Grab nhận là taxi điện tử, xin quy chế quản lý riêng
Grab tự nhận mô hình kinh doanh có nhiều điểm tương đồng với taxi truyền thống nhưng đề xuất được miễn một số quy định đối với loại hình taxi.
Công ty TNHH Grab vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất chi tiết về chính sách đối với hệ sinh thái dịch vụ đặt xe trực tuyến.
Một loại hình của taxi
Theo đó, đối với dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ được kết nối qua dịch vụ đặt xe trực tuyến (mô hình của GrabCar), phía Grab đề xuất phân loại là Dịch vụ kết nối vận tải – một phân ngành mới của Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (quy định tại Mục 2 Chương VI luật Giao thông đường bộ).
Cơ quan quản lý có thể áp dụng thêm những quy định và điều kiện phù hợp, đặc thù đối với các nhà cung cấp Dịch vụ kết nối vận tải, bên cạnh những quy định hiện hành về thương mại điện tử.
Đại diên Grab thừa nhận trong quá trình triển khai thí điểm loại hình xe hợp đồng được kết nối thông qua dịch vụ kết nối vận tải theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, có thể nhận thấy hoạt động của các xe này có những điểm tương đồng với taxi truyền thống (ví dụ cùng cung cấp dịch vụ vận tải theo yêu cầu riêng của hành khách, sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ, cước tính theo quãng đường di chuyển và thời gian chờ).
“Vì vậy, cũng có thể coi phương tiện xe áp dụng hợp đồng điện tử qua dịch vụ kết nối vận tải là một loại hình taxi” – phía Grab khẳng định nhưng cũng nhấn mạnh hai loại hình này có nhiều khác biệt quan trọng về cách thức vận hành, công cụ tính cước và nhận diện xe.
“Do xe taxi có thể đón khách vẫy trên đường, nên cần phải có những tính năng dễ nhận biết như hộp đèn, màu sơn xe và logo đặc trưng. Trong khi đó, phương tiện sử dụng dịch vụ kết nối vận tải là xe đã được giao kết hợp đồng trước khi hành khách lên xe, hành khách cũng đã được thông báo qua ứng dụng các thông tin về xe, người lái xe và cước vận tải.
Do đó, không cần thiết phải có hộp đèn và sơn logo. Đối với loại hình xe này, yêu cầu đồng hồ tính tiền (taxi meter) và niêm yết bảng giá cước cũng không cần thiết, vì thông tin về giá đã hiển thị đầy đủ trên ứng dụng, và tổng giá cước đã được hai bên thống nhất trước chuyến đi” – văn bản nêu rõ.
Từ những phân tích trên, Grab đề xuất bên cạnh những tiêu chuẩn chung về phương tiện để đảm bảo an toàn, cần có những phân biệt trong quy định dành cho hai loại hình: phương tiện taxi được kết nối qua ứng dụng trực tuyến (taxi công nghệ) và phương tiện taxi sử dụng đồng hồ tính tiền taxi meter (taxi truyền thống).
Lắp đèn LED trong xe
Cụ thể, taxi công nghệ sẽ không bị yêu cầu có đồng hồ tính tiền (taxi meter) và niêm yết bảng giá cước; không yêu cầu có sơn logo và hộp đèn taxi gắn cố định trên nóc xe. Thay vào đó, phải lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió.
Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh và có thể tắt đi khi xe không phục vụ; Không được đón khách vãng lai trên đường mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải.
Trước đó, Bộ GTVT vừa tiếp tục trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô để thay thế Nghị định 86.
Theo bản dự thảo lần thứ 7, cơ quan này đề xuất sẽ quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm như Grab, Fast Go, Be… giống với taxi truyền thống và cho rằng việc lựa chọn phương án trên nhằm hướng đến công bằng, bình đẳng hơn trong điều kiện kinh doanh vận tải.
Ngoài đề xuất phương án quản lý taxi công nghệ, cơ quan này cũng muốn nới lỏng nhiều quy định cho taxi truyền thống như doanh nghiệp taxi sẽ không cần đăng ký màu sơn với cơ quan chức năng, không quy định về đồng phục lái xe, về quy mô đơn vị kinh doanh vận tải (trước quy định tối thiểu 50 xe), bỏ quy hoạch số lượng xe theo địa phương mà để thị trường tự quyết định, không bắt buộc các doanh nghiệp phải có trung tâm điều hành…
Theo Hà Mai – Báo Thanh niên