Khởi nghiệp từ đồ bỏ đi
Đồ bỏ đi (Dobody), một ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa, cho tặng những đồ vật, dịch vụ mà đối với người này không còn giá trị, nhưng với người khác thì có giá trị sử dụng…được Phan Bá Mạnh – Giám đốc Công ty Dobody toàn cầu lựa chọn làm ý tưởng khởi nghiệp.
Từ ý tưởng startup được cho là “điên rồ”, đến nay Phan Bá Mạnh đã giúp Dobody thu hút thành công dòng vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời vươn ra ngoài biên giới Việt Nam.
Đầu tư tiền tỷ cho Dobody
Khởi nghiệp từ năm 2007 với công ty đầu tiên làm về mã số, mã vạch (Công ty CP ATO) đã thành công nhanh chóng. Ít ai ngờ rằng, sau 6 năm gắn bó với ATO Phan Bá Mạnh lại hình thành ý tưởng mới và quyết định đầu tư khởi nghiệp vào lĩnh vực giặt là. Tuy nhiên, ý tưởng này của Mạnh nhanh chóng thất bại.
Vấp ngã sau ý tưởng khởi nghiệp mới, những tưởng Phan Bá Mạnh sẽ thôi “mạo hiểm”. Thế nhưng, trong những khó khăn, thử thách Dobody đã được nhen nhóm lại và chỉ chờ cơ hội “bùng nổ”. Mạnh kể, trong một lần tham gia từ thiện với đoàn thanh niên của Bộ Tổng tham mưu, quyên góp quần áo cũ cho đồng bào vùng lũ.
Quần áo thu nhận được không phải đồ nào cũng tốt, nên anh cùng các bạn phải lựa chọn, đưa đến xưởng giặt là sạch sẽ rồi mới mang tới tặng đồng bào. Trong một chuyến đi từ thiện, những hình ảnh nghèo đói, khốn khổ của đồng bào Rục ở Quảng Bình khiến anh suy nghĩ, trăn trở.
Trở về sau chuyến đi nhiều ý nghĩa, anh lại gặp cảnh hàng xóm muốn vứt bộ salon đi mà cũng không biết vứt ở đâu. Thậm chí, có nhiều nhà phải lén lút vứt đồ không dùng đến khiến anh suy nghĩ rất nhiều. “Lúc đó tôi nghĩ, tại sao mình không tận dụng được đồ bỏ đi? Biết đâu nhà nào đó đang cần bộ salon đó thì sao? Những câu hỏi ấy cứ lặp đi, lặp lại trong đầu khiến tôi suy nghĩ đến một giải pháp nào đó để “chỗ thừa bù chỗ thiếu”. Và Dobody ra đời từ đó”, Mạnh kể.
Ý tưởng Dobody lóe lên trong đầu, Mạnh vội vàng nhấc điện thoại gọi ngay cho những người bạn của mình và chia sẻ về những suy nghĩ thoáng qua. Đêm hôm đó anh không ngủ mà chỉ nằm trằn trọc, rồi mong trời nhanh sáng. Không thể chờ đợi lâu hơn, Mạnh vội vàng lao vào máy tính và những câu lệnh sơ sài về ý tưởng khởi nghiệp từ đồ bỏ đi bắt đầu được viết ra.
Để hoàn thiện cho ý tưởng “điên rồ” của mình, sau khi viết ra câu lệnh mỗi ngày anh đều tự hỏi mình một câu liên quan, rồi những câu hỏi phản biện của anh em bạn bè đều được anh ghi lại và tìm cách trả lời để giúp anh hiểu sâu và đào sâu hơn về dự án. Để hoàn thiện, anh tiếp tục chia sẻ giải pháp này với các sinh viên trường Đại học Công nghiệp, nơi anh đã từng gắn bó.
Những lệnh kết nối cung cầu được khớp khiến anh tin tưởng hơn vào dự án của mình. Và rồi anh tìm kiếm các cộng sự, những người sẵn sàng cùng anh “nhảy vào lửa” khi quyết định làm việc không nhận lương, mà đợi chờ giá trị tích lũy từ cổ phần khi dự án thành công.
Chia sẻ thêm về ý tưởng của mình, Mạnh cho biết, dự án không đơn giản là giải pháp kết nối cho đồ bỏ đi, mà thực chất là nền tảng khớp lệnh dựa trên cung cầu thừa thiếu, ứng dụng được ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đến thời điểm hiện tại, để đầu tư cho ý tưởng khởi nghiệp với Dobody, Phan Bá Mạnh đã phải chi ra số tiền lên đến hơn 4 tỉ đồng. Mặc dù lợi nhuận chưa thu được về bao nhiêu, tuy nhiên anh khẳng định, số tiền bỏ ra đều được nằm trong kế hoạch. Hơn nữa, anh đã từng thất bại một lần, vì thế với ý tưởng khởi nghiệp mới này anh nghiên cứu rất kỹ càng và đặc biệt tin tưởng với Dobody.
Dobody vượt biên giới Việt
Sau khi các câu lệnh được khớp, Phan Bá Mạnh mong muốn tìm được một tổ chức từ thiện để vận hành sao cho Dobody phát huy hiệu quả tốt nhất. Ngay lập tức các chương trình từ thiện được anh nhắm tới. Anh cho biết, khi áp dụng Dobody các tổ chức từ thiện, các cá nhân sẽ biết được khu vực nào cần gì, thiếu mặt hàng nào, để từ đó họ có phương án mua cho phù hợp mà không bị dồn vào một mặt hàng gây lãng phí lớn, trong khi nhiều mặt hàng bà con lại thiếu thốn.
“Không chỉ được áp dụng cho các chương trình từ thiện, Dobody còn được áp dụng trong các lĩnh vực thương mại khi trở thành công cụ kết nối người bán với người mua. Thậm chí, Dobody hiện đã được áp dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải (một số nhà xe tuyến Hà Nội – Thái Bình; Hà Nội – Thanh Hóa…), để tránh tình trạng xe thì nhồi nhét hành khách, xe lại chạy không. Trong khi đó, nhiều hành khách lại lúng túng đón xe.
Để sử dụng, hành khách chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, sau đó đặt xe. Với nhà xe, họ sẽ biết được số lượng khách đã đặt chỗ là bao nhiêu, sau đó đến đúng địa điểm khách đã đặt lệnh để đón. Ứng dụng này sẽ tiết kiệm được cho cả khách và nhà xe”, Mạnh hào hứng kể.
Với ý tưởng táo bạo của chàng trai trẻ cùng các cộng sự, hiện Dobody đã có hợp đồng với đối tác Singapore và đặt văn phòng đại diện ở đây, vì đối tác nhận thấy môi trường ở Singapore rất phù hợp với ứng dụng Dobody. Tuy nhiên, điều băn khoăn lớn nhất đối Phan Bá Mạnh chính là việc sàn giao dịch có thể biến thành…bãi rác do mọi người chia sẻ hàng hóa không chất lượng lên sàn.
Để khắc phục vấn đề này, anh bảo, Dobody chỉ đóng vai trò cung cấp thông tin, còn chất lượng thì phải tận dụng thông tin và trông chờ trách nhiệm từ cộng đồng. Đó là việc mọi người vào xem, biết chất lượng hàng hóa không tốt thì có thể báo cáo, từ đó kỹ thuật dùng thuật toán để lọc bỏ hàng hoá kém chất lượng.
Xuân mới Mạnh kỳ vọng, Dobody sẽ thành công sớm ở Việt Nam, như đã có sự thành công ở thị trường Singaphore, đồng thời cũng chứng minh rằng, thế hệ trẻ Việt Nam đã sẵn sàng bước vào môi trường cạnh tranh trong thế giới phẳng.
Tuấn Minh – Lao động thủ đô