Founder Curnon trải lòng hậu Shark Tank Việt Nam: Doanh số tăng gấp 7, nhân sự tăng gấp 10, nhưng tới giờ bố mẹ vẫn ngăn cản
Founder startup đồng hồ “Made by Vietnam” Curnon Nguyễn Quang Thái được coi như một đứa con “ngược dòng” khi sinh ra trong một gia đình có điều kiện, anh em họ ổn định với công việc Nhà nước, còn anh thì startup. Sau 2 năm gọi vốn thành công trên Shark Tank Việt Nam, traffic trên website Curnon tăng trưởng 10 lần, doanh số đem về tăng 7 lần, số nhân sự tăng gấp 10, còn nhà sáng lập vẫn bị bố mẹ phản đối vì đi theo con đường startup…
“Đến bây giờ bố mẹ tôi vẫn ngăn cản“, Nguyễn Quang Thái – Founder thương hiệu đồng hồ “made by Vietnam” Curnon trải lòng trên chương trình Founder Storytelling số 2 do Startup Grind tổ chức mới đây.
Curnon được biết đến sau khi nhà sáng lập gọi vốn thành công 5 tỷ đồng trên chương trình Shark Tank từ Shark Dzung Nguyễn và Shark Louis hồi năm 2018.
Chớp mắt đã qua hơn 2 năm. Việc lên Shark Tank, Thái ví von như một chuyến đi học tập (Learning trip) khi anh nhận được nhiều phản hồi và lời khuyên thiết thực với startup.
Về hiệu ứng truyền thông, thì “thực sự là khổng lồ”, Thái cho biết.
Chương trình Shark Tank Việt Nam có màn gọi vốn của Curnon phát sóng lúc 20h30 ngày 18/7/2018. Đến 22h30, lượt truy cập vào website chính thức của Curnon đã tăng lên 1.500 lượt truy cập cùng lúc – một kỷ lục mới của startup này. Traffic trước đó chỉ rơi vào khoảng 15.000 – 20.000/tháng.
Sau thời điểm đó, lượt truy cập vào website Curnon tăng lên 150.000 lượt/tháng, tức traffic tăng gấp 10. Từ thời điểm ấy đến nay, doanh số Curnon tăng gấp 7 lần, còn số nhân sự đã tăng gấp 10 (tính cả nhân sự phụ trách thương hiệu phụ kiện mới của Thái là Weehours, chuyên về mắt kính).
Rào cản cạnh tranh thấp của bán lẻ phụ kiện: Lập một fanpage, đánh hàng Quảng Châu, tự đặt cái tên, chạy thêm quảng cáo, thế là thành Founder
Thích bán lẻ và lựa chọn mặt hàng bán lẻ là thời trang và phụ kiện, Thái thừa nhận đây là lĩnh vực tính cạnh tranh rất cao, rào cản gia nhập thị trường lại thấp. Và trên thực tế, ai ai cũng có thể trở thành chủ shop.
“Rào cản cạnh tranh rất thấp. Lập một tài khoản Facebook, làm page, sang Quảng Châu đánh lô hàng về thành phố, set up tên, logo, thậm chí còn không cần đến nhận diện thương hiệu, sau đó chạy quảng cáo và bán hàng… Thế là trở thành Founder“, Thái nhìn nhận.
Áo phông của Zara đặt bên cạnh một chiếc áo phông của Uniqlo, nếu bỏ hết nhãn mác, price tag, gần như không phân biệt được
“Còn muốn mang đến một hơi thở mới hơn, thì CÁCH LÀM mới là “innovative” (sáng tạo) chứ không phải là SẢN PHẨM”.
Phân tích rõ hơn cách nhìn của mình về ngành bán lẻ, Thái ví von khi nhìn vào một chiếc áo phông của các hãng, ví như áo phông của Zara đặt bên cạnh một chiếc áo phông của Uniqlo, nếu bỏ hết nhãn mác, price tag, gần như không phân biệt được.
“Mặc dù Uniqlo về chất liệu có sáng tạo hơn. Nhưng với một người am hiểu bình thường, nhìn qua, không phân biệt được”.
“Vậy sự sáng tạo của ngành bán lẻ nằm ở đâu? Sẽ nằm ở nhiều giai đoạn khác trong delivering và trải nghiệm của việc mua sản phẩm ấy như thế nào. Cách tiếp cận với các startup của mình đều như vậy“, Thái nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, Curnon có 3 cửa hàng ở Hà Nội, 2 cửa hàng ở TPHCM và chuẩn bị launching cửa hàng mắt kính Weehours đầu tiên tại TPHCM.
Luôn vấp phải sự ngăn cản của gia đình, “cay” khi bị bố hỏi “Startup 1 năm để ra được bao nhiêu tiền?”
Sinh ra trong một gia đình được coi là có điều kiện, bố mẹ làm nhà nước, anh em họ hàng đều ổn định với các doanh nghiệp lớn khối Nhà nước, Thái như một đứa con “ngược dòng”: Ngỗ ngược, ghét sự ổn định, nhàm chán.
“Tôi không bao giờ muốn một thứ an toàn. An toàn với tôi rất nhàm chán. Tại thời điểm ấy, khi nói chuyện gay gắt với gia đình, tôi nói: “Con nghe theo những gì bố mẹ đang đưa cho con thì trước hết là con không hợp, nên không thể vươn lên trong môi trường ấy. Bất kỳ môi trường nào cũng phải có người sẵn lòng để được rèn luyện trong môi trường ấy””.
“Không cần biết thành công hay không nhưng ít nhất con không cần phải quay trở lại nói 2 từ “giá như”” – Founder Curnon
“Tôi không phải người như vậy, có đi theo tôi cũng trở thành một “mediocre” (kẻ tầm thường). Tôi hỏi “Đấy có phải điều bố mẹ muốn, hay muốn con bươn trải, khó cứ để mặc con làm? Không cần biết thành công hay không nhưng ít nhất con không cần phải quay trở lại nói 2 từ “giá như“”, Thái trải lòng.
Việc startup của Thái, đến nay bố mẹ vẫn ngăn cản, nhưng không phải cản theo kiểu chỉ trích kịch liệt.
“Tôi rất “cay” khi bố nói kiểu như “Làm 1 năm để ra được bao nhiêu tiền?” Làm Founders, chúng ta đều hiểu startup không phải là tất cả về tiền bạc, tài chính là kết quả. Hơn nữa, cách sử dụng tài chính trong luân chuyển tiền tệ của một doanh nghiệp, đặc biệt trong startup là luôn tái đầu tư. Làm sao để được ra đồng nào?”
“Nhưng giải thích điều này thì bố mẹ không hiểu. Luôn chỉ nhìn vào cái gì hiện hữu trước mắt để đưa ra đánh giá về việc “nó có đang làm tốt hay không””.
“Bố mẹ chỉ có chút tự hào khi tôi bắt đầu lên truyền hình trả lời phỏng vấn. Các anh chị ở VTV3 đến văn phòng quay phóng sự. Bố mẹ tôi còn gọi điện cho các cô các chú “xem thằng Thái ở trên TV”. Cho nên, mình biết đằng sau bố mẹ vẫn có chút tự hào, nhưng lo, không biết tương lai có an toàn bởi việc mình đi làm startup hay không. Bậc cha mẹ, chỉ luôn mong muốn những gì tốt nhất cho con mình“, Thái kể.
Anh cho biết, đến bây giờ mẹ anh vẫn hay thủ thỉ, hỏi xem: “Con mở cửa hàng thế nào? Có an toàn không?”
“Mẹ tôi hỏi đáng yêu lắm!”, anh cười.
Theo Cafebiz