Green of Life – Tạo ra môi trường trong lành ngay trong lòng đô thị
Là dự án duy nhất ở khu vực phía Nam lọt vào chung kết và đạt giải cuộc thi SV.Startup năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (khối THPT), Green of Life – một gương mặt đến từ tỉnh lẻ, đã xuất sắc vượt qua hàng trăm ý tưởng để chứng minh ý nghĩa thiết thực của mô hình kết hợp đổi mới giáo dục, nâng cao trải nghiệm kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Dù là dự án có vốn đầu tư không quá cao và không đặt trọng tâm quá nặng vào lợi nhuận, “Green of Life” vẫn đủ sức thuyết phục giới kinh doanh và chuyên gia để trở thành đơn vị trường THPT duy nhất ở phía Nam lọt vào Chung kết và được trao giải Khuyến khích.
Dự án khởi đi từ ý tưởng xanh hóa học đường của cô giáo Lê Thị Mai (trường THPT Võ Văn Kiệt – tỉnh Kiên Giang) và nhận được sự hưởng ứng mạnh của nhiều giáo viên lẫn học sinh.
Ban đầu, các thầy cô tự hình thành và dẫn dắt một nhóm khoảng 20 học sinh. Họ lựa chọn những cây thanh lọc không khí độc theo danh sách do NASA công bố, ví dụ như nha đam, dương xỉ, lưỡi hổ, trầu bà…
Công việc của các thầy cô và học sinh sẽ là sắp đặt những set cây, cử người đến khảo sát không gian, ước đoán số lượng và loại cây sao cho cân đối về màu sắc, thẩm mĩ và tính phong thủy, rồi mới tiến hành phân công 2-3 thành viên thực hiện sắp đặt, duy trì chăm sóc, bảo dưỡng theo yêu cầu của đối tác.
Ngoài cây giống và chậu tự dưỡng lấy từ các nhà cung cấp tại TP.HCM và Hà Nội, thành viên của Green of Life phải tự trau dồi và tích lũy rất nhiều kiến thức từ tài liệu và kinh nghiệm khoa học của các chuyên gia sinh cảnh.
Gần hai năm chuẩn bị và mở rộng mô hình, họ đã tiếp cận được những không gian kinh doanh dịch vụ lớn tại thành phố trung tâm và một số đơn vị, trường học. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận bắt đầu đạt vài chục triệu/năm.
“Nguồn thu nhập còn khá khiêm tốn nhưng chúng tôi vẫn trả công cho các em học sinh tham gia, nhằm khuyến khích các em ý thức về giá trị của sức lao động. Ở đây, các thầy cô vẫn đóng vai trò chủ đạo, còn các em học sinh chỉ tham gia trải nghiệm theo thời gian rảnh. Mục tiêu cốt lõi của hoạt động vẫn là đổi mới dạy và học. Do cây tự dưỡng nên không phải lúc nào cũng cần người chăm nom, tần suất chỉ 1 tháng/lần”, thầy Lý Hoàng Luân (giáo viên dạy Sử kiêm người phát ngôn của nhóm) nói.
Trong tương lai, dự án Green of Life sẽ được thúc đẩy theo hướng kinh doanh và trải nghiệm, giúp cho các em học sinh hình thành tư duy và định hướng về khởi sự kinh doanh. Không chỉ dừng lại ở việc thi công và chăm sóc cây, từ dự án cây xanh, Green of Life mong muốn phát triển ý tưởng sang rau sạch, trái cây sạch…
Theo thông tin từ người đại diện của nhóm, đã có doanh nghiệp trao đổi về việc bỏ vốn đầu tư cho dự án. Hiện tại, một số ngân hàng thương mại cũng đặt vấn đề hợp tác đầu tư. Điều này phù hợp với kỳ vọng phát triển dự án lên mô hình công ty mà nhóm đang ấp ủ.
Nói về mục tiêu sắp tới, đại diện của Green of Life cho biết, ngoài việc nâng cao lợi nhuận, nhóm muốn tập trung vào ý nghĩa giáo dục, tác động đến suy nghĩ của khách hàng, giúp họ ý thức hơn về hành động bảo vệ môi trường thông qua nhận thức về giá trị sử dụng của các loại cây.
“Như vậy, không hẳn chỉ dựa vào việc trồng rừng, chúng ta vẫn có những giải pháp kiến tạo môi trường trong lành trong không gian đô thị bằng giải pháp cực kỳ đơn giản”, thầy Luân khẳng định.
Trước khi vượt qua hơn 300 hồ sơ ý tưởng kinh doanh, một dự án nhỏ bé với mục đích xã hội thiết thực như Green of Life đã phải nỗ lực tạo dựng thương hiệu rất nhiều. Để có được công văn khuyến khích sức lan tỏa của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các thầy cô giáo từng là những người tiên phong, chấp nhận bỏ kinh phí cá nhân giúp duy trì dự án.
Phương Danh