Vốn và con người được xem là những nguồn lực quan trọng nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng việc tiếp cận và phát huy hai yếu tố này vẫn còn là khó khăn lớn với đa số startup ở Việt Nam.

Khó tiếp cận vốn do vướng chính sách

Một trong những khó khăn hàng đầu đối với khởi nghiệp là tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động cũng như phát triển trong khi rất nhiều người khởi nghiệp còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận vay vốn từ ngân hàng cũng như kêu gọi các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ tài chính.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), có đến 29% doanh nghiệp khởi nghiệp được một thời gian thì không còn khả năng xoay vòng vốn nên tỷ lệ thất bại càng cao.

Ông Hoàng Công Đoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sông Thao kiêm Chủ tịch CLB Khởi nghiệp Việt Nam cũng nhìn nhận, trong quá trình hỗ trợ khởi nghiệp, vốn là yếu tố nan giải. Ông Đoàn khẳng định, để kêu gọi vốn không phải khó, nhưng để hình thành và vận hành quỹ lại vô cùng khó khăn.

“Chính phủ và các bộ ban ngành cùng các doanh nghiệp đã làm tốt phong trào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và bây giờ nên đi vào chất lượng bởi chưa có chính sách rõ ràng với các doanh nghiệp đang đầu tư cho khởi nghiệp”, ông Đoàn nhận định tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ 4 với chủ đề Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

Theo Chủ tịch CLB Khởi nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư gặp nhiều trở ngại khi muốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp bởi đa phần mới chỉ hình thành trên ý tưởng. Ông Đoàn đề xuất, phải làm sao để có nguồn vốn thật sự cho những ý tưởng tốt từ ban đầu, từ đó hỗ trợ phát triển thêm trong những giai đoạn sau.

Ông Đoàn cho biết, hiện tại ngoài Vietinbank, chưa có ngân hàng nào có sự hỗ trợ thực sự cho các dự án khởi nghiệp, vướng mắc cũng từ chính sách.

Bởi vậy, để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, luật sư Đoàn Thu Nga, Chủ tịch Công ty TNHH Lawpro cho rằng, cần có khung pháp lý để định giá các ý tưởng khởi nghiệp. Bà Nga đánh giá, Việt Nam đang hỗ trợ vòng ngoài là nhiều chứ chưa hỗ trợ trực tiếp cho những người khởi nghiệp. Kinh nghiệm các nước cho thấy, nên tập trung hỗ trợ cải cách để hỗ trợ chi phí và ngân sách nhưng cái quan trọng nhất vẫn là cơ chế.

Những chính sách, nghị định mới ban hành gần đây như Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hay Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều luật của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên bà Nga nhìn nhận, vẫn có một số nội dung khó khả thi để cộng đồng doanh nghiệp thực hiện.

Chẳng hạn trong câu chuyện gọi vốn, các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn mong muốn có quy định để gọi vốn được tốt nhất nhưng câu chuyện gọi vốn hay quỹ đầu tư mạo hiểm thì lại chưa thật sự rõ ràng.

Nói về yếu tố quỹ đầu tư mạo hiểm, bà Nga cho biết, có những nhà đầu tư cùng nhau tìm đến Singapore có nền kinh tế phát triển để lập công ty, cùng kinh doanh và đem nguồn vốn trở về mua lại doanh nghiệp tại Việt Nam. Luật sự này cho rằng đây là một điều đáng tiếc vì thương hiệu sẽ không thuần là doanh nghiệp Việt Nam.

“Quy định về yếu tố lập quỹ cho phép các nhà đầu tư hùn vốn để lập quỹ mạo hiểm nhưng không cho thành lập pháp nhân mà họ phải tự thoả thuận một đại diện mang tiền đi để đầu tư. Điều này rất khó khả thi do bị phụ thuộc vào yếu tố con người và lòng tin. Quy định này có thể nói là chết từ trong trứng nước”, bà Nga nhìn nhận.

Bên cạnh đó, có một số quỹ đầu tư hỗ trợ vốn đang bị quy về một hướng là đổi mới sáng tạo. Do đó, bà Nga cho rằng, các chính sách pháp lý cần phải rõ nét hơn.

Trong khi đó, ông Trần Trí Dũng, chuyên gia đánh giá kết quả và hỗ trợ hoạt động cố vấn khởi nghiệp tại Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ nhìn nhận, Việt Nam có nhiều bộ luật, có nhiều thể chế pháp lý nhưng phần lớn những người khởi nghiệp không dành nhiều thời gian tư duy pháp lý và tìm hiểu cơ chế chính sách khi khởi nghiệp.

“Con người quan trọng hơn ý tưởng”

TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK Holdings đánh giá, quan trọng không kém vốn là vấn đề con người. Ở các nước phát triển, tư duy phản biện, tư duy tài chính đã sớm đưa vào giáo dục ngay từ cấp bậc phổ thông, có sự chuẩn bị rất rõ ràng cho vấn đề khởi nghiệp và không mang tính phong trào.

“Khi nghiên cứu các mô hình của những cường quốc khởi nghiệp, họ nói nhiều về tài năng. Trái tim của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là tài năng chứ không phải là startup, con người là yếu tố quan trọng khi công nghệ thay đổi hàng ngày, nhất là với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Dũng đánh giá. Như vậy, một ý tưởng khởi nghiệp có thể được chuyển sang một ý tưởng khác sau một vài năm hoặc khi thất bại nhưng tài năng, con người thì vẫn còn đó.

Theo ông Dũng, nếu tập trung cho tài năng thật sự khi hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ thì các nhà đầu tư sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Các nhà đầu tư tiền không thiếu nhưng Việt Nam hiện vẫn còn thiếu các startup thật sự chất lượng.

“Chính vì vậy, các bạn trẻ nên thực tế với startup, đây không phải cuộc chơi số đông. Hãy tập trung chính sách nguồn lực vào giáo dục và công nghệ. Nên đi từng bước chậm và đi đúng”, lãnh đạo BK Holdings nói và đồng thời cho rằng, cần phải tạo điều kiện để tài sản ý tưởng từ trường đại học có thể biến thành các sản phẩm khởi nghiệp.

Đối với câu chuyện sinh viên khởi nghiệp, TS. Lê Thị Minh Ngọc, Phó trưởng ban hỗ trợ khởi nghiệp (Học viện ngân hàng) cho rằng, khó khăn đầu tiên là ý tưởng và tinh thần khởi nghiệp: “Qua quá trình giảng dạy, chúng tôi đã có chính sách cộng điểm rèn luyện thì các sinh viên mới tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp”.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tú Anh cũng chỉ ra, việc không tìm được những đồng đội cùng chí hướng cũng là một trong những nguyên nhân khiến khởi nghiệp thất bại. Do đó, tìm được những đồng đội có cùng chí hướng là điều vô cùng quan trọng trong việc biến ý tướng khởi nghiệp thành hiện thực.

Quỳnh Chi – The Leader

Nguồn