Nhà sáng lập, CEO nền tảng Telio tiết lộ sau 2 năm phát triển, hiện 20% tiệm tạp hóa ở Hà Nội và Hồ Chí Minh đang mua hàng tại Telio. Startup phấn đấu đến năm 2021, con số này sẽ tăng lên 50%.

Tạp hoá truyền thống từ lâu đã là kênh mua hàng quen thuộc của người Việt. Bất chấp sự xuất hiện của nhiêu mô hình mới như siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi, các tiệm tạp hoá truyền thống vẫn được nhiều khách hàng ưu ái nhờ tính gần gũi, bình dân và mức giá “dễ chịu”.

Với ý tưởng giúp các tiệm tạp hoá truyền thống tối ưu hoá hoạt động kinh doanh, năm 2019, nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong cùng cộng sự cho ra đời startup B2B với tên gọi Telio.

Hiểu đơn giản, Telio là đơn vị trung gian, đứng giữa hãng sản xuất và cửa hàng tạp hoá truyền thống. Nếu trước đây, hàng từ phía đơn vị sản xuất phải đi qua nhiều kênh như nhà phân phối, đại lý… rồi mới xuống được các cửa tiệm tạp hoá thì nay, hàng được chuyển thẳng về kho của Telio, sau đó Telio trực tiếp chuyển tới các cửa tiệm.

CEO Bùi Sỹ Phong phân tích với mô hình này, startup của anh sẽ giúp các tiệm tạp hoá truyền thống giải quyết 3 vấn đề cốt lõi:

Thứ nhất, họ có quá nhiều đầu mối để nhập hàng.

Ví dụ ở thị trường Hà Nội, trước đây khi muốn nhập hàng, một tiệm tạp hoá sẽ phải gọi từng đầu mối khác nhau như nhập Coca-cola từ 1 đầu mối, nhập mì tôm từ 1 đầu mối, kem đánh răng từ 1 đầu mối khác… Trong khi đó Telio là một nền tảng tập trung, có gần như tất cả các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên hệ thống nên sẽ tiện lợi cho phía cửa hàng hơn nhiều.

Thứ hai, thị trường truyền thống có nhiều nhà cung cấp nên giá cả không minh bạch và không cạnh tranh. 

Thông qua đơn vị trung gian là Telio, nhiều tiệm tạp hoá cùng tập trung lại, nhu cầu lớn nên mức giá hàng hoá sẽ cạnh tranh hơn. Đặc biệt thông tin về giá được công khai trên tất cả nền tảng từ website, ứng dụng cho đến cửa hàng trên Zalo, từ đó khách hàng dễ lựa chọn và so sánh.

Cuối cùng là khâu giao hàng.

Thông thường, các tiệm tạp hoá sẽ đợi khá lâu để nhận hàng từ đầu mối, đồng nghĩa họ sẽ phải dự trữ nhiều hàng hơn và vốn lưu động đọng lại trong cửa hàng. Với Telio, hàng hoá được giao trong ngày, chậm nhất là sang ngày hôm sau. Các cửa hàng không cần dự trữ nhiều hàng trong kho, và nguồn vốn được giải phóng có thể đem đi đầu tư vào mảng khác hoặc các sản phẩm khác.

Ở chiều ngược lại, với hãng sản xuất, dựa trên nền tảng công nghệ, Telio giúp hãng truyền tải thông tin về một sản phẩm mới hay chương trình khuyến mãi tới phía cửa hàng nhanh chóng, đầy đủ và không bị sai lệch.

Nhờ sự tối ưu từ cả 2 chiều của mô hình, trong năm đầu tiên, CEO Telio tiết lộ họ đã có 6.000 cửa hàng tham gia hệ thống. Đến thời điểm hiện tại, doanh thu trung bình tăng 160%/quý, với số lượng cửa hàng tăng lên 15.000. Đặc biệt, 20% các cửa tiệm tại Hà Nội và TPHCM đã đặt hàng qua Telio.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là thúc đẩy sự phát triển bền vững của các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ tại Việt Nam, các cửa hàng nhỏ lẻ này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trong đời sống hàng ngày của người dân. Chuỗi cung ứng hàng hóa tại Việt Nam vẫn còn rất phân mảnh và rời rạc, nhiều lớp, dẫn tới việc các cửa hàng bán lẻ này không có thông tin rõ ràng về giá cả, chất lượng và thậm chí là tính sẵn có của hầu hết các sản phẩm. Bằng cách cung cấp một nền tảng tập trung, chúng tôi mong muốn hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ tận dụng công nghệ để vận hành và phát triển hoạt động kinh doanh một cách có hiệu quả hơn”, Bùi Sỹ Phong chia sẻ.

Ngay trong năm đầu tiên, Telio đã huy động thành công nguồn vốn 26,5 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. CEO Telio tiết lộ hiện startup này đang trong quá trình đàm phán và chuẩn bị đóng một vòng đầu tư khác trong thời gian tới.

Với hệ thống 11 nhà kho và 100 xe tải, cộng thêm nền tảng công nghệ thông tin được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia người Việt Nam và Ấn Độ, sang đến 2025, Telio đặt mục tiêu sẽ có hơn 400.000 cửa hàng tạp hoá tham gia hệ thống. Startup cũng đang ấp ủ việc phát triển thêm tính năng quản lý lưu kho hay dịch vụ hỗ trợ về vốn lưu động để hỗ trợ tối đa các tiệm tạp hoá truyền thống.

Theo Cafebiz