Thuật toán dường như nhắn nhủ với chúng ta rằng “nếu bạn thích cái này, bạn sẽ thấy nó nhiều hơn”. Trải nghiệm này đã bước từ những mẫu quảng cáo trên Internet ra ngoài đời thực.

Đơn cử như một chương trình tặng đồng hồ miễn phí trên Instagram nọ: những chiếc đồng hồ được tặng có vẻ ngoài đơn giản nhưng phong cách, với điểm khác nhau giữa chúng là về mặt đồng hồ tối giản và dây đeo kim loại.

Trớ trêu là những chiếc đồng hồ phong cách đó không đại diện cho một giá trị thẩm mĩ nào đó như định nghĩa của Pieratt. Chúng chỉ gắn mác những nhãn hiệu ảo.

Thực tế: những chiếc đồng hồ này thuộc dây chuyền của hai ông lớn thương mại điện tử là Alibaba (sản xuất) và Amazon (phân phối); đồng hồ chuyển từ nhà máy đến thẳng tay người tiêu dùng mà không qua bất kì cửa hàng nào; và ngôn ngữ thiết kế của chúng thì sáo rỗng và vô hồn.

Ngoài ví dụ trên, thuật toán còn chi phối trải nghiệm sử dụng công nghệ của chúng ta trên những ứng dụng quen thuộc khác như:

– Trình nghe nhạc Spotify đưa ra đề xuất nhạc gốc của các nghệ sĩ “rởm” để thỏa mãn nhu cầu nghe nhạc luôn âm ỉ của người dùng.

– Các nhà hàng giao thức ăn dựng lên một nhãn hiệu ảo từ một bếp ăn tập thể nào đó và phục vụ thực khách thông qua ứng dụng Uber Eats.

– Những đoạn phim phi thực tế dành cho trẻ em tồn tại trên YouTube do thuật toán “quyết định” chúng xuất hiện trên trang thông báo. Nhờ thế, lượt xem các đoạn phim này tăng (qua đó lợi nhuận quảng cáo mà các tác giả của đoạn phim này cũng tăng).

– Kiểu trang trí nội thất rập khuôn ở khắp mọi phòng trọ của dịch vụ cho thuê phòng Airbnb, vốn gần giống với một phong cách bắt nguồn từ chính dịch vụ này.

Cung cách chung của tất cả những ví dụ trên là: sau khi đã phân tích dữ liệu từ tất cả các nguồn, máy tính sẽ cho ra các tiêu chí chúng cho rằng người dùng mong muốn, đồng thời cung cấp đến người dùng vô số những kết quả ứng với các tiêu chí đó ngay lập tức.

Lẽ tất nhiên, người dùng sẽ bị lạc vào mê cung khi không thể phân biệt những thứ do con người tạo ra và những thứ do máy móc “sản xuất hàng loạt”, hay nói cách khác là giữa sản phẩm khơi gợi thị hiếu thật sự và sản phẩm thiếu đi tính hấp dẫn sở thích.

… và lãnh luôn nhiệm vụ rập khuôn phong cách

Vào năm 1935, triết gia người Đức Walter Benjamin đã nhận định rằng một bước ngoặt sẽ đến với  lĩnh vực hội họa trong bối cảnh các bộ môn Nhiếp ảnh và Điện ảnh xuất hiện. Ông cho rằng khả năng phục dựng của các bộ môn nặng tính công nghệ này sẽ làm cho các tác phẩm hội họa mất đi cái “hồn” của chúng.

Tuy nhiên, như Benjamin đã nhận định vào thời điểm đó, nhiếp ảnh chỉ có thể tái tạo một tác phẩm nghệ thuật đơn lẻ. Còn ở hiện tại, công nghệ máy học thuật toán có thể mô phỏng cả một phong cách nghệ thuật thông qua việc cho ra hàng loạt những sản phẩm nghệ thuật dựa trên một phong cách nhất định hoặc kết hợp một đồ vật hiện hữu với một phong cách mới hoàn toàn.

Năm 2015, các nhà nghiên cứu đã trình bày báo cáo trong đó họ biến một bức ảnh chụp thị trấn Tübingen (Đức) thành một bức tranh theo phong cách của danh họa Van Gogh, cũng như kết hợp phong cách của hội họa của các họa sĩ Edward Munch và Wassily Kandinsky lại với nhau.

Một trong những kết luận của nghiên cứu này là “thuật toán đã tách biệt thành công nội dung hình ảnh ra khỏi phong cách” – một sự tách biệt làm chúng ta thêm lo ngại cho tính độc đáo và nhất quán của phong cách.

Khi thuật toán có khả năng không chỉ tái tạo một tác phẩm mà cả một phong cách, sự thiếu đi cái “hồn” sẽ làm giảm giá trị phong cách đó hoặc thay đổi cảm nhận của chúng ta về nó (giống như nhiếp ảnh đã từng thách thức sự tồn tại của hội họa trước đây), chẳng thế mà triết gia Benjamin đã từng viết “tác phẩm nghệ thuật được phục dựng ngày càng được tái tạo theo hướng dễ dàng rập khuôn hơn”.

Chưa hết, một hậu quả nữa của tái tạo tràn lan là chúng ta chấp nhận rằng những phong cách “mới” và phổ biến sẽ càng được tối ưu hóa sao cho dễ dàng sao chép thay vì duy trì tính độc đáo.

Kết quả: người ta chỉ cần nhấn nút để có một dãy tranh hơi hướng danh họa Picasso, một loạt món đồ thời trang kiểu Gucci, một khu phố đầy những ngôi nhà theo phong cách của kiến trúc sư Francis Gehry, một bộ những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp nhái hãng Glossier, hay một danh sách các bài hát/ca sĩ theo khuôn mẫu danh ca Beyoncé.

Trở lại một chút với mạng xã hội: trên Instagram có một nhân vật có tầm ảnh hưởng khá lớn với hơn 700.000 người theo dõi. Nhân vật này tên là Miquela, trông như một người mẫu 19 tuổi diện đồ của các hãng thời trang lừng lẫy như Chanel, Proenza Schouler, và Supreme.

Hình mẫu của Miquela là Kylie Jenner, với khuôn mặt ngây thơ hơi đanh đá và gu ăn mặc theo phong cách đường phố.

 

Điểm khác biệt giữa Miquela và hình mẫu của cô đó là: trong khi Kylie Jenner là một con người thật, có sở thích và phong cách nhất định, Miquela chỉ là một nhân vật ảo được tạo nên từ một chiếc máy tính như thể được trang bị trí thông minh nhân tạo chứa toàn dữ liệu về các cô gái nhà Kardashian – người ta có thể tạo ra vô số nhân vật như Miquela với chi phí rẻ mạt.

Quốc Huy (Theo Racked)