Khởi nghiệp công nghệ: “Quả chín khó hái”
Gần đây, cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam liên tiếp đón nhận thông tin về những “quả ngọt” mà các dự án khởi nghiệp Việt có thể gặt hái được.
Điển hình là việc công ty khởi nghiệp Misfit với nhà sáng lập là người Việt được tập đoàn danh tiếng Fossil mua lại với giá hơn 5.200 tỷ đồng hay ứng dụng game Flappy Bird mang về nguồn thu lớn cho tác giả Nguyễn Hà Đông mà riêng tiền nộp thuế là 1,4 tỷ đồng…
Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp, cứ 10 dự án khởi nghiệp thì có đến 4 dự án về công nghệ. Thoạt nghe thì thấy “quả ngọt” công nghệ rất tiềm năng, nhưng vấn đề là nó có dễ hái hay không?
6 tháng trước, nhóm sinh viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã ra mắt một ứng dụng về du lịch với hy vọng gọi được vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại, họ quyết định tạm gác công việc phát triển ứng dụng, thường xuyên thuê các gian hàng tại các sự kiện khởi nghiệp để khảo sát nhu cầu của người dùng
Bạn Đồng Tân Huy, sinh viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, cho biết: “Giải pháp của tôi đánh không đúng vào thị trường, đó là lý do tại sao chúng tôi chưa nhận được đầu tư và sản phẩm bị chê rất nhiều”.
Ngược lại, trình duyệt Cốc Cốc chỉ sau hơn 2 năm ra mắt đã thu hút được 700 tỷ đồng vốn ngoại cùng 19 triệu người dùng tại Việt Nam.
Chìa khóa thành công chính là đánh vào nhu cầu khách hàng bằng việc tiết kiệm thời gian khi tự động thêm dấu vào văn bản và cho phép download nhanh hơn so với các trình duyệt khác.
Khảo sát của FPT, trung bình mỗi năm Việt Nam có gần 1.000 dự án công nghệ khởi nghiệp. Nhiều là vậy nhưng đa phần các dự án đều gặp chung một hạn chế, đó là chưa có nhiều ý tưởng có thể thực sự phát triển thành sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu người dùng.
Ngoài ra, theo đại diện của Misfit Wearables – công ty khởi nghiệp vừa được tập đoàn Fossil mua lại với giá hơn 5.200 tỷ đồng – một hạn chế khác của những người khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam là thiếu kiến thức về kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Lệ Quyên – Đức Dương (Trung tâm tin tức VTV24)