Ốc gác bếp là món ăn dân dã, truyền thống của nhiều gia đình ở vùng quê Tây Nam Bộ. Tuy vậy, món ăn nhà quê nay đã trở thành đặc sản trong các bàn tiệc sang trọng. Ðặc biệt, nhiều cơ sở làm ốc gác bếp để bán thương phẩm cho người tiêu dùng, đưa vào các khu, điểm du lịch hay nhà hàng, siêu thị…

Muốn ốc “ngủ” phải tạo được môi trường như ngoài tự nhiên. Ảnh: Hồng Nguyên

Anh Lê Hồng Lâm (trú tại phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã nghiên cứu, sản xuất thành công và thương mại hóa sản phẩm ốc gác bếp, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Anh Lâm cho biết, ngày xưa, ốc được xem như đặc sản của gia đình chỉ để dành đãi khách quý, hương vị thơm ngon của ốc đã theo anh suốt những năm tháng tuổi thơ và hiện tại, ốc gác bếp là sản phẩm khởi nghiệp thành công của anh, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Loài ốc lác ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ có đặc tính ngủ vùi trong đất vào mùa khô trong thời gian dài. Những người đi làm ruộng bắt được ốc lác thường mang về nhà, bỏ vào giỏ tre rồi treo lên giàn bếp để xông khói. Bằng cách làm như vậy, con ốc như “ngủ” suốt nhiều tháng nên to mập, thịt ốc trắng sạch, chế biến được nhiều món ăn ngon và giàu dinh dưỡng như: nướng tiêu, hấp sả, luộc sả…

Anh Lê Hồng Lâm chia sẻ: “Làm ốc gác bếp có thể hiểu là tạo môi trường thuận lợi để con ốc “ngủ” yên. Lúc đầu, tôi làm cho ốc “ngủ” bằng nhiều phương pháp như: mang ốc treo giàn bếp, vùi trong đất, ủ trong trấu… Tuy nhiên, tỷ lệ thành công không cao, có nhiều hạn chế là chỉ sản xuất được số lượng nhỏ, tốn thêm chi phí vệ sinh ốc sạch sẽ trước khi bán… Qua nhiều lần thất bại, tôi đã thành công tạo môi trường giống như ngoài tự nhiên để ốc ngủ, đồng thời, trước đó tôi đã xử lý để ốc nhả ra hết những tồn dư trong cơ thể như phân, thức ăn… để sau thời gian ngủ triền miên, ốc vẫn trắng và sạch”. Ngoài ra, anh Lâm đang nghiên cứu để đa dạng sản phẩm bằng cách cho ốc đã ngủ ngâm qua các dưỡng chất từ thiên nhiên, sau đó tiếp tục cho chúng ngủ lần hai.

Từ thành công ban đầu, anh Lâm quyết định thành lập cơ sở sản xuất ốc gác bếp mang tên Tình Quê để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thực khách. Để đảm bảo chất lượng của sản phẩm, anh Lâm đã lặn lội đến đầu nguồn các tỉnh An Giang và Đồng Tháp để thu mua ốc, thường công việc thu mua chỉ kéo dài từ giữa mùa mưa đến cuối mùa mưa hằng năm vì thời điểm này đầy đủ thức ăn, ốc to mập. Với mỗi tấn ốc chỉ có khoảng 1/3 trong số đó đạt yêu cầu.

Sau khi mua về, anh phải lựa chọn lại, loại bỏ những con ốc bị vỡ vỏ hay kích thước quá nhỏ, xử lý cho ốc sạch sẽ rồi làm cho ốc “ngủ” giống như khi gặp điều kiện khô hạn trong tự nhiên, mất ít nhất 3 tháng để sản phẩm đạt chất lượng như ý và xuất bán.

Theo anh Lâm, sản phẩm ốc gác bếp dễ bảo quản, có hạn sử dụng 1 năm, nhưng qua các vòng thử nghiệm, ốc có thể giữ được 2 năm vẫn còn tươi ngon. Năm 2020 vừa sản xuất, vừa tìm đầu ra, giá bán lẻ 200.000-250.000 đồng/kg, cao gấp 3 đến 4 lần so với ốc tươi bình thường, anh xuất bán được hơn một tấn ốc, thu nhập hơn 50 triệu đồng. Năm sau, do dịch bệnh, đầu ra khó khăn, dù xuất bán được 5 tấn, song anh Lâm chỉ hòa vốn.

Năm nay, anh ký được hợp đồng 10 tấn ốc, dự kiến lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. Với quy mô hiện tại, trung bình 3 ngày sẽ cho ra một tấn ốc, anh Lâm sẵn sàng mở rộng sản xuất khi có hợp đồng lớn, tăng thu nhập. Hiện, sản phẩm ốc gác bếp được bán tại một số nhà hàng, quán ăn, trạm dừng chân, phân phối cho mạng lưới bán lẻ (bán online)…

Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, ốc gác bếp cũng đã được nhiều thực khách nước ngoài ưa chuộng. Mỗi tháng, cơ sở sản xuất ốc gác bếp Tình Quê của anh Lâm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 1 tấn ốc, doanh thu trên 200 triệu đồng.

Sản phẩm ốc gác bếp được đựng trong giỏ tre đẹp mắt. Ảnh: Hồng Nguyên

Để tạo ấn tượng tốt và định hướng xây dựng sản phẩm theo hơi hướng đồng quê, anh Lâm đã tìm tòi, nghiên cứu và quyết định đựng ốc gác bếp trong những chiếc giỏ tre, gáo dừa. Điều này đã tạo ấn tượng đối với nhiều khách hàng, tái hiện hình ảnh quen thuộc của ngày xưa. Để mở rộng thị trường cho sản phẩm, cơ sở ốc gác bếp Tình Quê đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để ốc gác bếp được công nhận sản phẩm OCOP, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cải tiến phương pháp sản xuất, giảm giá thành, hướng tới nhiều đối tượng khách hàng.

Cùng với ốc gác bếp, cơ sở còn nghiên cứu, sản xuất đông lạnh các loại cá nước ngọt đặc trưng của Đồng Tháp, gồm cá linh, cá lóc, cá rô, vì thế, cần nhiều sự hỗ trợ của các ban, ngành trong tỉnh trong việc phát triển sản phẩm và quảng bá thương hiệu cho thị trường trong và ngoài nước.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp Trần Trọng Hữu, mô hình khởi nghiệp từ sản phẩm ốc gác bếp của anh Lê Hồng Lâm khá đặc biệt, vì anh đã biến món ăn dân dã trước đây thành món ăn đặc sản, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương; nâng cao giá trị kinh tế của con ốc lác.

Để “tiếp sức” cho cơ sở sản xuất ốc gác bếp Tình Quê của anh Lâm thêm phát triển, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh đã hỗ trợ kết nối, mở rộng thị trường, đem sản phẩm đến các hội chợ, giới thiệu các nhà hàng, các cửa hàng bán đặc sản; tập huấn nâng cao năng lực tiếp thị, bán hàng, quản lý điều hành; tạo điều kiện cho cơ sở tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất.

THEO HỒNG NGUYÊN

(Thế Giới Tiếp Thị)