Muốn thành công ở Silicon Valley, người Việt phải có những thay đổi tích cực và bớt một số thói quen mình có ở Việt Nam thì sẽ dễ dàng hơn khi làm việc ở môi trường đa văn hoá.

Silicon Valley thành thiên đường cho khởi nghiệp vì sở hữu nhân tài dồi dào, với các kỹ sư phần mềm và các nhà quản lý sản phẩm siêu giỏi cho đến nhà đầu tư mạo hiểm lão luyện với túi tiền đầy ắp và văn hoá chia sẻ, học hỏi lẫn nhau…

Thế nhưng Covid – 19 đã khiến cho những hình ảnh đó kém sáng.

Là một người Việt hiếm hoi mạo hiểm chọn Silicon Valley để khởi nghiệp và có những thành công bước đầu, Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It luôn tự hào mình là người Việt mang trọn giấc mơ Mỹ.

– Lúc này, anh thấy Silicon Valley có còn là thiên đường đối với các start – up đến từ Việt Nam?

Ông Trần Việt Hùng: Silicon Valley là thiên đường của các công ty công nghệ từ khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì các công ty khởi nghiệp của Việt Nam. Từ trước tới nay việc khởi nghiệp tại Silicon Valley luôn là mơ ước của các founder. Những người làm việc liên quan tới công nghệ liên tục đổ về Silicon Valley mặc dù giá nhà và sinh hoạt rất đắt đỏ.

Tuy nhiên khi đại dịch Covid -19 xuất hiện, rất nhiều thay đổi đáng kể đã diễn ra ở đây. Bắt đầu bằng việc các nhân viên của hầu hết các công ty phải làm việc ở nhà và việc này có thể sẽ diễn ra rất lâu cho tới khi có vaccine được phân bố rộng rãi. Ngoài ra các công ty công nghệ nổi tiếng một thời phải lao đao do ảnh hưởng của đại dịch như AirBNB, Uber…

Theo thống kê của trang layoffs.fyi, các công ty công nghệ ở Silicon Valley đã sa thải khoảng hơn 50 ngàn nhân viên vì đại dịch. Các nhà đầu tư thì cũng bắt đầu thắt lưng buộc bụng và thận trọng hơn trong các quyết định đâu tư. Còn về mặt kinh doanh, chỉ trừ một số các công ty có các sản phẩm hay dịch vụ phù hợp với thời đại dịch, các công ty khác đều gặp khó khăn ít hay nhiều.

Chính vì những yếu tố trên mà trong tình cảnh hiện tại bức tranh của Silicon Valley cũng bị kém sáng sủa đi so với trước.

Trước khi có làn sóng Covid mới bùng phát trở lại bắt đầu từ Đà Nẵng, ở công ty chúng tôi luôn nói đùa với nhau là ở Việt Nam bây giờ mới là thiên đường đúng nghĩa vì trong gần 100 ngày liền không thấy có dấu hiệu của một ai đó bị nhiễm Covid -19 và mọi người được tự do đi lại thoải mái.

Hình ảnh đó rất trái ngược với ở Mỹ khi mọi người đa số ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, hàng ngày vẫn có rất nhiều người bị nhiễm và bị chết vì Covid 19.

– Cộng đồng người việt ở Silicon Valley đã giúp đỡ anh thế nào trong quá trình start-up?

Văn hoá chia sẻ ở Silicon Valley rất là đặc trưng, mọi người giúp đỡ nhau khá là vô tư. Cá nhân tôi cũng được nhiều người không quen biết giúp đỡ rất nhiều từ khi chuyển Got It từ Đại học Iowa qua. Cộng đồng người Việt làm công nghệ ở Silicon Valley cũng không nhiều lắm so với các cộng đồng khác nên mọi người cũng biết nhau khá rõ và chia sẻ giúp đỡ nhau nhiều.

Trong trường hợp của tôi thì các anh chị em người Việt Nam giúp đỡ khá nhiều trong việc kết nối vì gần như ở công ty công nghệ lớn nào ở Silicon Valley cũng có một vài người Việt đang làm việc. Tương tự tôi cũng chia sẻ giúp đỡ những ai mới bắt đầu khởi nghiệp để họ có thể tránh đi vào các vết xe đổ mà tôi đã mắc phải trong quá khứ.

– Có quan điểm cho rằng để thành công lớn ở Silicon Valley thì phải gỡ bỏ mác người Việt? Để thị trường thấy sản phẩm làm ra không chỉ được sản xuất bởi nhóm người Việt, chỉ dành cho người Việt. Có phải vì thế mà anh tốn nhiều thời gian, công sức thuê các nhân sự đầu não đình đám thế giới?

Tôi không nghĩ rằng đây là quan niệm đúng. Thứ nhất Silicon Valley là nơi hội tụ của rất nhiều người nhập cư ở khắp nơi trên thế giới đổ về để xây dựng các công ty công nghệ hoặc làm việc ở các công ty công nghệ. Người Việt đang làm việc ở trong các công ty công nghệ lớn đều rất giỏi và có những đóng góp lớn trong việc tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ công nghệ phục vụ thị trường toàn cầu.

Trần Việt Hùng muốn biến Got It trở thành hệ sinh thái, công ty công nghệ có sức ảnh hưởng toàn cầu và 5 năm nữa, công ty sẽ cán đích 1 tỷ USD về giá trị. Hiện Got It đang tích cực xây dựng hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam, với nhiều hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ những bạn trẻ có thể lập trình. Got It tuyển chọn những sinh viên từ năm thứ 3, thậm chí hiện nay nhân sự trẻ nhất chỉ mới 13 tuổi.

Tôi nghĩ là để thành công ở Silicon Valley thì người Việt dù làm việc cho các công ty công nghệ hay tự vận hành các công ty khởi nghiệp của mình cần phải có những thay đổi tích cực và bớt một số thói quen mình có ở Việt Nam thì sẽ dễ dàng hơn khi làm việc ở môi trường đa văn hoá.

Ví dụ nho nhỏ là sếp thì không bao giờ sai hoặc là khi mắc lỗi thì không nhận mà tìm cách đổ tại. Không khắc phục được những thứ đó thì rất khó để mọi người muốn làm việc cùng mình.

Tôi cũng phải thay đổi rất nhiều từ khi mới chân ướt chân ráo qua Mỹ làm nghiên cứu sinh để sau này có thể tuyển được nhiều nhân sự giỏi cho Got It. Chúng tôi không có chính sách là chỉ tuyển người nước ngoài cho đội ngũ ở Mỹ mà tuyển ai phù hợp nhất cho vị trí đang cần người.

– Theo anh những yếu tố gì sẽ tạo nên bản sắc Việt trong start-up Việt ở Silicon Valley?

Thực tế thì hiện tại cũng chưa có nhiều start-up của người Việt Nam ở Silicon Valley nên cũng khó để có thể rút ra được bản sắc Việt ở đây.

Tuy nhiên với lực lượng kỹ sư công nghệ người Việt ở Silicon Valley cũng đông thì cá nhân tôi thấy là người Việt tương đối giỏi và có thể đảm đương được nhiều vị trí khác nhau từ nhỏ tới to ở các công ty công nghệ lớn.

Nhiều kỹ sư người Việt có những đóng góp rất lớn vào các sản phẩm công nghệ phục vụ hàng tỷ người dùng trong các sản phẩm lớn của Google, Facebook, Microsoft và nhiều công ty công nghệ khác nữa. Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều start-up công nghệ của người Việt nam ở đây để có thể tạo ra được một cộng đồng.

– Qua quá trình start-up thành công ở Silicon, anh cần đào tạo hay kỳ vọng gì vào các con của mình sau này?

Những gì tôi đang làm mới có những dấu hiệu tích cực bước đầu thôi chứ cũng chưa thể gọi là thành công được, chắc chắn là còn phải phấn đấu nhiều trong chặng đường phía trước. Tuy nhiên những thứ mà tôi học hỏi được từ những con người thành công ở Silicon Valley có thể tóm gọn trong mấy yếu tố chính mà chúng tôi mong muốn các con của mình cũng học được.

Thứ nhất là sự kiên trì, không có gì thành công một cách dễ dàng cả mà phải trải qua một chặng đường dài với nhiều khúc lên khúc xuống, chỉ những người kiên trì thì mới có thể đi hết được chặng đường.

Thứ hai là không ngừng học hỏi, học xong đại học hay kể cả tiến sỹ thì đó mới chỉ là điểm bắt đầu, có rất nhiều thứ mà chúng ta phải học cả đời. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thì mọi thứ thay đổi rất nhanh, nếu chúng ta không chịu học hỏi liên tục thì sẽ bị đào thải trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra việc cộng tác làm việc tốt với các đồng nghiệp là vô cùng quan trọng, trong thế giới ngày này mọi thứ rất phức tạp và để làm được việc thì mọi người phải cộng tác tốt với nhau.

Thứ ba, có tinh thần cầu thị sẵn sàng nhận ra điểm sai điểm yếu của mình để có thể hoàn thiện những khiếm khuyết.

Cuối cùng là giúp đỡ được ai cái gì thì giúp đỡ mà không cần phải lăn tăn là mình có được gì không, mình giúp người này thì thể nào cũng có người khác giúp mình lúc khác..

Xin cảm ơn anh!

Anh Hoa

Theo ĐT