“Khởi nghiệp tinh gọn”: Tầm nhìn, lèo lái và tăng tốc
Sách dành cho những ai đang chuẩn bị khởi nghiệp, hoặc chuẩn bị cho một dự án cá nhân, những nhà sáng lập muốn tạo ra bứt phá trên thị trường.
“The Lean Startup” được bắt đầu từ những ghi chép của Eric Ries trong hành trình khởi nghiệp của mình. Sách xuất bản lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2011 bởi Nhà xuất bản Crown Business, Hoa Kỳ, được coi là giáo trình giúp những nhà khởi nghiệp và các công ty công nghệ phát triển những mô hình kinh doanh bền vững.
Eric Ries (sinh ngày 22 tháng 9 năm 1978) là một doanh nhân người Mỹ, blogger và cũng là tác giả của The Startup Way, một cuốn sách về quản lý doanh nhân hiện đại.
Là một người đã từng khởi nghiệp, ông và cộng sự đã làm việc cật lực trong 6 tháng để cho ra 1 sản phẩm mà chẳng có mấy người quan tâm, sau đó dành 1 thời gian dài để chèo chống, nhưng cuối cùng công ty phá sản, và ông thì trắng tay.
Sau khi thất bại, ông nghĩ rằng: hãy coi như đó một cơ hội học hỏi. Ông đặt ra nhiều câu hỏi để tự vấn bản thân: Tại sao phải dành từng đấy thời gian, công sức tiền bạc, chỉ cho việc học hỏi? Liệu có cách nào học hỏi nhưng tốn ít nguồn lực hơn không? Sau đó, ông đã rút ra được cho mình bài học: việc quan trọng nhất với khởi nghiệp đó là học hỏi có kiểm chứng. Học càng nhanh, càng tốt, càng đúng hướng càng tốt. Mọi việc làm không phục vụ mục đích này đều là lãng phí.
Năm 2004, Ries cùng với một trong những người sáng lập của There.com, Will Harvey thành lập IMVU Inc., một mạng xã hội. IMVU hướng tới mục đích tích hợp chức năng nhắn tin với doanh thu cao trên mỗi khách hàng của các trò chơi video truyền thống. Ries và Harvey đã không tìm kiếm một nguồn đầu tư lớn ban đầu mà phát hành một sản phẩm tối thiểu khả dụng chỉ trong vòng sáu tháng. Năm 2006, công ty đã huy động được 1 triệu đô la trong vòng gây quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên từ Tập đoàn Seraph, và cuối cùng huy động thêm được 18 triệu đô la.
Sau khi rời IMVU, Ries gia nhập công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins với tư cách là cố vấn mạo hiểm, và sáu tháng sau đó bắt đầu tư vấn cho các công ty khởi nghiệp một cách độc lập. Dựa trên kinh nghiệm của mình, ông đã phát triển một phương pháp dựa trên các nguyên tắc quản lý được lựa chọn để giúp các công ty khởi nghiệp thành công.
Năm 2008, Ries bắt đầu ghi lại phương pháp khởi nghiệp tinh gọn trên blog của mình với một bài đăng có tiêu đề “Khởi nghiệp tinh gọn”.
Cuốn sách được chia làm 3 phần: Tầm nhìn, lèo lái và tăng tốc.
Phần 1. Tầm nhìn
Tác giả đưa ra khái niệm về khởi nghiệp. Khởi nghiệp là một thể chế con người được thiết lập để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới dưới những điều kiện thiếu chắc chắn. Từ định nghĩa này nhận thấy rằng, các lý thuyết về quản trị tổng quát trước đây đều không được thiết kế để giúp công ty trong điều kiện thiếu chắc chắn này, mà thường sẽ phù hợp hơn với các doanh nghiệp đã dần ổn định. Do đó cần có một công cụ quản trị khác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó chính là lý thuyết khởi nghiệp tinh gọn.
Hãy quên đi lý thuyết quản trị trước đây: nghiên cứu thị trường, rồi phân tích, rồi sản xuất hàng loạt. Đến khi sai thì không thể kịp sửa, hoặc không biết sai ở đâu để sửa. Eric Ries khuyến cáo sử dụng lý thuyết vòng lặp phản hồi. Từ ý tưởng => Thử nghiệm => Nhận phản hồi, đo lường => Hỏi hỏi, điều chỉnh => Bắt đầu lại một thử nghiệm mới.
Hãy bắt đầu bằng thử nghiệm, quá trình thử nghiệm cũng chính là quá trình nghiên cứu thị trường, phân tích khách hàng… Có 2 loại giả thuyết quan trọng cần thử nghiệm là: Giả thuyết giá trị (Liệu khách hàng có thực sự cần sản phẩm, dịch vụ này không?) và giả thuyết tăng trưởng (Liệu điều chỉnh này có giúp công ty tăng trưởng?). Mỗi thử nghiệm là một sản phẩm, nó có giá trị hơn bất cứ khảo sát nào, nếu thử nghiệm thành công thì có thể dần dà xây dựng sản phẩm dựa trên tập khách hàng có sẵn và đặc điểm chi tiết của những tính năng cần phát triển. “Hãy nhớ rằng, nếu chúng ta đang tạo ra thứ không ai muốn thì việc hoàn thành đúng hạn, đúng ngân sách chẳng có ý nghĩa gì”.
Phần 2. Lèo lái
Khi đã biết rõ được, cần phải thử nghiệm điều gì, cần phải tiến vào xây dựng 1 sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP) càng nhanh càng tốt. Đưa nó ra với khách hàng tiềm năng, thậm chí là thử bán nó.
Sản phẩm khả dụng tối thiểu nôm na là một sản phẩm không cần hoàn hảo, không cần trau chuốt, nó chỉ cần thể hiện được tinh thần của sản phẩm. Nếu bạn cố gắng làm một sản phẩm hoàn hảo ngay từ đầu là sai lầm. Bạn thậm chí không biết chính xác khách hàng của mình là ai thì làm sao biết sản phẩm như thế nào là chất lượng? Rõ ràng quan điểm chất lượng với mỗi người là khác nhau. Hãy đưa ra 1 sản phẩm khả dụng tối thiểu, nhận phản hồi về nó và phát triển, cải thiện nó đúng hướng qua từng thử nghiệm.
Làm sao để đo lường, để nhận biết được rằng doanh nghiệp đang học hỏi đúng cách, đang có phát triển chứ không phải dậm chân tại chỗ? Cần phải sử dụng thước đo khả thi thay vì thước đo ảo.
Thước đo ảo là thước đo hay được doanh nghiệp sử dụng, nó là các thước đo đơn thuần như doanh thu, số lượng khách hàng, số sản phẩm mới… Các thước đo này thường không thể hiện được rõ mối quan hệ nguyên nhân – hệ quả. Thông thường khi các con số đi lên, người ta sẽ nghĩ đó là nhờ hành động của mình, do bất kỳ điều gì họ thực hiện lúc đó. Thường việc tìm hiểu nguyên nhân thực sự sẽ rất khó và tốn thời gian, nên hầu hết các CEO bỏ qua để tiếp tục làm hết sức dựa trên các phán đoán và kinh nghiệm của họ.
Nhưng thước đo khả thi thì khác, nó được thiết lập từ đầu cùng với giả thuyết, thể hiện được mỗi quan hệ nhân quả, trợ giúp cho các quyết định của CEO. Thước đo muốn được gọi là thước đo khả thi thì nó cần đảm bảo 3A (Actionable – Khả thi, Accessible – Tiếp cận được, Auditable – Kiểm chứng được).
Sau khi đã xây dựng được MVP, đo lường nó, CEO cần quyết định điều chỉnh hay tiếp tục đeo bám. Tác giả có đưa ra danh mục 10 hướng có thể điều chỉnh (Không chỉ điều chỉnh về sản phẩm mà có thể điều chỉnh phân khúc khách hàng, nhu cầu khách hàng, động cơ tăng trưởng….)
Phần 3. Tăng tốc
Đây là phần trả lời cho câu hỏi làm sao để xây dựng một tổ chức thích nghi và đẩy càng nhanh càng tốt vòng lặp phản hồi, giúp doanh nghiệp tìm ra sản phẩm giá trị và cách tăng trưởng.
Phần này tác giả đưa ra lý thuyết Five Whys. Bằng việc hỏi và trả lời câu hỏi tại sao 5 lần cho vấn để, chúng ta có thể lần đến được cái nguyên nhân thực sự của vấn đề mà thường hay bị che giấu bởi các triệu chứng hiển nhiên. Hình thức này có thể ứng dụng khá nhiều cho công việc của bất kỳ ai.
Đây là thực sự là một cuốn sách rất hay, với rất nhiều thông tin, rất nhiều khái niệm mới. Với những ai đang chuẩn bị khởi nghiệp, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn do dịch bệnh hiện nay nên đọc đi đọc lại để có thể hiểu và vận dụng một cách hiệu quả.
Ngọc Hiền