Khởi nghiệp nông nghiệp: Cất bằng đại học về quê nuôi heo với thu nhập 9 tỷ/năm
Vì hoàn cảnh gia đình, anh chàng cất bằng Đại học, về quê lập trang trại nuôi heo và từ đó đã mở ra bước ngoặt lớn trong đời.
Với nhiều người, chuyện cử nhân tốt nghiệp đại học danh giá rồi về quê nuôi heo là điều khó chấp nhận. Công tình ăn học vất vả để làm việc trí óc văn phòng chứ đâu phải tay lấm chân bùn, mồ hôi vất vả. Tuy nhiên người có kiến thức sẽ khác hẳn những “tay ngang” và đôi khi cuộc đời luôn có nhiều ngã rẽ bất ngờ.
Nói điều này vì câu chuyện của anh Bùi Đức Tuyển, 28 tuổi, Phú Thọ, tốt nghiệp Học viện Tài chính Hà Nội chuyên ngành Kế toán đã khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ra trường vào năm 2013, thay vì chọn công việc phù hợp, anh Tuyển đã cất lại bằng đại học, quay về nhà đỡ đần bố mẹ. Đứa em trai út bị bệnh bại não, đến khi chị gái đi lấy chồng, anh chàng thấu hiểu nỗi cơ cực của cha mẹ già nên quyết định về quê để tiện chăm sóc.
Bước đầu, anh nhờ bố mẹ thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng 300 triệu đồng làm vốn lập trang trại nuôi heo, trồng cây ăn quả. “Quyết tâm thì sẽ thắng”, tuyển cuốc nhát đầu tiên xuống đất khi lập trang trại, tự dặn bản thân phải dốc toàn công sức tâm huyết vì nếu chẳng may thua lỗ là đi toang căn nhà thế chấp.
Xây xong chuồng, nghe ai mách chỗ nào bán lợn con là Tuyển lại xách xe đến tìm hiểu. Ban đầu có nhiều người xì xào khi thấy anh chàng tốt nghiệp Đại học cũng chỉ đi nuôi heo. “Tưởng học đại học làm ông to bà lớn thế nào, cuối cùng lại về nhà nuôi lợn”. Lần đầu nghe, anh chàng cúi mặt, có đôi chút xấu hổ. Nhưng lần sau, Tuyển tự hào chẳng gì phải cúi gằm, anh nhớ lời của một vị tỷ phú, khi bạn bỏ qua thể diện để kiếm tiền, điều đó thể hiện bạn đã hiểu biết.
Sau nửa tháng lặn lội mua được 70 con lợn giống, tiếp đó là thời gian khó khăn khi anh chưa nhiều kinh nghiệm. Nơm nớp nhìn đàn lợn có nhiều biểu hiện không tốt về sức khỏe, chỉ một chút bất trắc không may là đánh đổi cả gia tài chứ chẳng chơi. Rồi đàn lợn con lăn ra chết vì bệnh, sau đó anh chàng bắt đầu chuyển sang nuôi lợn nái. Lắm lúc, gã trai tốt nghiệp Học viện Tài chính bất đắc dĩ thành “ông đỡ” để lợn dễ sinh. Nhưng chưa có kinh nghiệm, anh chàng để chết lợn mẹ vì nhiễm trùng. Rồi lợn con khi sinh ra không có đàn ghép, thiếu sữa mẹ nên chết theo sau đó không lâu.
Thất bại là mẹ thành công, sau nhiều lần thua lỗ đến mức ăn không ngon, ngủ không yên càng thôi thúc anh chàng trẻ tuổi phải bền chí hơn nữa. Rút kinh nghiệm sau nhiều trận đau thương, 2 năm sau anh chàng dần trả được nợ ngân hàng, mở rộng đất đai trồng cây ăn quả và đầu tư cho đàn lợn, Từ 14 con nái ban đầu, anh đã mở rộng chuồng trại lên 1.200m2, nuôi 400 lợn thịt và 30 con nái, trồng 2.000 gốc mít và 1.200 gốc măng Mạnh Tông. Phân lợn được đưa vào bón cây, sau 4 năm những cây mít đầu tiên trong vườn cho thu hoạch, thu về 100 triệu đồng tiền lãi.
“Làm đàn ông, phải sống kiên định, không thể vừa thấy khó khăn đã vội dừng”. Đó là chia sẻ của Bùi Đức Tuyển khi đối diện bài toán khó tìm đầu ra cho số lợn chăn nuôi. Anh không ngại khó, ngại bị từ chối khi tiếp thị tại các trường học. Nhìn thấy không khả quan, Tuyển tổ chức tham quan cho mọi người trực diện trông thấy mô hình chăn nuôi – trồng trọt sạch sẽ, bảo đảm an toàn. Từ 2 trường, sau lên đến 10, 20 trường chấp nhận thu mua nguồn thịt để phục vụ bữa ăn.
Doanh thu năm 2019 của anh chàng cất bằng Đại học đi nuôi lợn là 9 tỷ đồng. Con số nghe qua khiến ai cũng bất ngờ và phát mê nhưng đằng sau đó là bao nhiêu đánh đổi, tìm hiểu, không khuất phục trước thất bại và ý chí của anh chàng trẻ tuổi.
Nhìn lại, giờ đây Tuyển có thể cận kề chăm sóc cha mẹ, phụ giúp đỡ đần em trai bệnh tật. Anh lại còn thành công với mô hình chăn nuôi – trồng trọt của mình. Tấm bằng Đại học có thể không còn giá trị khi anh bỏ phố về quê nhưng đó là nền tảng để con người có kiến thức nền, dễ dàng đi đến thành công hơn. Mọi kiến thức chẳng có gì vô bổ, chẳng qua chỉ đợi chúng ta áp dụng đúng đắn hẳn sẽ thu về quả ngọt.
Điều đáng khâm phục khác của Bùi Đức Tuyển chính là tỉnh táo nhận ra không gì phải xấu hổ, thay vào đó luôn tự hào vì những gì làm ra bằng chính bản tay khối óc. Lời xì xào năm xưa của mọi người về anh chàng tốt nghiệp Đại học đi nuôi lợn càng thôi thúc anh không thể từ bỏ giữa đường.