Khởi nghiệp nông nghiệp: 8X Việt lên báo nước ngoài nhờ sáng kiến làm giàu từ cỏ
Đó là anh Trần Minh Tiến, 32 tuổi, chủ cửa hàng 3T (viết tắt của 3 từ tiết giảm, tái sử dụng và tái chế) ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
Anh Trần Minh Tiến và các sản phẩm ống hút cỏ bàng do công ty 3T của anh sản xuất – Ảnh: REUTERS
Hãng tin Anh Reuters mô tả Tiến là một doanh nhân người Việt đang quảng bá sản phẩm ống hút từ cỏ thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng và nổi bật là khả năng phân hủy sinh học 100%.
Loại cỏ mà cửa hàng Tiến dùng làm ống hút là cỏ bàng loại lớn, một loài thực vật mọc khá nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Cỏ bàng sau khi cắt về, sẽ được đục bỏ các ngăn bên trong thân cỏ, sau đó cắt đoạn theo kích thước phù hợp và làm sạch cả bên trong lẫn bên ngoài. Công đoạn cuối cùng là làm khô ống hút. Có 2 cách là sử dụng lò sấy hoặc phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời trong từ 2 đến 3 ngày. Nếu biết cách tái sử dụng và bảo quản đúng cách, những chiếc ống hút làm từ cỏ bàng do 3T sản xuất có thể giữ được độ bền lên đến 6 tháng.
Cửa hàng của Tiến bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2017, hiện mỗi ngày cung ứng ra thị trường hơn 3.000 ống hút cỏ bàng. Lợi nhuận thu về từ sản phẩm này là khoảng 400 USD (gần 9,3 triệu đồng) mỗi tháng.
Các bó ống hút làm từ cỏ bàng của anh Trần Minh Tiến – Ảnh: REUTERS
Bên cạnh ống hút cỏ bàng, công ty của Tiến còn sản xuất thêm những sản phẩm thủ công, thân thiện môi trường khác như sản phẩm đan lát từ cỏ bàng, túi xách, ví, cặp, võng…
Tuy nhiên 8X này khẳng định, do nguồn cung hạn chế, sản phẩm ống hút cỏ của công ty anh chỉ là một giải pháp thay thế tạm thời cho những chiếc ống hút làm bằng nhựa để giảm thiểu phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo một nghiên cứu của Đại học Georgia vào năm 2015, Việt Nam là nước đứng thứ tư thế giới trong việc gây ô nhiễm biển từ rác thải nhựa.
Chàng trai trẻ khẳng định, 3T rất cẩn trọng trong việc mở rộng hoạt động bất chấp nhu cầu đang tăng nhanh. “Ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp với ý tưởng này, tôi đã xác định tốc độ thu hoạch cỏ sẽ không bao giờ được nhanh hơn tốc độ sinh sản tự nhiên của chúng. Thiên nhiên cũng cần có đủ thời gian để phục hồi”, Tiến nói.
PV