Hệ sinh thái khởi nghiệp: Cần những startup accelerator
Startup accelerator (khởi nghiệp tăng tốc) là một trong những hình thái quan trọng của mô hình khởi nghiệp. Chị Linh Lê – Founder của Seed Planter đã có những chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển về chủ đề này.
Hai mô hình Incubator (vườn ươm khởi nghiệp) và accelerator (khởi nghiệp tăng tốc) khác nhau như thế nào thưa chị?
Về thời gian, incubator kéo dài lâu hơn, thường từ 1 năm trở lên, trong khi accelerator kéo dài 3–6 tháng. Về cấu trúc chương trình, accelerator thường có một thời gian biểu được định trước, ví dụ 10 startup được tuyển chọn, cùng tham gia vào một chương trình kéo dài trong 3 tháng, cùng bắt đầu chương trình vào một ngày nhất định với các workshop hằng tuần và kết thúc chương trình vào Demo day. Trong đó, họ thuyết trình giới thiệu về dự án của mình trước các nhà đầu tư và người tham dự.
Trong khi đó, incubator có thời gian biểu khá linh hoạt, các công ty hoặc ý tưởng có thể được chọn tham gia vào vườn ươm vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Incubator (lồng ấp) tập trung vào việc ươm tạo ý tưởng hoặc công ty, trong khi accelerator thì giúp tăng tốc cho các công ty vừa mới chào đời.
Vậy khởi nghiệp tăng tốc có vai trò như thế nào trong hệ sinh thái khởi nghiệp?
Có thể thấy accelerator là một trong những nhân tố thiết yếu trong bước đầu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp mang đến sự hỗ trợ, nguồn tài chính và nâng cao các giá trị văn hóa giúp các startup tiếp cận với thị trường.
Ở một hệ sinh thái còn khá trẻ như hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động xã hội ở Việt Nam, accelerator giúp tiếp thêm can đảm cho những người muốn trở thành entrepreneurs (khởi nghiệp) nhưng còn thiếu kiến thức và network (mạng lưới), cung cấp cho họ những framework (khung làm việc) có sẵn và những người cố vấn dày dạn kinh nghiệm để họ có rõ định hướng khi vẫn còn loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu. Nhiều accelerator cũng thường cung cấp cả các chương trình đào tạo cho startup để nâng cao nguồn vốn con người (Human Capital).
Gọi vốn từ nhà đầu tư không “dễ” như nhiều người nghĩ và accelerator có thể giúp gì cho startup trong giai đoạn này?
Có một câu mà tôi rất tâm đắc “Venture capital is an accelerant, not a fuel source”, hiểu nôm na là “Vốn đầu tư mạo hiểm là yếu tố tạo gia tốc, là chất bôi trơn chứ không phải là nguồn nhiên liệu.”
Accelerator có thể được coi là nơi “tiếp nhiên liệu” ngay từ bước đầu để một startup cất cánh. Nhiên liệu có thể bao gồm kiến thức, kĩ năng, mối quan hệ với đối tác, cố vấn, một số vốn nhỏ, cơ hội xuất hiện trước công chúng trong các sự kiện…
Theo chị, tham gia accelerator các startup nhận được những lợi ích nào?
Nhiều startup tham gia cùng một accelerator có thể nhận được những giá trị khác nhau.
Jiovio, startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thai sản cho phụ nữ nghèo ở vùng sâu vùng xa của Ấn Độ mà tôi có dịp nói chuyện đã có những chuyển biến vượt bậc sau 3 tháng tham gia accelerator.
Trước khi tham gia, Jiovio chỉ có một prototype vô cùng sơ khởi với mô hình kinh doanh đơn giản. Trải qua 3 tháng ở accelerator, họ có được sản phẩm hoàn chỉnh, mô hình kinh doanh hoàn thiện, tìm được nhà cung cấp, có nhiều đối tác.
Lịch làm việc trong chương trình và cố vấn từ mentor giúp họ nhận ra họ chưa hiểu khách hàng như họ tưởng. Cuối cùng họ thay đổi hoàn toàn đối tượng khách hàng mục tiêu từ phụ nữ có thu nhập cao ở thành thị sang phụ nữ vùng nông thôn hẻo lánh, vì đó mới là nơi có nhu cầu thực sự.
Tuy nhiên, cũng có những startup không nhận được nhiều giá trị khi tham gia accelerator, họ cảm thấy bị mất tập trung vì phải theo học những thứ mà họ chưa cần tới hay bỏ hàng đống thời gian làm pitch deck (bản mô tả ngắn gọn), luyện tập để tham gia Demo Day khi mà sản phẩm họ chưa thực sự sẵn sàng.
Việc lựa chọn đúng startup, đúng trainer (huấn luyện viên), phân bổ số lượng workshop hợp lý và tìm đúng partner là việc hết sức quan trọng quyết định chất lượng của accelerator.
Chị đánh giá thế nào về accelerator ở Việt Nam và với Seed Planter của chị sẽ hỗ trợ gì cho các startup trong quá trình khởi nghiệp?
Hiện tại số lượng accelerator ở Việt Nam còn khá ít, tầm khoảng dưới 10 accelerator. So với con số 2400 incubator, accelerator ở Trung Quốc, 2500 ở Mỹ, hay 200 ở Israel (8 triệu dân) thì còn khá khiêm tốn, dù chia trên bình quân dân số. Ở Việt Nam có một số cái tên nổi bật như VIISA, Founder Institute, Vietnam Sillicon Valley… đang tập trung hỗ trợ các startup công nghệ.
Mỗi accelerator có một thế mạnh riêng về network rộng hay nguồn tiền đầu tư từ các quỹ. Riêng về mảng social impact startup (startup tạo tác động xã hội) hiện chưa có accelerator nào chuyên biệt và hoạt động định kỳ, chỉ có những chương trình đào tạo ngắn hạn và chương trình incubator của Lotus Impact.
Hiện tại, Seed Planter có nhiều chương trình tiếp nối, giúp vạch ra một lộ trình cho các bạn trẻ mong muốn tạo tác động xã hội bằng con đường khởi nghiệp kinh doanh nhưng còn loay hoay chưa tìm được hướng đi.
Vào năm 2019, Seed Planter sẽ ra mắt chương trình accelerator dành riêng cho các social impact startup, những startup có mô hình kinh doanh bền vững, tạo được doanh thu, đồng thời giải quyết những vấn đề xã hội tồn tại ở Việt Nam.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!
Ngọc Vũ – Khoa học phát triển