Học sinh, sinh viên sẽ được tạo môi trường tốt nhất để khởi nghiệp
Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trong ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV_STARTUP).
Học sinh, sinh viên còn nhiều khó khăn khi khởi nghiệp
Trong ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV_STARTUP) ở Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2 Vĩnh Phúc) ngày 26/3, em Dương Thế Long, sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, trường ĐH VinUni, đồng sáng lập dự án Brick One – Hệ sinh thái giáo dục STEM Made in Viet Nam chia sẻ thực trạng, hiện nay học sinh, sinh viên muốn khởi nghiệp còn nhiều hạn chế.
“Thứ nhất, về sự kết nối giữa các sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng với nhau. Các trường đại học thường chủ yếu tập trung vào việc đào tạo chuyên sâu ví dụ như nhóm các trường về Kỹ thuật, các trường về Kinh tế, hay về Y khoa. Đa số các phong trào khởi nghiệp của sinh viên hiện nay chỉ phát triển tại chính trường đại học mà sinh viên đó theo học, làm giảm đi sự kết nối giữa sinh viên các khối trường khác nhau.
Em Dương Thế Long, sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, trường ĐH VinUni. Ảnh: BTC
Thứ hai các thí sinh tham gia thi SV.Startup giữa các mùa chưa có sự kết nối, học hỏi nên cần xây dựng 1 hệ thống website để chia sẻ, ghép đội. Ngoài ra, về sự kết nối giữa sinh viên với các cố vấn, vườn ươm, quỹ đầu tư. Các bạn trẻ khi khởi nghiệp rất cần có sự chỉ dẫn và hỗ trợ của những cố vấn với nhiều kinh nghiệm trong ngành, để sự nhiệt huyết, đam mê, năng động, sáng tạo đó của các bạn đi được đúng hướng và tạo được nhiều giá trị nhất cho xã hội, cũng như cho bản thân mình”, Long bày tỏ.
Phát biểu tại ngày hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Từ góc độ chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo, Ngành sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, phát triển năng lực, rèn luyện các phẩm chất, kỹ năng cho học sinh từ phổ thông tới đại học để học sinh có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp, sẽ tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng cho sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, cùng với các bộ ngành, các doanh nghiệp, thực hiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp, tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: “Tinh thần khởi nghiệp, chủ động tiếp cận với những thay đổi chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra đã trở thành xu thế chung của các quốc gia hiện nay. Trên thế giới đã có những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả về quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với những “không gian startup”, “vườn ươm khởi nghiệp”, các quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên. Ảnh: BTC
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, có số lượng bằng sáng chế bằng hoặc cao hơn kỳ vọng trước đây.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược. Mặc dù vậy, các nước đi sau vẫn có thể rút ngắn được quá trình này nếu học hỏi và áp dụng được kinh nghiệm của các nước đi trước. Muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo, giáo dục đổi mới sáng tạo, con người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với rủi ro vì lợi ích chung”.
Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia
Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV_STARTUP) được tổ chức trong 2 ngày 26, 27/3 tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2 Vĩnh Phúc). Ngày hội này do Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCSHCM, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải và Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova tổ chức.
Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm với với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.
Học sinh tham gia ngày hội khởi nghiệp. Ảnh: Tào Nga
Các hoạt động chính tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của Học sinh, sinh viên lần thứ IV gồm: Chương trình Khai mạc; Phiên Đối thoại chính sách “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên – vai trò của Nhà trường, Doanh nghiệp, Quỹ đầu tư và Địa phương”; Diễn đàn “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và Tiềm năng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên theo nhóm ngành”; Chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV (SV_STARTUP) và Chương trình trao giải và bế mạc.
Điểm nhấn của sự kiện là Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV_STARTUP) được tổ chức trên quy mô toàn quốc với 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường THCS, THPT tham gia. Cuộc thi dành cho HSSV có đội tuổi từ 12-24 tuổi, được phát động từ tháng 4/2021 và đã nhận được gần 400 dự án. Các dự án được đánh giá chất lượng, đa dạng, tập trung vào nhiều lĩnh vực. 70 dự án xuất sắc nhất được lọt vào Vòng Bình chọn và vòng Chung kết của Cuộc thi.
Đặc biệt, năm 2021, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo đã tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp cấp trường hoặc cấp tỉnh để lựa chọn ra các dự án xuất sắc nhất tham dự vòng toàn quốc. Trong đó, có 2 dự án xuất sắc đến từ học sinh THCS. Nhiều dự án đã được triển khai và bước đầu thành công, một số dự án đã chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng. Cuộc thi mang lại cơ hội lớn để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng những kiến thức thực tế từ Hội đồng giám khảo là các doanh nhân đến từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư có khả năng đầu tư.
THEO TÀO NGA
(Báo Dân Việt)