Trần Thị Kim Ngân (phường Long Châu, thị xã Tân Châu, huyện Tân Châu, An Giang) đã đoạt giải ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm mắm chao cá mè vinh.

Trần Thị Kim Ngân chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Kim Ngân vốn là sinh viên ngành công nghệ sinh học, sau khi ra trường đi làm nhiều nơi. Công việc hằng ngày trong siêu thị bạn được tiếp cận với hồ sơ sổ sách, các số liệu liên quan đến nhiều sản phẩm khác nhau trên thị trường.

Bỏ việc về nhà làm… mắm

Nhìn vào những sản phẩm được đóng gói, có nhãn mác thương hiệu, Ngân bắt đầu nghĩ về nơi mình sống cũng có nhiều đặc sản như mắm, khô và nguồn nguyên liệu từ cá tươi.

Tại sao mình không làm ra một sản phẩm tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng? Có suy nghĩ đó, Ngân vừa đi làm vừa học và đọc thêm tài liệu kinh doanh, khởi nghiệp. Tình cờ, trong một lần đi ăn tại một nhà hàng ở thành phố Long Xuyên, mọi người gọi món mắm và ai cũng ưa thích.

“Tôi lại thoáng băn khoăn, nhà mình cũng có mắm, mắm gia truyền từ thời bà cố nội tôi để lại qua hàng trăm năm. Tôi ăn thấy ngon. Nhiều người cũng ưa chuộng món mắm. Vậy tại sao tôi không bắt đầu từ nền tảng sẵn có của gia đình?” – Ngân nhớ lại cơ duyên hình thành ý tưởng.

Giữa năm 2020, Ngân xin nghỉ việc trở về quê nhà, bắt tay làm mẻ mắm đầu tiên nhờ vào sự hướng dẫn của ba mẹ. “Công thức ba mẹ truyền lại, nguồn cá mè vinh tự nhiên tại địa phương sẵn có. Ba tháng sau, sản phẩm đầu tay của tôi ra đời với mẫu mã, bao bì khá đơn sơ, nhưng cũng nhận được sự phản hồi tích cực từ khách hàng” – Ngân kể lại.

Điểm đặc biệt

Sau khi có được mẻ sản phẩm đầu tay, Ngân lại nghĩ xem làm cách nào nhanh nhất để thị trường biết đến mình. Nhờ sự hướng dẫn của địa phương, Ngân tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của Tỉnh đoàn An Giang năm 2020 và đã đoạt giải ba.

Cuộc thi là bước ngoặt quan trọng được nhiều người biết đến. Ban giám khảo cũng góp ý cải thiện hình thức đóng gói chuyển từ hũ nhựa sang hũ sành để thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thương hiệu “Mắm chao cá mè vinh ông Ba Lộc” ra đời từ đó.

Hiệu ứng từ cuộc thi giúp Ngân có được lòng tin của khách hàng, sự quan tâm đồng hành cùng doanh nghiệp và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang tạo điều kiện đưa sản phẩm vào hội chợ thương mại OCOP. Nhưng để đạt được chứng nhận OCOP 3 sao như hiện nay thì phải vượt qua các vòng kiểm tra nghiêm ngặt về các tiêu chí nhất định về nguồn nguyên liệu, kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh tồn đọng trong cá…

Ngân cho biết thông thường khoảng 2 tháng Ngân nhập 400 – 500kg cá mè vinh nguyên liệu. Sau 3 – 4 tháng ủ mắm và xử lý chế biến như chao mắm, ướp đường, thính mắm thì thuê thêm vài nhân công để đóng hộp với hai kích cỡ 340g giá 95.000 đồng và 480g giá 205.000 đồng.

Hiện sản phẩm đã được bày bán tại 11 cửa hàng ở TP Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng. Điểm đặc biệt của Mắm chao cá mè vinh ông Ba Lộc là tỉ lệ thành phần cơm rượu được thêm vào mắm. Đây là công thức riêng gia truyền tạo nên điều khác biệt làm khách hàng nhớ đến sản phẩm của Kim Ngân.

Theo ông Nguyễn Anh Phương – phó trưởng Phòng kinh tế thị xã Tân Châu, địa phương đã hỗ trợ cho sản phẩm Mắm chao cá mè vinh ông Ba Lộc phát triển, mở rộng sản xuất.

“Vừa rồi, Trung tâm Khuyến công huyện Tân Châu hỗ trợ vốn 50% cho Kim Ngân mua máy móc như nồi hơi, nồi thanh trùng, phục vụ quá trình làm mắm được nhanh hơn với tổng trị giá 246 triệu đồng” – ông Phương nói.

Sắp tới Kim Ngân sẽ phát triển thêm dòng mắm chao cá mè vinh ăn liền và mắm chao cá lóc. Ngoài ra, các phụ phẩm từ cá cũng ủ thành phân đạm cá.

“Dự kiến mỗi 500kg cá nguyên liệu, tôi sẽ thu được 300 lít phân đạm cá bán cho nông dân giá 20.000 đồng/lít, góp phần cung cấp nguồn phân đạm giá rẻ cho nông dân, vừa thân thiện với môi trường” – Ngân cho biết.

THEO ĐẶNG TUYẾT
(Báo Tuổi trẻ)