Grab, ứng dụng đi chung xe lớn nhất Đông Nam Á, dự định tăng gấp đôi số lượng kỹ sư lên gần 2.000 trong vòng 12 tháng để tăng cường sức mạnh công nghệ giữa thời điểm cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo Vassilakis, Giám đốc Công nghệ Grab, Grab đã đạt tới điểm cần mở rộng quy mô về nhân lực công nghệ nhằm hỗ trợ việc kinh doanh ngày một lớn. Grab thậm chí còn tuyển dụng nhiều hơn vào năm sau.

Tháng trước, công ty đã tiếp cận Mark Porter, lãnh đạo và kỹ sư cơ sở dữ liệu giàu kinh nghiệm từ Amazon.com, để giám sát công nghệ trong lĩnh vực đi chung xe. Theo ông Vassilakis, khi lĩnh vực kinh doanh nòng cốt đã đạt đến mức độ nào đó và các mảng khác cũng phát triển, họ muốn mỗi người phụ trách một mảng lớn.

Startup giá trị nhất Đông Nam Á đang hoạt động tại 8 nước. Trong những năm qua, công ty lấn sân các mảng khác ngoài vận tải, từ giao đồ ăn đến thanh toán điện tử. Grab hướng đến “siêu ứng dụng hàng ngày” sau khi thôn tính hoạt động của Uber Đông Nam Á.

Ông Vassilakis từng là kỹ sư tại Microsoft trước khi gia nhập startup gọi xe năm 2017. Không lâu sau đó, Grab tuyển dụng Vikas Agrawal, cựu Giám đốc kỹ thuật tại công ty thanh toán Paytm của Ấn Độ. Ông Vassilakis đánh giá hai đồng nghiệp Porter và Agrawal cần thiết cho hoạt động mở rộng của Grab vì họ đã có kinh nghiệm.

Grab cần các kỹ sư khi nhóm công nghệ mở rộng sang các lĩnh vực khác, bao gồm giao diện người dùng, bản đồ, trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, hãng có 6 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Singapore, Seattle, Bắc Kinh, Bangalore, Thành phố Hồ Chí Minh và Jakarta.

Để phát triển hệ thống vận tải tốt hơn cũng như nhân tài tương lai, đầu năm nay, Grab hợp tác với Đại học quốc gia Singapore về trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, họ còn có chương trình thực tập sinh với các trường khác, động thái quen thuộc với các hãng trong bối cảnh thiếu hút tài năng kỹ thuật toàn cầu.

Tất cả nỗ lực này đều xuất hiện khi cạnh tranh trong khu vực đang trở nên căng thẳng, khiến cho bất kỳ người chơi nào cũng phải chuyển động nhanh chóng. Go-Jek vừa triển khai dịch vụ tại Việt Nam và sắp tiến vào Thái Lan, Singapore, Philippines. Tại Singapore, Go-Jek bắt đầu nhận đơn đăng ký từ tài xế. Grab và Go-Jek còn đối đầu tại các lĩnh vực khác như thanh toán điện tử, y tế trực tuyến.

Với Grab, “mài sắc” năng lực công nghệ cũng vô cùng cần thiết khi chính phủ các nước giới thiệu nhiều quy định mới. Công ty đang cung cấp dữ liệu giao thông để nhà chức trách địa phương quản lý tốt hơn hệ thống giao thông công cộng.

Grab hi vọng trở thành startup công nghệ đầu tiên tại Đông Nam Á đạt doanh thu hàng năm 1 tỷ USD vào năm nay. Hãng đang được định giá 11 tỷ USD, theo CB Insights.

Du Lam – ICTNews

Bài gốc