Khó khởi nghiệp, vì đâu? Bài 1: Ý tưởng vẫn chỉ là… ý tưởng
Nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhưng đến nay, phong trào khởi nghiệp ở Thủ đô không thực sự phát triển như kỳ vọng dù ý tưởng khởi nghiệp rất nhiều.
“Do tuổi trẻ, ít kinh nghiệm, ý tưởng không sát thực tiễn nên nhiều start-up không phát triển được”, bạn Trần Lê Trâm Anh, nữ sinh viên ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ. Ở lứa tuổi của Trâm Anh, hàng trăm bạn trẻ có thừa ý tưởng và sự táo bạo, nhưng rất khó để khởi nghiệp…
Khó thành hiện thực
Trần Lê Trâm Anh cùng nhóm bạn đóng góp 1 trong hơn 500 ý tưởng dự cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên do Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) tổ chức hồi đầu năm 2017.
Ý tưởng của nhóm Trâm Anh hướng tới việc kết nối nhu cầu việc làm thêm của sinh viên, giúp người dùng tự thỏa thuận mức giá, theo dõi, đánh giá xác thực kinh nghiệm của mỗi cá nhân hướng tới môi trường làm việc cạnh tranh, năng động và tự chủ thời gian làm việc. Từng đạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp UEB Gennesis Startup Programme 2016, nhưng ý tưởng của nhóm Trâm Anh chỉ vượt qua vòng sơ khảo.
Trâm Anh lý giải, về cơ bản các ý tưởng sinh viên gửi dự thi thường khó thành hiện thực vì còn “cồng kềnh, vận hành phức tạp”. Các thành viên ban giám khảo thường chỉ nhận xét theo hướng đơn giản hóa ý tưởng để dễ thực hiện. Qua cuộc thi, ý tưởng của nhóm Trâm Anh được hoàn thiện hơn khá nhiều, nhất là về mặt tài chính.
Tuy nhiên nhóm chưa có ý định đưa vào hiện thực trong tương lai gần do chưa đủ tiềm lực. Để khởi nghiệp, theo Trâm Anh, quan trọng nhất là phải cộng tác được với ai đó có kinh nghiệm, tuy nhiên, môi trường ở Việt Nam rất khó để làm được điều này.
“Theo mình, do bản thân người thực hiện chưa đủ tiềm lực vì start-up hay gặp khó khăn về nhân sự, vốn. Sau khi Chính phủ phát động khởi nghiệp, cũng có nhiều chương trình hỗ trợ, kể cả về kinh nghiệm và vốn, nhưng đa phần sinh viên khởi nghiệp rất khó tiếp cận”, Trâm Anh nói.
Nữ sinh ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, khó khăn chủ yếu đến từ bản thân sinh viên, bản thân những người khởi nghiệp vì tuổi trẻ, ít kinh nghiệm, ý tưởng không sát thực tiễn. “Nhưng với người trẻ, phải thất bại đôi ba lần mới tự học hỏi được. Hiếm khi sinh viên khởi nghiệp lần đầu mà thành công”, Trâm Anh khẳng định.
Nửa năm sau cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, Khuất Hoàng Lâm, sinh viên năm cuối ĐH Bách khoa Hà Nội đã “quên” dự án dịch vụ thiết kế và tư vấn thiết kế các khu vườn xanh tại gia đình cho người dân, dù đã lọt top 20 cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo Việt Đức do ĐH Leipzig (Đức), Viện đào tạo Quốc tế – ĐH Bách khoa Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức và từng dự thi Siêu Thủ lĩnh năm 2015. “Từ nội dung của cuộc thi Siêu Thủ lĩnh, mình mới nghĩ ra ý tưởng thi công vườn xanh tại Hà Nội nhưng cũng chỉ để đi thi thôi chứ chưa thực hiện”, Lâm nói.
Nguyễn Văn Khương vừa tốt nghiệp ĐH Kiến trúc cùng nhóm bạn của mình gặp khá nhiều khó khăn với ý tưởng thiết kế mô hình nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu. Ý tưởng từng được đánh giá cao, đạt giải khuyến khích sáng tạo sinh viên Holcim Prize 2015 – 2016 nhưng đến nay cũng chưa áp dụng được vào thực tế.
Khác với Trâm Anh và Hoàng Lâm, Khương đang tiếp tục theo đuổi ý tưởng này, nhưng dự báo gặp khá nhiều chông gai. “Mình đã nghiên cứu thêm, phát triển ý tưởng trên thành nhà ở cho các khu nghỉ dưỡng, áp dụng công nghệ của Đức và sử dụng vật liệu bền vững hơn”, Khương nói.
Khó khăn chồng chất
Nâng cấp ý tưởng, đồng nghĩa Nguyễn Văn Khương gặp nhiều khó khăn hơn vì số vốn đầu tư cần tăng lên tương ứng. Khương bảo, có ý tưởng tốt nhưng cũng phải có lượng tài chính nhất định làm vốn “mồi” cho dự án, từ đó triển khai, đánh giá, chỉnh sửa, hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Để có vốn, cả nhóm Khương đang tích cực mang ý tưởng dự thi các cuộc thi khởi nghiệp. “Đi thi nhận được sự tư vấn của những người đi trước để có kinh nghiệm và cũng là dịp để cho mọi người biết. Càng nhiều người biết thì càng có cơ hội xin tài trợ”, Khương nói.
Theo Khương, hiện ở Hà Nội rất khó để khởi nghiệp. Với riêng dự án của Khương, vì tính đặc thù cao, mức đầu tư lớn nên rất khó để tìm được người tài trợ. Khương dự định sẽ tổ chức triển lãm về ý tưởng để gây quỹ xây dựng 1 căn nhà mẫu để thực nghiệm.
Khương cho rằng cả nhóm phải tự lực cánh sinh vì các chương trình hỗ trợ hiện tại có quá nhiều thủ tục và quá xa vời với những start-up trẻ như Khương. Làm việc trong doanh nghiệp của Đức, Khương nhận thấy có nhiều hạn chế trong môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam, nhưng “cũng là dịp để nhìn lại mình cần phải làm gì”, Khương nói.
Khác với Khương, do bận học, Khuất Hoàng Lâm quyết định dừng các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp. Lâm chia sẻ, ý tưởng vườn rau xanh khó thành hiện thực vì qua khảo sát người dân đều ngại làm vườn quy mô lớn do tốn kém cả về thời gian, tiền bạc. Lâm nhận định, khởi nghiệp về cơ bản là sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, các hình thức đang phát triển như về dịch vụ rất khó để chen chân vào. Start-up phải sáng tạo ra hình thức mới trong khi thị trường đã khá đầy đủ. Có thể khởi nghiệp về lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng bài toán về tài chính rất khó có lời giải. “Hầu hết start-up đều gặp vấn đề chung là tài chính”, Lâm nêu quan điểm.
Trong khi đó, Trần Lê Trâm Anh cho rằng, lúc mang ý tưởng đi thi cũng mong sẽ áp dụng được vào hiện thực, nhưng vào cuộc thi rồi mới thấy chỉ để học hỏi thêm kinh nghiệm. “Mọi người hay khởi nghiệp theo hướng công nghệ thông tin vì đang là xu thế. Chính những dự án khởi nghiệp về nông nghiệp và giáo dục lại thuận lợi và dễ thành công hơn”, Trâm Anh nói.
Chưa thành công với ý tưởng đầu tiên, Trâm Anh nói, nhất định sẽ cùng các bạn phát triển một ý tưởng khác thiết thực hơn. “Việc kêu gọi kinh phí đầu tư mình nghĩ cũng không quá khó. Tham gia các cuộc thi cũng là cơ hội để gặp nhà đầu tư. Nếu ý tưởng của mình thực sự có tiềm năng và đem lại hiệu quả thì sẽ kêu gọi được thôi”, Trâm Anh khẳng định.
Trường Phong – Báo Tiền Phong