Khởi nghiệp từ 20 triệu đồng, 9x thu về 50 triệu đồng/tháng, trở thành triệu phú từ khi còn là sinh viên
Với 20 triệu đồng ban đầu, 9x khởi nghiệp thành công, có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng từ khi còn đang là sinh viên.
Để có thu nhập đáng mơ ước từ khi còn là sinh viên, Vũ Thành Đạt (sinh năm 1998), trú tại quận Gò Vấp, TP. HCM, đã phải cố gắng rất nhiều, vượt qua cả sự phản đối của bố mẹ.
Chia sẻ về thu nhập lên đến 40 triệu đồng/tháng khi đang còn ngồi trên ghế giảng đường, Đạt cho biết đều nhờ nuôi dúi. Khoảng 5 năm trước, cậu có chuyến đi dã ngoại ở Bình Định, thấy người dân ở đây đào được con dúi. Cậu thấy lạ nên có lên mạng tìm hiểu về con vậy này.
Ngay từ khi còn là sinh viên, Vũ Thành Đạt đã có thu nhập 40 triệu đồng/tháng từ nuôi dúi.
Được biết, thức ăn của dúi chủ yếu là tre, mía, bắp,… không có mùi hôi và không cần uống nước. Thấy thú vị quá, chàng sinh viên đã quyết tâm tìm hiểu sâu hơn thì biế con vật này có giá trị kinh tế cũng khá cao, cung vẫn chưa đáp ứng được cầu.
Cậu lại tìm hiểu biết được mô hình nuôi dúi rất phù hợp với mình bởi nó ăn và đi phân rất sạch sẽ, khô ráo, không mùi hôi và thời gian chăm sóc ít thích hợp cho cậu vừa học vừa làm. Cộng với sở thích và đam mê với chăn nuôi nhưng điều kiện môi trường sống ở thành phố không ủng hộ, cậu quyết đinh bỏ số tiền tiết kiệm của mình và vay thêm họ hàng, tổng cộng là 20 triệu đồng để mua vài cặp dúi về nuôi thử.
Theo cậu, dúi là con vật cần ít thời gian chăm sóc, mỗi ngày cậu chỉ dành 30 phút để chăm sóc đàn dúi của mình.
“Những ngày đầu nuôi dúi gặp rất nhiều khó khăn, em thiếu hụt vốn đầu tư và thời điểm đó con dúi còn khá mới mẻ, rất ít thông tin và tư liệu về cách chăm cũng như chữa bệnh, điều kiện sống của nó vẫn là một ẩn số. Nên thời điểm đầu, em khởi nghiệp bị lỗ vốn. Chưa kể, bố mẹ không ủng hộ sợ ảnh hưởng tới việc học và hối thối làm ảnh hưởng khu dân cư…”, nam 9x cho hay.
Nhờ lòng đam mê, Đạt kiên trì và đã ổn định về cách chăm sóc cũng như đầu ra của con dúi. Lấy ngắn nuôi dài, chàng trai trẻ lúc đó đã mua thêm dúi giống về mở rộng số lượng. Ngay từ khi còn là sinh viên, cậu đã có thu nhập khiến bao người mơ ước, khoảng 40 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cậu chỉ mất khoảng 30 phút/ngày để cho dúi ăn và vệ sinh chuồng trại cho chúng.
Hiện, cậu đã mở rộng trại nuôi của mình, cung cấp giống khắp nơi.
Đến nay, gần 4 năm gắn bó với nghề nuôi dúi, cậu đã mở rộng nuôi hơn 300 con dúi thương phẩm trong 2 căn phòng trọ của gia đình với doanh thu hơn 50 triệu đồng mỗi tháng.
Để ổn định nhiệt độ cho đàn dúi, Đạt lắp điều hòa nhiệt độ và bật liên tục để dúi không ngã bệnh khi thời tiết chuyển biến thất thường. Theo cậu, dúi rất chú trọng về mặt nhiệt độ phải luôn duy trì không khí mát mẻ, nhiệt độ 26-28 thì mới sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn tươi mới và phải nuôi ở nơi yên tĩnh, tránh ồn ào nhiều…
Một con dúi trưởng thành thường sinh sản trung bình một lứa từ 2-4 con. Trọng lượng tối đa 1 con dúi là 3kg. Trong quá trình nuôi, con dúi đực và cái tự phát ra tiếng kêu biểu hiện động dục thì sẽ cho chúng ghép đôi. Khi sinh con ra loài dúi chăm con rất khéo, tự chúng chăm sóc con phát triển mạnh khoẻ.
Về đầu ra cho mô hình này, Đạt cho hay khi nuôi con dúi tầm khoảng 1kg thì có thể xuất bán thành phẩm. Con giống giá từ 1,2 triệu – 1,8 triệu đồng/cặp, còn dúi thành phẩm 500.000 – 700.000 đồng/kg.
Cậu giúp nhiều hộ nuôi dúi tiêu thụ, không phải lo lắng đầu ra.
Hiện tại, Đạt cho rằng mô hình nuôi dúi vẫn còn đang được thị trường đón nhận và ngày càng phát triển, được rất nhiều người chăn nuôi tìm đến. Nguồn cung dúi thịt vẫn được các nhà hàng, quán ăn… tìm mua nhiều, lượng dúi thương phẩm cũng chưa có nhiều.
Sau vài năm nuôi dúi, Đạt đã có lượng khách hàng và thị trường ổn định. Cậu cung cấp con giống nhiều nơi và có nhận thu mua sản phẩm của người chăn nuôi để hổ trợ họ. Tuy nhiên, thời gian này dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều khu vực thực hiện giãn cách tại nhà nên tạm thời cậu không thể mua bán, trao đổi hàng hóa được. Cậu vẫn duy trì chăm sóc dúi của mình để sau khi hết dịch sẽ bán.
THEO ANH THƯ
(Báo Dân Việt)