Khởi nghiệp thì phải mơ lớn, người nước khác làm được thì người Việt Nam cũng làm được!
“Tôi luôn tâm niệm, đã là khởi nghiệp thì phải có ‘giấc mơ lớn’, nếu không đừng làm! Tất nhiên, tôi sẽ cống hiến hơn cả 100% năng lượng của bản thân để đạt mục tiêu đề ra. Tôi tin rằng nếu chúng ta dốc hết trái tim vào từng việc mình làm, ta có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể”, CEO Loship bày tỏ.
Năm 2015, Nguyễn Hoàng Trung – Founder kiêm CEO của Lozi gây chú ý lớn khi là một trong những startup đầu tiên của Việt Nam nhận được vốn đầu tư hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài danh tiếng. Lúc đó thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn sơ khai, chưa có nhiều điều kiện và cơ hội cho các công ty gọi vốn, nên startup nào được các quỹ đầu tư rót vốn gây được tiếng vang và sự công nhận của rất nhiều người.
Bây giờ, sau 5 năm, Trung vẫn tiếp tục miệt mài chinh phục những mục tiêu khác lớn hơn với Loship ở thị trường khởi nghiệp.
“Chúng ta thường không nghĩ nhiều khi mới đầu khởi nghiệp. Bạn bắt đầu với một mô hình hoặc ý tưởng nào đó, nhưng không có nghĩa là mọi thứ sẽ đi theo một con đường thẳng đến cuối cùng. Khởi nghiệp, theo quan điểm của tôi, là phải luôn quan sát thị trường, làm mọi thứ nhanh nhất có thể và sẵn sàng thay đổi khi cần thiết“, Nguyễn Hoàng Trung giải thích về bước tiến hoá từ Lozi – trang review ẩm thực và nhà hàng trực tuyến, sang Loship – ứng dụng giao đồ ăn.
Nói về mục tiêu dẫn đầu mảng giao nhận thức ăn vào năm 2022 của Loship, Nguyễn Hoàng Trung cho rằng mình đã đi theo tiếng gọi con tim, vì “khởi nghiệp là phải mơ lớn”.
Nâng tầm dịch vụ tốt nhất thị trường, thêm kênh doanh thu từ việc cung cấp nguyên vật liệu cho đối tác cửa hàng và thay đổi thị trường gọi vốn từ nước ngoài sang trong nước là 3 chiến lược mà Nguyễn Hoàng Trung chọn ở thời điểm hiện tại, nhằm phục vụ tham vọng lớn trong tương lai.
Nâng tầm dịch vụ lên tốt nhất thị trường thông qua những chương trình chăm sóc thích đáng dành cho đối tác tài xế
Mở đầu câu chuyện, Nguyễn Hoàng Trung khẳng định: “Tôi muốn đối xử tốt nhất với những lao động tài xế Việt trong khả năng cho phép“.
Theo anh, Loship đang là doanh nghiệp duy nhất trong thị trường mà CEO là người trực tiếp quản lý đội ngũ tài xế. Bởi, muốn đối tốt với khách hàng thì trước tiên doanh nghiệp phải đối tốt với nhân sự trong công ty và nhất là đội ngũ tài xế – những người trực tiếp làm việc với khách hàng, là ‘trái tim’ của doanh nghiệp!
“Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Sự đối đãi thịnh tình của chúng ta đối với nhân viên và đội ngũ tài xế sẽ được chiếu xạ qua cách họ đối đãi khách hàng. Vì vậy, trước khi cố nắm bắt trái tim khách hàng, hãy chọn xuất phát điểm là trái tim của những người tài xế.
Tất nhiên, biết đối thủ như thế nào quan trọng, nhưng biết mình là ai và cần làm những gì cũng quan trọng không kém. Thông qua sự chăm sóc thỏa đáng với đối tác tài xế, tôi muốn nâng tầm chất lượng dịch vụ của Loship, không chỉ cao hơn các đối thủ một chút mà phải là rất nhiều, phải nổi trội hơn để tất cả mọi người đều nhìn thấy và cảm nhận được. Tôi tin rằng, một khi mình có sản phẩm và dịch vụ tốt nhất thị trường, chẳng có lý do gì khách hàng lại không tìm tới“, co-founder Loship phân tích.
Bên cạnh đó, Loship cũng muốn trực tiếp mang lại những điều tốt nhất cho các lao động người Việt. Nguyễn Hoàng Trung nêu thực tế: khởi đầu của mảng gọi xe – giao nhận thức ăn là nền kinh tế chia sẻ, nhưng hiện tại, trong thị trường không chỉ có những lái xe chạy trong lúc rảnh rỗi mà họ còn chạy toàn thời gian, có người thậm chí chạy từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Ngoài vấn đề tiền bạc, họ cần được chăm sóc về tinh thần, về sức khỏe, cần một nơi chốn mà họ thuộc về.
Hiện tại, Loship đang triển khai những trạm dừng tiếp nước và sạc điện thoại miễn phí cho các đối tác tài xế. Sắp tới, startup này đang phấn đấu mở thêm dịch vụ rửa xe miễn phí cho các “chiến binh đường phố” của mình.
Ra mắt mảng thương mại cung cấp nguyên vật liệu sỉ giá rẻ cho các đối tác hàng quán
Nhằm có thể cạnh tranh với các “kỳ lân” châu Á ở thị trường Việt Nam, Loship buộc phải tìm kiếm thêm những kênh tạo doanh thu khác, ngoài dịch vụ giao nhận thức ăn và vận chuyển hành khách. Mới nhất, Loship quyết định tham gia vào thị trường cung cấp nguyên vật liệu sỉ giá rẻ cho các đối tác hàng quán của mình, thông qua dịch vụ Lo-supply.
Cụ thể, tất cả chủ cửa hàng đối tác của Loship đều có thể mua các sản phẩm như ly nhựa, muỗng, đũa, hộp xốp, muối, đường, tương ớt… với giá cam kết rẻ nhất thị trường.
“Trước đây, các đối tác cửa hàng thường mua các nguyên vật liệu như túi nilon, hộp giấy, muỗng và đũa từ các nguồn khác nhau, ví dụ như siêu thị và cửa hàng bán lẻ. Do phải lưu chuyển qua nhiều thương lái trung gian, giá của loại hàng hóa này đội lên khá cao và chất lượng không được kiểm định. Nhận thấy vấn đề này, Loship đã quyết định tham gia và hệ thống lại thị trường bán sỉ các mặt hàng nguyên liệu phục vụ ngành F&B.
Chúng tôi nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất và phân phối cho các đối tác cửa hàng, bằng cách này, chúng tôi loại bỏ hoàn toàn các khâu trung gian và đảm bảo giá thành minh bạch nhất có thể.
Sắp tới, đây sẽ mảng kinh doanh đầy tiềm năng của Loship vì chúng tôi là tay chơi duy nhất trên thị trường. Dù mới triển khai khoảng hơn nửa năm, mảng kinh doanh này đã đóng góp khoảng 20% doanh thu cho Loship“, Nguyễn Hoàng Trung kể.
Chăm sóc các quỹ đầu tư như khách hàng của mình, chuyển gọi vốn từ thị trường nước ngoài sang trong nước để đối phó với đại dịch Covid-19
Trong suốt hành trình khởi nghiệp 7 năm, Nguyễn Hoàng Trung đã phần nào khẳng định chỗ đứng của mình, thông qua việc liên tiếp thành công gọi vốn, chinh phục nhiều nhà đầu tư uy tín và khó tính trên thế giới.
Hiện tại, Loship đã đi tới vòng vốn Series C và dự định sẽ hoàn tất vào cuối năm 2020. Năm 2019 trong vòng vốn Series B, Loship đã nhận khoản đầu tư lên tới 8 chữ số tỳ quỹ Smilegate Investment (Hàn Quốc). Các nhà đầu tư khác tham gia vào vòng Series B bao gồm: Quỹ đầu tư DTNI và Ascendo Ventures (Hàn Quốc), JC Capital (Mỹ) và Vietnam Silicon Valley.
“Gọi vốn là một việc vô cùng khó khăn. Trong 5 năm qua, tôi đã nhận hàng trăm lời từ chối khác nhau và chỉ có vài nhà đầu tư đồng ý đồng hành cùng chúng tôi như mọi người đã biết.
Khi gặp bất cứ nhà đầu tư nào, tôi cũng luôn thành thật nhất một cách có thể. Thật thà nên là điều kiện tiên quyết khi các founder kêu gọi đầu tư. Bạn không nên tìm cách lừa dối nhà đầu tư hoặc tô vẽ những thứ mà doanh nghiệp bạn không có, bởi về sau cùng, mọi sự thật đều sáng tỏ và bạn sẽ đánh mất uy tín của mình trong giới khởi nghiệp. Chỉ cần gian dối một lần, bạn có thể mất đi cơ hội gọi vốn mãi mãi“, co-founder Loship nêu vấn đề.
Từ kinh nghiệm của mình, Nguyễn Hoàng Trung cho rằng, cá nhân founder chiếm 80% trong quyết định xuống tiền hay không của các quỹ đầu tư. Một founder tốt sẽ tạo ra những mô hình kinh doanh tốt và cho dù họ có thất bại, cũng có thể xây dựng một dự án khác tốt hơn.
Ngoài ra, Nguyễn Hoàng Trung tâm niệm rằng, các nhà đầu tư không phải là những người muốn chiếm lấy công ty của mình, mà họ chính là bạn đồng hành, người hướng dẫn kiêm khách hàng, nên họ cần được chăm sóc tận tâm và chu đáo. Bởi, ngoài mang đến tiền, những nhà đầu tư còn mang đến những kinh nghiệm và góc nhìn khác nhau về mô hình kinh doanh của mình, giúp Ban lãnh đạo có những ý kiến phản biện giá trị.
“Tôi tin rằng xây dựng quan hệ với nhà đầu tư là điều tối quan trọng trong gọi vốn. Nếu quan hệ đủ tốt, các nhà đầu tư cũ rất có thể sẽ giới thiệu cho bạn những nhà đầu tư mới. Điều này mang lại hiệu quả cao hơn gấp bội so với việc bạn tự thân vận động tìm kiếm nhà đầu tư“, Nguyễn Hoàng Trung cho biết thêm.
Hiện tại, Loship vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư, nhưng vì dịch Covid-19 buộc các nước phải bế quan tỏa cảng, hệ quả là các nhà đầu tư nước ngoài không thể đến Việt Nam, Nguyễn Hoàng Trung đành phải thay đổi chiến thuật.
“Chúng ta có thể mua hàng qua mạng, tuy nhiên, không phải tất cả hàng mua qua mạng đều dùng được; việc gọi vốn cũng thế. Chúng ta có thể nói chuyện hay gặp gỡ các nhà đầu tư online, nhưng chẳng có nhà đầu tư nào đủ can đảm xuống tiền cho founder hoặc doanh nghiệp mà họ chưa gặp trực tiếp, cũng như đến tận nơi tìm hiểu, nghiên cứu và xem xét“, doanh nhân trẻ khẳng định.
Thế nên, thay vì tập trung gọi vốn với số tiền lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài như trước đây, Nguyễn Hoàng Trung muốn gọi vốn trong nước từ nhiều nguồn khác nhau. Theo anh, với 1 số vốn nhất định, gọi vốn từ 1 đến 2 người khó hơn 20 người. Với số tiền đầu tư ít, người ta sẽ đỡ băn khoăn và lo lắng, không giống như khi xuống 1 số tiền lớn một lần. Phương cách này sẽ dễ dàng và khả thi hơn trong thời điểm Covid-19 như thế này.
“Ở thời điểm hiện tại, thật khó để nói ai đúng ai sai. Tôi cho rằng, mục tiêu của mình không hề viễn vông – người nước khác làm được thì người Việt Nam cũng làm được; nhưng nhiều người nhìn vào lại cho rằng, tôi không thể nào đánh thắng được các đối thủ nước ngoài đang tụ họp ở thị trường Việt Nam trong 2 năm tới. Ai đúng ai sai, hãy để thời gian trả lời!
Tôi luôn tâm niệm, đã là khởi nghiệp thì phải có ‘giấc mơ lớn’, nếu không đừng làm! Tất nhiên, tôi sẽ cống hiến hơn cả 100% năng lượng của bản thân để đạt mục tiêu đề ra. Tôi tin rằng nếu chúng ta dốc hết trái tim vào từng việc mình làm, ta có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể“, Nguyễn Hoàng Trung kết luận.
Theo Quỳnh Như
Trí thức trẻ