Steve Jobs và đồng sáng lập Steve Wozniak tại Apple

Năm 2016, một bài báo trên Techcrunch đưa ra nhận định từ một nghiên cứu rằng startup có 1 nhà sáng lập thường thành công hơn. Tác giả bài viết đã đưa ra con số 52,3% startup được mua lại hoặc IPO thành công chỉ có 1 founder. Trong bài viết này, tôi sẽ không tranh luận về điều đó. Tôi chỉ muốn bàn luận về thời điểm nào bạn cần một đồng sáng lập cho startup của mình.

Ai cũng biết rằng khởi nghiệp là một quá trình lâu dài nếu bạn không từ bỏ quá sớm. Đó là một hành trình gian khổ thử thách tâm lý và trí thông minh của bạn lên đến cực đại với vô số thăng trầm. Nếu bạn có một đồng sáng lập, nghĩa là bạn có một người để chia sẻ mọi thứ đó, là người bạn ăn mừng khi thành công cũng như khóc cùng khi thất bại.

Ngoài việc giúp bạn vượt qua những khó khăn trong suốt hành trình của bạn, những người đồng sáng lập có thể giúp bạn hoàn thành công việc sắp tới cũng như cho phép bạn tập trung vào việc lãnh đạo toàn bộ nhóm, thiết lập tầm nhìn, gây quỹ và tuyển dụng – những trách nhiệm chính của người sáng lập chính. Ngay cả khi bạn có kiến ​​thức nền tảng về kỹ thuật hoặc tiếp thị, thì việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính của mình trong khi vẫn lãnh đạo các chức năng khác là vô cùng khó khăn.

Trong giai đoạn đầu của một công ty khởi nghiệp, bạn có ba mục tiêu chính cần đạt được:

  • Xây dựng một sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn các sản phẩm tương tự trên thị trường;
  • Tìm một chiến lược phân phối hiệu quả và cho phép tăng trưởng khách hàng nhanh chóng;
  • Hoàn thiện quảng cáo bán hàng và huy động vốn cho giai đoạn tiếp theo của hành trình.

Với tư cách là người sáng lập chính, bạn hoàn toàn có thể phát triển tầm nhìn, tập hợp một nhóm và thuyết phục các nhà đầu tư mạo hiểm và thiên thần đầu tư vào công ty khởi nghiệp của bạn. Nhưng trên thực tế, để hoàn thành tốt cả ba mục tiêu trên là một khối lượng công việc quá lớn, rất hiếm khi một cá nhân chuyên về cả ba lĩnh vực. Những người sáng lập đơn lẻ thường sẽ tìm một người đồng sáng lập có chuyên môn kỹ thuật có thể dẫn dắt việc phát triển sản phẩm hoặc một người đồng sáng lập có chuyên môn tiếp thị hoặc bán hàng có thể dẫn dắt các nỗ lực tăng trưởng khách hàng.

Từ quan điểm nhà đầu tư, các công ty khởi nghiệp được dẫn dắt bởi những người đồng sáng lập chuyên về lĩnh vực tương ứng của họ dường như ít rủi ro hơn rất nhiều. Rất khó để thực hiện tốt cả ba và tôi càng tin tưởng rằng một nhóm sẽ thành công nếu tôi thấy rằng những người đồng sáng lập có kinh nghiệm độc đáo về tiếp thị, bán hàng và kỹ thuật. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi khi có người đồng sáng lập như trên thì cũng sẽ có những hạn chế.

Một rủi ro mà các nhà đầu tư thường xem xét là sự gắn kết của đội ngũ. Một số startup có nhóm đồng sáng lập không gắn kết khi tan vỡ có thể đánh dấu sự kết thúc của công ty khởi nghiệp vì xung đột làm giảm hiệu quả công việc và làm suy yếu tinh thần công ty. Tốt nhất bạn nên làm việc với những người đồng sáng lập của mình trong ít nhất vài tháng trước khi tìm kiếm đầu tư để đảm bảo rằng tính cách hoặc phong cách làm việc của các bạn không đụng độ nhau.

Một điểm quan trọng khác cần xem xét là bạn không nhất thiết phải mời những người đồng sáng lập để giúp bạn phát triển sản phẩm và tiếp thị. Bạn có thể thuê các giám đốc điều hành có kinh nghiệm, những người có thể dẫn dắt chiến lược, thực thi và xây dựng nhóm với chức năng tương ứng. Lý do chính để đưa ai đó trở thành đồng sáng lập là để đảm bảo cam kết của họ bằng cách cung cấp cho họ một cổ phần đáng kể trong công ty (thường là hơn 10% cổ phần của người sáng lập). Tuy nhiên, nếu bạn có thể thuyết phục sâu sắc lãnh đạo cấp điều hành về sứ mệnh của mình và đền bù cho họ bằng một lựa chọn vốn chủ sở hữu đáng kể (thường là 5–10%), họ có thể cam kết với công ty nhiều hơn đồng sáng lập. Trên thực tế, họ thậm chí có thể cam kết hơn với người đồng sáng lập miễn cưỡng. Nếu bạn đi theo con đường tuyển dụng, điều chính mà bạn sẽ thiếu, tất nhiên, là tình bạn thân thiết và sự đồng cảm mà một người đồng sáng lập có thể mang lại.

Nếu bạn quyết định rằng người đồng sáng lập không phù hợp với bạn, bạn có thể tìm đến một người mà bạn có thể tâm sự, chia sẻ để giúp bạn vượt qua nhiều khó khăn trong hành trình của bạn. Một người hỗ trợ như vậy có thể là một người cố vấn mà bạn có mối quan hệ vững chắc và người luôn sẵn sàng tin cậy để hướng dẫn bạn vượt qua những phần khó khăn hơn trong hành trình của bạn. Một nguồn lực tuyệt vời khác là một huấn luyện viên được đào tạo để làm việc với các doanh nhân. Bạn có thể mất nhiều tiền để xin tư vấn từ các huấn luyện viên hàng đầu nhưng nhiều nhà sáng lập cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ những bất an và những tình huống thực sự lộn xộn mà họ phải vượt qua.

Về tác giả:

Sergio Paluch và đồng sáng lập Beta Boom, Kimmy

Sergio Paluch và vợ mình là Kimmy đã thành lập một học viện tăng tốc khởi nghiệp mang tên Beta Boom dành cho các startup công nghệ tại Salt Lake City vào năm 2018. Beta Boom hỗ trợ các công ty khởi nghiệp ở các trung tâm công nghệ mới nổi khai thác các nguồn lực địa phương, mạng lưới cố vấn toàn cầu và tiếp cận nguồn vốn từ Thung lũng Silicon và hơn thế nữa. Mỗi startup tham gia vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Beta Boom ngoài việc nhận được hỗ trợ, tư vấn từ các huấn luyện viên là các chuyên gia hàng đầu trên thế giới còn nhận được khoản tài trợ ban đầu trị giá 20.000 USD.

Hàn Mai

Theo medium.com