Huỳnh Lâm Hồ, sáng lập kiêm CEO Haravan: Chọn đồng hành với “gã khổng lồ”
Sau khi trở thành đối tác chiến lược của hai “gã khổng lồ” Google và Facebook, Haravan quyết định mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á ngay trong “mùa Covid-19”.
Với Huỳnh Lâm Hồ, CEO Haravan, đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp công nghệ Việt Nam gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế.
Thời cơ vàng để tiến ra Đông Nam Á
Cuối tháng 9 vừa qua, Facebook For Business ngầm giới thiệu đến các doanh nghiệp bán lẻ và kinh doanh thực phẩm, đồ uống (F&B) tại Thái Lan sự xuất hiện của Haravan ở thị trường Đông Nam Á qua một video ngắn. Haravan là công ty kinh doanh phần mềm dưới dạng cung cấp dịch vụ giúp các đối tác kinh doanh thương mại điện tử.
Video này nói đến thành công của The Coffee House, một trong những chuỗi cà phê lớn tại Việt Nam, khi sử dụng hệ thống chatbot từ Haravan để phục vụ khách hàng tự động trong mùa dịch. Điều đặc biệt là, những đoạn video này lại được đích thân Facebook quảng cáo. “Philippines cũng là thị trường mà chúng tôi chú trọng và đang được Facebook hỗ trợ tham gia theo cách như vậy”, Lâm Hồ nói.
Chia sẻ lý do quyết định mở rộng thị trường, CEO Haravan cho biết, tác động của Covid-19 tại Philippines và Thái Lan khá nặng nề, khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt như Haravan đang có nhiều lợi thế nhờ trình độ công nghệ tốt, dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát và doanh nghiệp đã thích nghi với hình thức làm việc từ xa.
“Những yếu tố trên không thể có được trong điều kiện bình thường và tôi cho rằng, đây chính là thời điểm rất thuận lợi để Haravan đặt chân vào các thị trường này”, Lâm Hồ tự tin.
Quyết tâm mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á của Haravan hoàn toàn có cơ sở. Theo số liệu của Google và Temasek, thị trường kinh tế số tại Đông Nam Á năm 2019 trị giá 100 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 300 tỷ USD, trong đó, riêng mảng thương mại điện tử có quy mô 38,2 tỷ USD vào 2019 và sẽ đạt 152 tỷ USD vào năm 2025, với 432 triệu người sử dụng Internet.
Lâm Hồ hình thành những ý tưởng cho kế hoạch này từ 2 năm trước, sau lần đấu thầu dự án hệ thống thương mại điện tử cho một tập đoàn mỹ phẩm của Pháp bất thành. Về công nghệ, kinh nghiệm và khả năng vận hành, Haravan không thua kém doanh nghiệp nước ngoài, nhưng bị loại vì đối thủ được khách hàng chỉ định.
E ngại là cảm giác của Lâm Hồ sau thương vụ đó, bởi anh cho rằng, sẽ còn nhiều trường hợp như vậy. Các công ty công nghệ quốc tế sẽ vào Việt Nam thông qua các hợp đồng chỉ định, nên Haravan gần như không còn “cửa” cạnh tranh. Vì vậy, cần mở rộng sang nước ngoài để có lợi thế về thị trường và tăng quy mô.
Nhưng mở rộng theo cách nào để tiếp cận đối tác nước ngoài nhanh nhất và với chi phí hiệu quả nhất? Câu trả lời được đội ngũ Haravan lựa chọn là đồng hành cùng Google và Facebook, hai nền tảng công nghệ phổ biến nhất hiện nay trên toàn thế giới.
Bất cứ doanh nghiệp nào muốn trở thành đối tác chiến lược của hai “gã khổng lồ” Google và Facebook, thì vừa phải chứng minh khả năng triển khai các giải pháp công nghệ của mình cho các đối tác doanh nghiệp, vừa phải đạt được sự phổ biến và tầm ảnh hưởng nhất định trên thị trường. Haravan đã vượt qua thử thách vì là đơn vị duy nhất có tệp khách hàng đa dạng: từ các cửa hàng nhỏ lẻ trên Internet, đến tệp khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Kết thúc năm 2019, Haravan chính thức trở thành đối tác công nghệ bán lẻ duy nhất của Google tại châu Á và cũng là đối tác công nghệ tiếp thị đầu tiên của Facebook tại thị trường Việt Nam.
Trở thành “bệ đỡ công nghệ” cho đối tác
Trước khi sáng lập Haravan, Lâm Hồ có thành tích làm việc khá ấn tượng trong vai trò trưởng dự án của một công ty gia công phần mềm chuỗi cung ứng của Mỹ, Giám đốc kỹ thuật tại Sàn Thương mại điện tử Sen Đỏ. Từng kinh doanh chuỗi bán lẻ thời trang, nên Lâm Hồ hiểu được những khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi muốn đầu tư công nghệ, vì họ thiếu cả vốn lẫn con người.
Từ đó, Lâm Hồ theo đuổi khát vọng xây dựng một doanh nghiệp có thể đảm đương phần nặng nhất là hạ tầng công nghệ, rồi phân phối lại cho các doanh nghiệp với mức giá hợp lý (mô hình SaaS – kinh doanh phần mềm dưới dạng dịch vụ). Đầu năm 2014, anh cùng ba người bạn thành lập Haravan.
Tháng 3/2014, Haravan chính thức hoạt động và đưa ra gói giải pháp vận hành website thương mại điện tử, bao gồm thiết kế website và các nghiệp vụ quản lý bán hàng. Dù có mức giá rất cạnh tranh, nhưng thời gian đầu, Haravan không dễ được khách hàng chấp nhận, vì nhiều doanh nghiệp Việt chưa quen với mô hình SaaS.
“Khởi nghiệp đâu có dễ”, Lâm Hồ cười và nói.
Sau hơn 6 năm hoạt động, hiện Haravan có 50.000 khách hàng sử dụng có trả phí, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, doanh nghiệp niêm yết và cả các tập đoàn đa quốc gia.
Sản phẩm của Công ty cũng được mở rộng theo nhu cầu phát triển của thị trường, từ tạo website đơn giản, cho đến những tính năng phức tạp như giải pháp quản lý bán hàng đa kênh, nền tảng tối ưu kinh doanh và quảng cáo trên Facebook, Google; chatbot tư vấn khách hàng tự động…
Lâm Hồ tự tin vào sự am hiểu thị trường và cho rằng đây là một trong những lợi thế lớn nhất của Haravan. Kinh nghiệm và thực tiễn công việc ở những vị trí từng kinh qua giúp anh thấu hiểu những trăn trở của doanh nghiệp và người kinh doanh. Do đó, hướng tiếp cận đặc thù của Haravan là cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề của khách hàng nhờ cải tiến quy trình kinh doanh, bắt đầu từ những yếu tố nhỏ nhất cùng chi phí tối thiểu.
CEO 38 tuổi này cũng nhận thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt phát triển dựa trên mô hình bán lẻ truyền thống, nên rất lưu ý việc ứng dụng công nghệ đi cùng với đảm bảo dung hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và đối tác truyền thống của họ.
Đầu năm nay, Haravan giải quyết bước đầu bài toán chuyển đổi số khá phức tạp cho đối tác là một công ty chuyên sản xuất và cung cấp những dụng cụ chăm sóc sắc đẹp. Thành lập từ gần 30 năm trước, kênh phân phối sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp này là chợ truyền thống. Với sự phát triển của Internet và công nghệ, khách hàng có xu hướng tìm kiếm và mua sản phẩm online nhiều hơn, thậm chí đến cửa hàng để mua cũng từ việc tìm kiếm qua Internet. Doanh nghiệp này bị loại dần khỏi lựa chọn của khách hàng hiện đại, nhưng họ cũng không thể từ bỏ hoàn toàn các đối tác truyền thống.
Giải pháp Haravan đưa ra là xây dựng một website thương mại điện tử và kênh chatbot chăm sóc khách hàng qua Facebook Messenger. Website giúp tạo thêm doanh thu cho các đối tác truyền thống thông qua hệ thống điều phối đơn hàng tự động và linh hoạt đến từng điểm bán. Khách hàng dù ở trong hay ngoài nước đều có thể dễ dàng đặt hàng và nhanh chóng được giải đáp thắc mắc khi nhắn tin cho doanh nghiệp trên Facebook Messenger.
Lâm Hồ cho biết, hai bên đang tiếp tục ngồi lại với nhau để xây dựng kế hoạch phát triển cho các giai đoạn tiếp theo của đối tác.
Mới đây, Haravan công bố hợp tác với Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) trong việc đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, cũng như phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho lĩnh vực công nghệ kinh doanh và thương mại điện tử. Haravan mong muốn tạo được giá trị thực tiễn cho doanh nghiệp và xã hội từ việc chuẩn bị cho lực lượng nhân sự, những người sẽ trực tiếp vận hành và phát triển các giải pháp hỗ trợ kinh doanh trong tương lai.
“Tôi luôn muốn cung cấp các giải pháp có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam làm thương mại, kinh doanh tốt hơn, nhanh chóng ‘Hái ra vàng’ – như ý nghĩa của chữ Haravan mà đội ngũ sáng lập đã lựa chọn để đặt tên công ty của mình”, Lâm Hồ chia sẻ.
Theo Báo đầu tư