Khởi nghiệp từ sản vật quê hương
Rời nghề giáo, chị Vi Thùy Dương (1988, Bắc Kạn) đã thành lập hợp tác xã nông nghiệp mang tên Hương Ngàn để khởi nghiệp, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Từng gắn bó với nghề giáo 7 năm, tuy nhiên chị Vi Thùy Dương (1988, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đã lựa chọn rời nghề, thành lập hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngàn với mong muốn khởi nghiệp từ các sản phẩm của địa phương, bên cạnh đó tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho bà con tại địa phương.
Bị phản đối vì quyết định “gàn dở”
Những ngày đầu quyết định lựa chọn khởi nghiệp, bản thân chị Dương đã gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách, một trong số đó là sự phản đối đến từ người thân và bạn bè. Bị xem là gàn dở, quyết định của chị Dương đã bị mẹ đẻ từ mặt, tiếp đó là rạn nứt hôn nhân vào năm 2017.
Chị Vi Thùy Dương, giám đốc hợp tác xã Hương Ngàn (Bắc Kạn). (Ảnh do NVCC).
Dù không được ủng hộ, nhưng chị vẫn quyết định theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp của bản thân. Bắt đầu bằng nguồn vốn vay ít ỏi của Hội Phụ nữ huyện, chị Dương đã trải qua nhiều thất bại, mất nhiều thời gian để tìm hiểu công nghệ và thị trường.
Năm 2018, sau một thời gian ấp ủ, chị Dương thành lập hợp tác xã Hương Ngàn với mục đích chuyên sản xuất tinh dầu và dược liệu. Bắt đầu từ cây sả và quả bưởi, sau gần nửa năm hoạt động, hợp tác xã thuận lợi được người tiêu dùng đón nhận với giá bán lẻ 1.200.000 đồng/lít tinh dầu sả và 2.500.000 đồng/lít tinh dầu bưởi. Ngoài cây sả, chị Dương còn phát triển thêm sản phẩm tinh dầu quýt giúp tiêu thụ sản phẩm giúp bà con tại địa phương.
“Đã từng có thời gian cây quýt được coi là cây nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh Bắc Kạn và mang lại thu nhập chính cho bà con. Tuy nhiên, hiện nay diện tích vùng trồng được mở rộng tràn lan, điệp khúc được mùa mất giá diễn ra. Giải pháp chế biến sâu về quả quýt giúp bà con nâng cao thu nhập được Hương Ngàn nghiên cứu. Và các sản phẩm chế biến từ quả quýt được đưa ra thị trường, đó là hạnh phúc của người làm nghiên cứu”, chị Dương chia sẻ.
Với các sản phẩm chính hiện có là tinh dầu vỏ quýt, bưởi rừng, sả chanh và các dòng sản phẩm liên quan đến chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt như rượu quýt, vang quýt, trần bì, bột quýt, quả bưởi rừng: cùi bưởi, mứt vỏ bưởi… Chị Dương cho biết đang xây dựng hợp tác xã theo mô hình canh tác hữu cơ, an toàn và bảo vệ môi trường, tận dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tối đa.
Chị Dương thu mua và kiểm tra chất lượng quýt tại địa phương. (Ảnh do NVCC).
Để mở rộng thị trường và ổn định đầu ra cho sản phẩm, chị Dương đã chủ động thường xuyên đưa các sản phẩm của hợp tác xã tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ kết nối và các chương trình khởi nghiệp trên toàn quốc.
Tạo việc làm cho người thiểu số
Chị Dương được tôn vinh trong giải thưởng “Nhà khoa học của nhà nông”. (Ảnh do NVCC).
Tới thời điểm hiện tại, hợp tác xã do chị Dương làm giám đốc đã xây dựng được vùng nguyên liệu sả có diện tích 7ha. Chị cho biết, cây sả có thể cho thu hoạch 4 – 5 năm mới phải trồng lại, mỗi lần thu hoạch chỉ việc cắt lá. Thu nhập trung bình của bà con xã viên tham gia sản xuất từ 30-40 triệu đồng 1ha lá/1 năm. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn thu mua và giải quyết hàng tấn sả cho bà con hằng năm.
Ngay trong mùa đầu tiên chị đã kí được 1 hợp đồng xuất khẩu tinh dầu quýt lớn với 1 công ty Dược tại Hà Nội với trị giá hợp đồng lên tới gần 700 triệu đồng và giải quyết cho bà con được hơn 100 tấn quýt tận dụng.
“Mục tiêu Hương Ngàn hướng tới là chế biến sâu tài nguyên giá trị bản địa thành chuỗi sản phẩm để nâng cao giá trị cây quýt. Tận dụng vùng nguyên liệu có sẵn, giúp bà con xử lý những quả quýt rụng, quýt nhỏ để nâng cao giá trị quả quýt, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số…”, chị Dương chia sẻ.
Vườn Lười là khu vườn được chị Dương xây dựng và hoàn thành trong thời gian vừa qua. (Ảnh do NVCC).
Bên cạnh hợp tác xã chế biến các sản phẩm địa phương, thời gian vừa qua chị Dương cho biết đã hoàn thành khu vườn mang tên “Vườn Lười” nhằm bảo tồn dược liệu, đồng thời là địa điểm làm nông nghiệp thuận tự nhiên. Mục tiêu năm 2023 – 2028 của chị Dương là xây dựng khu vườn này trở thành vườn bảo tồn các loại dược liệu của cộng đồng dân tộc vùng Đông Bắc.
THEO LÊ TRANG
(Báo Dân Việt)