Giới khởi nghiệp toàn cầu thấm đòn COVID-19: Gần 63.000 người mất việc, nền kinh tế chia sẻ dẫn đầu làn sóng sa thải
Theo Layoffs.fyi – một trang web chuyên tổng hợp những thông tin cắt giảm nhân sự của các công ty trên thế giới, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, 62.793 nhân viên tại các startup đã mất việc.
Những công ty cắt giảm quy mô lớn có thể kể đến như Uber, Airbnb hay dịch vụ giao đồ ăn Swiggy của Ấn Độ. Dịch COVID-19 không chỉ gây nên một cuộc khủng hoảng về sức khỏe – y tế mà đồng thời cũng tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng không kém. Kéo theo đó là làn sóng cắt giảm nhân sự, đặc biệt với giới khởi nghiệp do chưa có nhiều kinh nghiệm và nền tảng tài chính vững chắc.
Theo Layoffs.fyi – một trang web chuyên tổng hợp những thông tin cắt giảm nhân sự của các công ty trên thế giới, tính từ ngày 11/3 thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng trên toàn cầu, đã có 481 công ty khởi nghiệp cắt giảm nhân sự, với số lượng lên tới 62.793 việc làm.
Đáng nói, dẫn đầu làn sóng suy giảm này chính là các startup đại diện cho nền kinh tế chia sẻ – vốn được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng và tung hô trước đó như Uber, Airbnb, Ola,…
1. Uber
Hiện Uber là startup cắt giảm nhiều việc làm nhất. Ngày 6/5, Uber tuyên bố đợt sai thải đầu tiên, với 3.700 nhân viên, tương đương 14% quy mô nhân sự, tập trung vào nhóm tuyển dụng và hỗ trợ khách hàng.
Sau đó chưa đầy 2 tuần, công ty khởi nghiệp từng tạo tiếng vang với đợt IPO lịch sử này tiếp tục sa thải thêm 3.000 nhân viên nữa. Ngoài ra, Jump – một công ty con của Uber cũng được cho là đã cho khoảng 400 – 500 nhân viên nghỉ việc. Trong đó, riêng Uber Ấn Độ đã sa thải 600 người.
Như vậy, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Uber đã cắt giảm khoảng 7.000 nhân sự trên toàn cầu. Tuy nhiên, một điều an ủi với những nhân viên ở đây đó là họ sẽ được nhận tối thiểu 10 tuần lương (nhiều hơn tùy thâm niên), quyền lợi về sức khỏe được duy trì tới hết năm 2020, chi trả cổ phiếu cho những nhân viên được nhận thưởng khi mới tuyển dụng tùy từng trường hợp.
2. Groupon
Groupon được thành lập từ năm 2008 tại Mỹ, hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để cung cấp cung cấp dịch vụ mua chung cùng những ưu đãi giảm giá sâu lên đến 50-70% cho khách hàng. Mô hình sáng tạo này sớm thành công và khơi dậy trào lưu mua theo nhóm trên toàn thế giới. Nhiều nền tảng được tương tự đã được phát triển sau đó, có thể kể đến như Daily Deal của Đức, Snippa của Anh, liba.com, taobaotuangou.cn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, giữa tháng 4, công ty này đã phải tuyên bố cắt giảm 44% đội ngũ của mình, tương đương 2.800 nhân viên. Nguyên nhân được cho là dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương mà Groupon hợp tác phải đóng cửa, chặn đứng nguồn cung của nền tảng này.
3. Airbnb
Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng không ai mong muốn này lại là một cái tên đình đám khác trong giới startup cũng như trong nền kinh tế chia sẻ – Airbnb. Du lịch quốc tế bị đóng băng hay những đợt giãn cách xã hội chính là đòn giáng mạnh vào startup vốn vẫn gánh lỗ hàng trăm triệu USD này.
Ngày 5/5, startup chia sẻ nhà đã sa thải 1.900 nhân viên, tương đương 25% đội ngũ của mình. Cùng với đó, công ty cũng buộc phải dừng triển khai các sáng kiến như Transportation, Airbnb Studios hay dự định lấn sân sang lĩnh vực khách sạn của mình.
4. Agoda
Một đại diện khác của ngành du lịch, Agoda – trang web đặt phòng khách sạn có tiếng của châu Á cũng không thoát khỏi làn sóng sa thải nhân viên. Công ty này đã cắt giảm 1.500 nhân sự tại 30 quốc gia, tương đương 1/4 quy mô công ty.
Vị CEO cho biết hầu hết việc cắt giảm tập trung vào bộ phận chăm sóc, trải nghiệm khách hàng nhưng đồng thời thừa nhận các bộ phận khác như IT, marketing, dịch vụ đối tác cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Dù đã được kiểm soát tương đối tốt tại châu Á nhưng công ty này nhận định, tác động của dịch COVID-19 với ngành du lịch sẽ còn sâu sắc và kéo dài.
5. Ola
Ola là một startup gọi xe của Ấn Độ. Bhavish Aggarwal, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Ola cho biết doanh thu của công ty đã giảm 95% trong hai tháng qua khi Ấn Độ thi hành lệnh ở nhà cho 1,3 tỷ công dân của mình vào cuối tháng 3.
Đến 20/5, Ola tuyên bố cắt giảm 1.400 việc làm ở Ấn Độ, tương đương 35% lực lượng lao động tại thị trường quê nhà. Công ty cho biết các nhân viên bị sa thải sẽ vẫn nhận được 3 tháng lương, bảo hiểm cho đến cuối năm.
6. Stitch Fix
Ngày đầu tiên của tháng 6, Stitch Fix tuyên bố kế hoạch sa thải 1.400 nhà tạo mẫu của họ ở California, từ nay đến tháng 9.
Stitch Fix ra đời vào năm 2011, cung cấp dịch vụ mua sắm bằng việc sử dụng thuật toán và gợi ý từ các chuyên gia thời trang để tạo ra các nhóm quần áo, phụ kiện phù hợp với phong cách, vóc dáng và sở thích của khách hàng. Người sáng lập, bà Katrina Lake cũng lọt top những nữ doanh nhân tự thân giàu nhất tại Mỹ.
Tuy nhiên, vào tháng 3, Stitch Fix đã phải đóng cửa hai trung tâm phân phối của mình, một ở California và một ở Pennsylvania. Đến tháng 4, công ty rút lại kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2020 do lo sợ sự không chắc chắn của đại dịch.
Công ty này cũng cho biết có kế hoạch thuê các nhà tạo mẫu từ Austin, Texas hoặc Minneapolis, nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn.
7. Toast
Công ty cung cấp phần mềm quản lý cho các nhà hàng – Toast, đã sa thải một nửa số nhân viên của mình vào 7/4 vừa qua, tức 1.300 người. Việc doanh số của các nhà hàng tại Mỹ giảm tới 80% đã Toast mất “chiếc cần câu cơm” của mình.
8. Stone
Stone là một công ty cung cấp hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ hoạt động thanh toán thẻ tại Brazil. Sự bùng phát của COVID-19 đã gây tổn tại nặng nề đến doanh số bán lẻ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, khiến giá cổ phiếu của Stone trên sàn Nasdaq giảm gần 12%.
Khoảng giữa tháng 5, công ty này tuyên bố cắt giảm 1.300 nhân sự, tương đương 20% đội ngũ của mình nhằm giữ cho doanh nghiệp tiếp tục chống cự qua khủng hoảng.
9. Swiggy
Một cái tên đình đám khác trong giới startup tại Ấn Độ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19 và lệnh giãn cách xã hội. Ứng dụng giao đồ ăn Swiggy của nước này đã phải tuyên bố sa thải 1.100 nhân viên, trải dài ở các cấp bậc do tình hình kinh doanh suy giảm nghiêm trọng. Động thái diễn ra trong bối cảnh startup giao đồ ăn này vừa nhận được 153 triệu USD từ các nhà đầu tư hồi tháng 2 vừa qua.
Công ty này cho biết sẽ giảm quy mô hoặc đóng cửa các công ty con không chủ chốt cũng như có khả năng chịu nhiều biến động trong 18 tháng tới.
Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Sriharsha Majety chia sẻ: “Lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là Cloud Kitchen. Kể từ khi COVID-19 bắt đầu, chúng tôi đã bắt đầu quá trình đóng cửa các thiết bị nhà bếp của mình tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào triển vọng và khả năng sinh lời tại mỗi địa điểm.”
Trước đó không lâu, đối thủ của Swiggy là Zomato cũng tuyên bố cắt giảm gần 13% nhân sự, tức 600 nhân viên, đi kèm cắt giảm lương của những người còn ở lại.
10. Yelp
Trang web đánh giá doanh nghiệp địa phương Yelp mới đây đã trở thành một trong những công ty công nghệ nổi tiếng nhất tuyên bố sa thải quy mô lớn như một biện pháp cắt giảm chi phí.
Theo kế hoạch được công bố, 1.000 nhân viên sẽ bị cho thôi việc. Ngoài ra, 1.100 nhân viên khác sẽ nằm trong diện xem xét nghỉ phép không lương cho đến khi công ty có thông báo mới.
Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành – Jeremy Stoppelman cho biết: “Các biện pháp giãn cách xã hội đã giáng một đòn mạnh lên doanh nghiệp địa phương – những đối tác cốt lõi của chúng tôi. Tỷ lệ quan tâm đến các nhà hàng – hạng mục phổ biến nhất của chúng tôi đã giảm 64% kể từ 10/3, phòng tập thể dục giảm 73%, các thẩm mỹ viện và các doanh nghiệp trong ngành làm đẹp khác giảm 83%.”