Ít nhất 90% học sinh, sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp
Một mục tiêu của Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đến năm 2020, có ít nhất 90% học sinh, sinh viên các trường được trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.
Ngày 30/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2020”.
Đề án hướng tới mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2020” cũng xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; có ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.
Đồng thời, 100% các đại học, học viện, trường đại học, 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 2 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Mục tiêu đến năm 2025 là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên: tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp. 100% các đại học, học viện, trường đại học và 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Cùng với việc quy định rõ về đối tượng và phạm vi của Đề án, trong Đề án mới được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới nhằm đạt được các mục tiêu.
Cụ thể, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính để thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2020” gồm có: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; Tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; Hỗ trợ vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT là cơ quan thường trực của Đề án, chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các nội dung của Đề án theo từng giai đoạn, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện Đề án; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án. Định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT tình hình triển khai Đề án.
Bộ GD&ĐT cũng chịu trách nhiệm xây dựng tài liệu giáo dục khởi nghiệp, tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tài liệu đào cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, tài liệu đào tạo giáo viên hướng nghiệp, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của các đại học, học viện, trường đại học, trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên…
Vân Anh – ICTNews