hạt ra cây, từ cây ra trái, từ trái biến thành nguyên liệu và từ nguyên liệu mới làm ra sản phẩm. Mặc dù tôi đã liên kết với 4-5 khu trồng mướp, mỗi khu rộng từ 8-10ha nhưng vẫn không đủ xơ mướp để sản xuất”, anh Nhân phân tích.

Theo anh Nhân, hiện tại xơ mướp được thu gom vẫn không đủ để anh sản xuất những đơn hàng lớn.

Nói về khó khăn khi khởi nghiệp, anh Nhân cho biết, khó khăn nhất đối với anh là nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu phải tự xử lý, vật tư tự tìm kiếm, máy móc phải tự chế. Tiếp đó, sản phẩm làm ra lại không nằm trong danh mục sản phẩm nào nên làm giấy tờ, thủ tục rất khó khăn.

“Gần 10 năm khởi nghiệp với xơ mướp, mọi thứ bắt đầu đi vào quỹ đạo thì nhà xưởng của hai vợ chồng bị cháy vào tháng 3/2022. Từng chiếc máy may, máy dập, máy cắt, máy hàn cùng những tài sản tích cóp, sắm sửa trong 10 năm phút chốc chỉ còn là bãi đất đen ngòm nghi ngút khói.

Nhiều khó khăn ập đến trong quá trình khởi nghiệp nhưng vợ chồng anh Nhân vẫn luôn động viên nhau cố gắng và vượt qua.

Chiếc xe đã đồng hành cùng 2 vợ chồng bao nhiêu hành trình lên rừng xuống biển cùng nằm đó trơ khung sắt. Khó khăn thì nhiều lắm nhưng vợ chồng vẫn tự động viên nhau cùng cố gắng, làm lại nhà xưởng, bắt đầu lại từ đầu”, anh Nhân bộc bạch.

Đến nay, trải qua nhiều khó khăn, mỗi tháng, xưởng sản xuất xơ mướp của vợ chồng anh Nhân cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng/tháng, lợi nhuận đạt khoảng 20%.

THEO HỒNG CẢNH
(Báo Dân Việt)