Khởi nghiệp cá thể hóa điều trị ung thư
Eric Lefkofsky đã thành công với năm công ty khởi nghiệp – nổi tiếng nhất là Groupon – bằng cách khai thác dữ liệu. Liệu “công thức” này có tác dụng gì với các loại bệnh hay không?
Eric Lefkofsky chưa hề học một lớp khoa học nào kể từ thời đại học. Nhưng ông thể hiện chuyên nghiệp khi đi vòng quanh phòng thí nghiệm Tempus ở Chicago, công ty khởi nghiệp y tế của mình. “Điều bạn nhìn thấy trước tiên là tế bào này có một vết màu tím,” ông vừa nói vừa chỉ vào hình trình chiếu bệnh lý của một bệnh nhân bị ung thư vú.
Ông đi qua các lọ đệm ly giải và bộ giải mã gene trị giá một triệu đô la Mỹ. “Tempus đang cố gắng mang sức mạnh của trí tuệ nhân tạo vào hệ thống chăm sóc sức khỏe,” ông giải thích. “Bước đầu tiên của mọi việc chính là dữ liệu.”
Tập hợp dữ liệu cũng là bước đầu tiên trong các dự án kinh doanh khác của Lefkofsky. Người đàn ông 49 tuổi này đã thành lập năm công ty trị giá ít nhất 250 triệuUSD, mỗi công ty hứa hẹn sẽ biến đổi một ngành công nghiệp qua việc sử dụng dữ liệu lớn.
Công ty nổi tiếng nhất của ông là Groupon; mặc dù cổ phiếu của trang web chuyên bán khuyến mãi này có mức giá gây thất vọng, nhưng Lefkofsky lại có tài sản ước tính 2,7 tỉ USD.
Tempus được thành lập nhờ vào niềm tin rằng thông tin với số lượng lớn sẽ cho phép các bác sĩ tùy chỉnh phương pháp điều trị ung thư để hiệu quả hơn. Bác sĩ điều trị một bệnh nhân bị ung thư phổi có thể gửi mẫu khối u đến Tempus để giải trình tự bộ gene.
Tempus xác định một đột biến trong loại gene quy định thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô, khiến các tế bào phát triển và phân chia quá nhiều. Nhờ đó, bác sĩ có thể kê đơn một liệu trình điều trị theo một mục tiêu xác định, có thể đem lại kết quả tốt hơn hóa trị.
Cho đến nay, công ty có 700 nhân viên này đã gọi được 520 triệu đUSD (Lefkofsky đầu tư 100 triệu USD). Mức định giá cao 3,1 tỉ USD cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng cách tiếp cận của ông sẽ tạo ra thành công lớn, bắt đầu từ việc chữa bệnh ung thư, sau đó đến việc chữa các bệnh mãn tính như trầm cảm và tiểu đường.
Nhưng y học chính xác (precision medicine) là một lĩnh vực còn non trẻ. Tempus, ở khía cạnh làm việc độc lập hoặc hợp tác nghiên cứu, công bố chưa đến 20 bản thảo báo cáo nghiên cứu được bình duyệt kể từ khi thành lập bốn năm trước.
Công ty giải trình tự gene Foundation Medicine, một đối thủ cạnh tranh của họ, đã công bố hơn 400 bản thảo báo cáo nghiên cứu trong 9 năm. Mặc dù chi phí giải trình tự gene đã giảm, nhưng nó vẫn có giá từ 1.000 đến 5.000 đô la Mỹ cho mỗi phân tích và Tempus phải trả tiền cho việc này.
Tempus cũng cấp phép cho các công ty dược phẩm, công ty bảo hiểm và nhà nghiên cứu sử dụng thư viện dữ liệu ẩn danh của mình. Lefkofsky không tiết lộ doanh thu, nhưng ông cho biết công ty nhận được mức phí hàng chục triệu đô la Mỹ từ bảy trong số mười công ty sản xuất thuốc chữa ung thư lớn nhất.
Lefkofsky nảy sinh đam mê với kinh doanh tại ĐH Michigan, nơi ông học ngành lịch sử và bán thảm để kiếm tiền. Năm 2001, ông đồng sáng lập InsideWorkings (tiếp thị), tiếp đó là Echo Global Logistics (vận tải) và Mediaocean (phần mềm quảng cáo).
Một trong những nhân viên của Lefkofsky, Andrew Mason, đưa ra một ý tưởng về một doanh nghiệp chuyên về “hoạt động thu thập.” Lefkofsky đã đầu tư 1 triệu USD cho ý tưởng phát triển thành công ty Groupon. Thành lập năm 2008, một năm sau, công ty đạt doanh thu 14,5 triệu USD; trong năm 2011, doanh thu là 1,6 tỉ USD.
Lefkofsky đã dành một vài năm thử làm việc với các dự án kinh doanh khác, bao gồm Uptake (phân tích mang tính dự đoán cho ngành công nghiệp nặng). “Khi ấy tôi vẫn luôn biết rằng, với những doanh nghiệp đó, tôi sẽ không gắn bó lâu dài,” ông nói.
Năm 2014, vợ của Lefkofsky, Liz bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. “Tôi cảm thấy bối rối khi biết rằng dữ liệu được đưa vào liệu trình của cô ấy ít đến thế nào,” ông kể lại. Cuối cùng, trải nghiệm đó đưa đến sự xuất hiện của Tempus. (Lefkofsky cho biết, Liz đang dùng liệu pháp này mỗi ngày một lần.)
Một lần nữa, Lefkofsky cần dữ liệu. Nhưng ban đầu, một số nhà nghiên cứu còn ngại chia sẻ. John McPherson, phó giám đốc của trung tâm UC Davis Comprehensive Cancer Center cho biết, “về cơ bản, họ muốn chúng tôi gửi tất cả các mẫu của mọi bệnh nhân mà chúng tôi có. Tuy nhiên, chúng tôi đã tiến hành tiếp cận thận trọng hơn.”
Họ đã thực hiện một so sánh trực tiếp liên quan đến ung thư đường tiêu hóa giữa Tempus và Foundation Medicine. Tempus đã làm rất tốt. Năm 2017 Tempus đã đạt được thỏa thuận cấp phép với hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ để trích xuất và sắp xếp dữ liệu từ một triệu hồ sơ bệnh nhân.
Hiện nay, công ty cho biết họ đã hợp tác với 30% bác sĩ ung thư Hoa Kỳ; nhiều người gửi hồ sơ bệnh nhân và sinh thiết đến Tempus để phân tích. Tempus hy vọng sẽ giải trình tự 120.000 mẫu gene cho các bác sĩ trong năm nay. Ngay cả khi có trong tay lượng dữ liệu đó, Tempus cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt.
Năm ngoái, công ty dược phẩm khổng lồ Roche của Thụy Sĩ đã chi 4,3 tỉ USD để mua lại Foundation Medicine và công ty dữ liệu lớn Flatiron Health. Một công ty khởi nghiệp khác, Concerto HealthAI, được tỉ phú Romesh Wadhwani hỗ trợ, có quyền truy cập vào nhiều hồ sơ tương tự như Tempus.
McPherson cho biết, các bác sĩ tại UC Davis chỉ gửi khoảng 100 mẫu cho Tempus, ít hơn nhiều so với số lượng họ đã gửi cho Foundation. “Tôi nghĩ họ bị bối rối vì lượng dữ liệu được Tempus gửi trở lại,” McPherson nói. Bác sĩ lâm sàng “có xu hướng chọn hướng dễ dàng hơn chỉ để tiết kiệm thời gian. Nhưng có một số bác sĩ lâm sàng hiện đang hợp tác khá chặt chẽ về khía cạnh nghiên cứu với họ.”
Lefkofsky vẫn lạc quan. “Đương nhiên, tôi cảm thấy như cả sự nghiệp đã dẫn tôi đến đây,” ông nói. “Tôi hy vọng đây sẽ là dự án để đời của tôi.”
(*) Bản in trên tạp chí Forbes Việt Nam số 76, tháng 9.2019