Chỉ còn 5 ngày nữa là kết thúc năm 2020 – một năm đầy biến đông với sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong một năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng chứng kiến nhiều biến động, vui có buồn có. Hãy cùng điểm lại những dấu ấn của năm 2020.

Khởi nghiệp là một con đường hấp dẫn nhưng đầy khó khăn, thử thách. Theo thống kê thì hơn 95% startup thất bại trong 3 năm đầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của startup: mô hình kinh doanh không phù hợp, sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thị trường, tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo, thiếu vốn…. Những startup đã sống sót qua 3 năm cũng không đảm bảo sẽ phát triển mạnh mẽ khi cơn bão ập đến như kì lân Airbnb đã bị Covid-19 thổi bay nỗ lực 12 năm chỉ trong 6 tháng. Thế nhưng, có những thuyền trưởng đã chứng tỏ khả năng xoay chuyển tình thế, đưa tàu tránh bão an toàn để chờ giong buồm ra khơi khi trời yên bể lặng, hay có những startup phát triển thần kì nhờ đại dịch như các ngành chăm sóc sức khỏe từ xa, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, giải trí trực tuyến, giao thực phẩm… Có người đến, có người đi và có người ở lại. Những nhân sự cấp cao của các startup cũng có một năm vất vả và trăng trầm.

Những startup biến mất.

Một trong những vụ biến mất đình đám nhất là startup Wefit. Được xem là “Uber của ngành thể hình”, WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng. WeFit đã kết nối với hơn 600 phòng tập và cung cấp hơn 5.000 lịch tập luyện mỗi ngày.

Sự sụp đổ của Wefit để lại nhiều tiếc nuối

WeFit cũng từng nhận được khoản đầu tư 155.000 USD trong vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm ESP Capital. Đầu năm 2019, WeFit công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital. Tháng 7/2019, vốn đăng ký của Onaclover tăng từ 1,66 tỷ đồng tăng lên 27,7 tỷ đồng. Trong đó, hơn 26 tỷ đồng là vốn đầu tư nước ngoài từ WeLife Holding PTE.LTD của Singapore, chiếm 94% cổ phần.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, Startup về Fitness và Beauty này vướng các scandal nợ tiền đối tác phòng tập, spa và hàng loạt khách hàng tố lừa đảo, đòi hoàn tiền. Đầu tháng 2/2020, Khôi Nguyễn rút khỏi ghế CEO, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hải Đăng lên thay. Wefit đổi tên thành WeWow nhưng cũng không tránh khỏi cái kết là phá sản.

Trả lời về nguyên nhân phá sản trong thư gửi khách hàng, Wefit đã viết: “Chúng tôi thừa nhận đã mắc nhiều sai sót trong việc cấu trúc gói sản phẩm và giám sát vận hành, khiến những khó khăn về dòng tiền gây ra nhiều bất tiện cho Khách hàng và Đối tác”.

Một startup khác cũng nhận được vốn đầu tư lên đến triệu USD nhưng phải đống cửa là Waves. Được thành lập vào năm 2019 bởi Kevin Gao và Ben Minh Le, Waves hướng tới mục tiêu trở thành nền tảng hàng đầu ở Đông Nam Á dành cho những người sáng tạo nội dung âm thanh và podcast muốn làm các chương trình gốc.

Hai đồng sáng lập của startup Waves

Hồi tháng 2, startup này đã thông báo họ đã huy động được 1,2 triệu đô la trong vòng tài trợ hạt giống do Insignia Ventures Partners của Singapore, cùng với Hustle Fund và Skystar Capital dẫn đầu.

Vào thời điểm thông báo huy động vốn, Waves cho biết họ có hơn 30 chương trình ban đầu và 50 chương trình được tạo với các đối tác trên nền tảng này. Công ty cũng chạy FanFam, một nền tảng công nghệ được thiết kế để kết nối thần tượng và người hâm mộ.

Đến tháng 10, Kevin Gao đã thông báo startup ngừng hoạt động và trả lại tiền cho nhà đầu tư vì “lý do cá nhân” và từ chối giải thích chi tiết về kế hoạch xoay trục của Waves hoặc lực kéo của công ty trước khi đóng cửa.

Đó là hai startup khá đình đám bắt buộc phải “bỏ cuộc chơi”. Còn rất nhiều startup xuất hiện lặng lẽ và ra đi không một lời chào. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hoài Nam, nhà đầu tư và founder của UpGen cho rằng, việc một startup thất bại và đóng cửa là rất bình thường. Họ dũng cảm để tạo ra cuộc chơi mới, họ hay để rủ được team, họ giỏi để gọi được vốn… Thành hay bại không liên quan đến giỏi hay kém mà là họ có hội tụ các yếu tố cần và đủ hay không. Và may mắn cũng là một yếu tố tối quan trọng.

Những startup may mắn được lợi từ đại dịch

Trong khi hầu hết các startup bị hạn chế do lệnh giãn cách xã hội của chính phủ thì một số startup lại may mắn được lợi từ đại dịch khi thói quen của người tiêu dùng chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Nhờ biết tận dụng thời cơ, các startup này đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc và gọi vốn khủng giữa đại dịch như: Siêu Việt Group, Propzy, BetaMedia, OnPoint, TopDev, Edoctor, BuyMed, F88, Jupviec, JonHopin, Go2Joy, Wee Digital…

Beta Media gọi vốn thành công 8 triệu USD từ Quỹ đầu tư Nhật Bản – Daiwa PI Partners bất chấp đại dịch

Tháng 2 năm nay, Affirma Capital công bố đầu tư 34 triệu USD (khoảng 790 tỷ đồng) vào Công ty Nhân sự Siêu Việt (Siêu Việt Group) – đơn vị sở hữu TimViecNhanh, Vieclam24h, MyWork và ViecTotNhat. Công ty cho biết sẽ dùng khoản đầu tư này để mở rộng thị phần cũng như triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng.

Cũng trong tháng 2, Go2Joy – startup đặt phòng ngắn hạn theo giờ, qua đêm, ngắn ngày đã gọi vốn thành công trong vòng Series A với giá trị 2,5 triệu USD từ STIC Ventures và nhiều nhà đầu tư khác. Tháng 3/2020, nền tảng kết nối người có nhu cầu tìm việc với hộ gia đình Jupviec cũng đón nhận tin vui STI đầu tư hàng triệu USD.

Cuối tháng 4/2020, OnPoint – nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử Việt Nam công bố gọi vốn thành công 8 triệu USD trong vòng Series A từ một số nhà đầu tư, trong đó dẫn đầu là Quỹ đầu tư Kiwoom của Hàn Quốc và Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II.

Startup fintech Wee Digital nhận đầu tư từ công ty đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc InterVest

Một trường hợp khác là Propzy – startup trong lĩnh vực proptech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) tại Việt Nam – cũng gọi vốn thành công 25 triệu USD trong vòng Series A từ Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia – quỹ chuyên đầu tư vào startup châu Á giai đoạn đầu của tập đoàn Nhật Bản SoftBank. Các nhà đầu tư khác bao gồm Next Billion Ventures, RHL Ventures, Breeze, FEBE Ventures, RSquare và Insignia.

Trong lĩnh vực y tế, BuyMed – một startup B2B về phân phối dược phẩm trực tuyến (thuocsi.vn) cũng nhận được khoản đầu tư trị giá 2,5 triệu USD trong vòng tiền Series A để mở rộng thị trường ra các nước Đông Nam Á. Dẫn đầu vòng gọi vốn này là chương trình tăng tốc khởi nghiệp Surge của Sequoia Capital Ấn Độ và Genesia Ventures.

Covid-19 không chỉ là “lửa thử vàng” mà theo các chuyên gia nhận định đại dịch đã thay đổi thế giới. Chỉ với vài tháng, những thay đổi thần kì đã diễn ra và có thể là mãi mãi. Thói quen tiêu dùng từ trực tiếp đã đổi dần sang trực tuyến, những công ty đã dần thích ứng với việc làm việc từ xa, con người cũng thay đổi quan điểm về chăm sóc sức khỏe, mua sắm hay ăn uống. Và những startup biết nắm bắt cơ hội, tận dụng được sự thay đổi sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Sự ra đi của những người sáng lập

Đối với người sáng lập thì startup giống như một đứa con tinh thần của họ. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, một số đồng sáng lập cũng phải ngậm ngùi chia tay đứa con của mình.

Nguyễn Hoàng Hải, đồng sáng lập Canavi

Nguyễn Hoàng Hải từng là 1 trong 3 CEO startup Việt được tạp chí Forbes vinh danh trong Top những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á. Anh khởi nghiệp với công ty sản xuất video quảng cáo VIVI Digital và sau đó là sáng lập nền tảng tuyển dụng Canavi. Startup này cũng từng gọi vốn thành công từ ESP Capital và Hustle Fund. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của Canavi bị ảnh hưởng nặng nề và doanh thu đã giảm 40%. Đầu tháng 7 vừa qua, Canavi cũng bổ nhiệm một Co-founder khác đảm nhận vị trí CEO. Nguyễn Hoàng Hải chuyển sang đảm nhiệm vị trị tài chính và làm việc với các nhà đầu tư ở công ty (CIO – Chief Investor-Relation Officer).

Phan Nhật Minh, đồng sáng lập Rever

Tháng 11, Phan Nhật Minh – co-founder kiêm CFO cũng thông báo về việc rời bỏ Rever. Rever là nền tảng mua bán bất động sản ứng dụng công nghệ giúp quá trình mua bán được dễ dàng và minh bạch hơn. Startup này hiện có khoảng 400 nhân viên môi giới và thực hiện gần 2.000 giao dịch trong năm nay. Startup đã gọi vốn thành công 4 triệu USD từ VinaCapital và 2,3 triệu USD từ Quỹ liên doanh quốc tế GEC-KIP, các khoản đầu tư khác đến từ các nhà đầu tư thiên thần như ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập và chủ tịch VNG hay ông Phan Minh Tâm – nhà sáng lập và chủ tịch Tập đoàn 24h trong giai đoạn đầu.

Những trường hợp như Nguyễn Hoàng Hải, Phan Nhật Minh hay trước đó là Đào Chi Anh (founder của The Kafe), Lương Duy Hoài (co-founder và CEO của Giao hàng nhanh) cũng cho thấy sự khốc liệt của thị trường khởi nghiệp Việt Nam tỉ lệ thuận với số vốn đầu tư đổ vào càng nhiều.

Mặc dù đại dịch bùng phát nhưng tin vui là nguồn vốn đổ vào các startup Đông Nam Á vẫn tăng. Theo dữ liệu của DealstreetAsia thì trong quý II/2020, giá trị các giao dịch huy động vốn trong khu vực Đông Nam Á tăng 91%, đạt 2,7 tỷ USD, trong khi đó số lượng giao dịch tăng 59% lên 184 so với cùng kỳ năm 2019. Dù là may mắn nhận vốn hay ngậm ngùi đóng cửa, hành trình của các startup vẫn tiếp tục bởi ước mơ khởi nghiệp chưa bao giờ dừng lại.

Thế giới đã thay đổi và các startup cũng phải thay đổi để thích nghi và tiến lên. Và chỉ bằng công nghệ vượt trội, chiến lược kinh doanh phù hợp với nỗ lực, lòng quyết tâm của các founder, startup mới có thể phát triển mạnh mẽ thành kỳ lân.

Tú Oanh