Đối với thị trường tài chính Việt Nam, xu hướng phát triển của Fintech đã góp phần đa dạng hóa chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ tài chính. Các công ty Fintech ở Việt Nam có xu hướng tham gia chia sẻ thị phần bán lẻ tiềm năng của các ngân hàng truyền thống.

Giai đoạn tới, công nghệ số trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược cạnh tranh của các tổ chức tài chính. Châu Á sẽ tiếp tục là trung tâm của quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech), an ninh mạng cũng là một trong những rủi ro hàng đầu mà các tổ chức tài chính phải đối mặt. Đối với thị trường tài chính Việt Nam, xu hướng phát triển của Fintech đã góp phần đa dạng hóa chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ tài chính. Các công ty Fintech ở Việt Nam có xu hướng tham gia chia sẻ thị phần bán lẻ tiềm năng của các ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, Fintech đang đứng trước một số thách thức về khuôn khổ pháp lý, an ninh mạng và bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

1. Xu hướng phát triển của Fintech

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang làm thay đổi khu vực tài chính, giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính theo những cách thức sâu sắc, toàn diện hơn. Nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy Fintech đã góp phần nâng cao tài chính toàn diện (financial inclusion) và có khả năng góp phần tích cực cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong và sau khủng hoảng.

Fintech tiếp tục thúc đẩy các mô hình kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh mới trong ngành dịch vụ tài chính. Thời gian qua, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech đã tập trung vào các công nghệ đột phá để thâm nhập vào chuỗi giá trị dịch vụ tài chính. Theo thống kê của PwC (2020), các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã thành công trong việc cung cấp dịch vụ tài chính với trải nghiệm khách hàng tốt hơn, tiện lợi hơn và mức giá rẻ hơn. Tác động của các công ty khởi nghiệp Fintech tới chuỗi giá trị dịch vụ tài chính có sự khác biệt giữa các quốc gia do các rào cản pháp lý gia nhập thị trường, mức độ phát triển của hệ sinh thái Fintech ở các quốc gia tương đối khác nhau. Nhu cầu của khách hàng đối với các dịch vụ ngân hàng và quản lý tài chính ngày càng lớn, mở ra cơ hội cho cả các tổ chức tài chính truyền thống và các công ty Fintech. Trong thời gian tới, việc xuất hiện các loại dịch vụ tư vấn đầu tư, quản lý tài chính cá nhân… bằng các ứng dụng của  trí tuệ thông minh nhân tạo (AI)… mang tính tất yếu.

Mặc dù có quy mô tương đối nhỏ so với các dịch vụ tài chính truyền thống, các dịch vụ tài chính số đang có tốc độ tăng trưởng nhanh tại nhiều quốc gia và khu vực, thậm chí ở cả những nơi mà tài chính toàn diện truyền thống đang chững lại hoặc giảm sút, đặc biệt là tại châu Phi và châu Á. Các bằng chứng cho thấy, Fintech (bao gồm cả mobile money), có thể giúp người dân và doanh nghiệp duy trì, thậm chí tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính. Ngoài ra, tài chính số cũng giúp bổ khuyết cho các dịch vụ tài chính truyền thống tại những nơi mà việc cung cấp các dịch vụ truyền thống ít hiện diện. Không chỉ làm thay đổi cách cung cấp các dịch vụ tài chính, Fintech đem lại nhiều lợi ích như giao dịch nhanh hơn, hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn, yêu cầu ít hơn hoặc không cần tài sản thế chấp cho cấp tín dụng,.. Các dịch vụ tài chính số do đó cũng dễ dàng vươn tới các đối tượng hộ gia đình thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Trong bối cảnh chính phủ các nước thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát dịch bệnh do COVID-19, các dịch vụ tài chính số có được những cơ hội mới để thúc đẩy tài chính toàn diện. Thực tế cho thấy, Fintech đang đóng vai trò quan trọng giảm thiểu tác động của COVID-19 với việc tạo thuận lợi cho triển khai các giải pháp tài khóa kịp thời, hiệu quả tới người thụ hưởng, thậm chí cả các đối tượng không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Bằng cách giảm và loại bỏ các tương tác vật lý và việc sử dụng tiền mặt, Fintech giúp các chính phủ cung cấp các gói hỗ trợ nhanh chóng, an toàn tới người dân, doanh nghiệp. Tại các nước mà việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng bị hạn chế, mobile money đang được sử dụng để thực hiện chuyển tiền cứu trợ của chính phủ (như Namibia, Peru, Uganda, Zambia). Một số công ty Fintech cũng tham gia đáp ứng yêu cầu thanh khoản cho SMEs, như tại Trung Quốc, hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi cho người vay bị tác động bởi dịch bệnh như Ấn Độ, Kenya, Vương quốc Anh.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của IMF cũng cho thấy Fintech đang góp phần giảm bất bình đẳng về giới trong tiếp cận tài chính, khi khoảng cách về giới trong tài chính toàn diện số có xu hướng thấp hơn so với tài chính toàn diện truyền thống tuy còn có sự khác biệt giữa các nước và khu vực do những trở ngại về tập quán văn hóa, xã hội, kiến thức, hiểu biết về tài chính và khả năng tiếp cận các nguồn lực (điện thoại di động, internet,…).

Các số liệu phân tích tại 52 nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển (EMDEs) trong giai đoạn từ 2011 – 2018 cho thấy, việc ứng dụng thanh toán số có mối liên hệ rõ ràng, tích cực đối với tăng trưởng, góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập và giảm nghèo. Điều này phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đó của IMF cũng đã khẳng định tài chính toàn diện hỗ trợ tăng trưởng và giảm bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô. Fintech đã và đang tạo thuận lợi cho người dân và các SMEs tiếp cận tín dụng, mở ra cơ hội cho khu vực dân cư lớn hơn tham gia vào các hoạt động kinh tế chính thức.

2. Cơ hội và thách thức với tài chính số

Hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang phát triển với nhiều mô hình kinh doanh đa dạng, vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các loại hình tổ chức cũ và mới. Các công ty Fintech đang tăng cường cộng tác với các ngân hàng nhằm hưởng lợi từ kinh nghiệm, chuyên môn của các ngân hàng và thuận lợi trong mở rộng quy mô phát triển. Đổi lại, các công ty Fintech cung cấp cho các ngân hàng nền tảng hiện đại nhất để tiếp cận những khách hàng mới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các ngân hàng số đã cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng truyền thống trong thu hút khách hàng mới nhờ công nghệ tiên tiến và dịch vụ chi phí thấp. Tương tự, các công ty cho vay Fintech cũng cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ cho vay không chính thức, các tổ chức tài chính vi mô và các ngân hàng nhỏ về cả thanh toán lẫn tín dụng. Các ngân hàng lớn cũng tham gia cuộc đua bằng việc mua lại các công ty Fintech nhỏ hoặc đầu tư mạnh vào công nghệ khiến cho áp lực cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ tài chính số ngày càng gia tăng.

Cùng với đó, sự phát triển an toàn của tài chính toàn diện số còn phụ thuộc vào sự kết hợp của một loạt các nhân tố. Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2009 cho thấy, sự phát triển nhanh chóng của tài chính toàn diện mà không có các quy định pháp lý và mức độ hiểu biết tài chính tương xứng có thể dẫn đến bất ổn tài chính. Ngoài ra, các rủi ro an ninh mạng hoặc những hình thức cho vay không phù hợp của các tổ chức thiếu kiểm soát có thể hủy hoại lòng tin người tiêu dùng cũng đang nổi lên. Trong bối cảnh này, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, nhận dạng số, kiến thức tài chính/công nghệ số cần được ưu tiên xem xét bởi các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, thiếu nguồn cung lao động có kỹ năng cùng cơ sở hạ tầng tài chính số là những hạn chế lớn đối với sự phát triển của tài chính số.

Bản thân tài chính số cũng có thể tạo ra những rủi ro mới cho tài chính toàn diện. Các nguy cơ này xuất phát từ bất bình đẳng trong tiếp cận cơ sở hạ tầng số, hạn chế về kiến thức tài chính và kỹ thuật số, và những sai lệch bị khuếch đại bởi các nguồn và phân tích dữ liệu mới. Mô hình cho vay trên nền tảng số ít kiểm soát hiện nay cũng có thể đe dọa ổn định tài chính. Ngoài ra, các nguy cơ gián tiếp liên quan đến trở ngại phát sinh với tài chính toàn diện thông qua các tổ chức tài chính vi mô, và liên quan đến hậu quả của mất niềm tin vào công nghệ số. Tất cả các nguy cơ rủi ro này càng trở nên quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi nhanh và theo hướng các dịch vụ tài chính số.

3. Tác động của phát triển Fintech tới thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam

Tại Việt Nam, lĩnh vực Fintech đang trong đà phát triển mạnh, thu hút chú ý của giới đầu tư. Theo báo cáo chung của PwC, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) và Hiệp hội Fintech Singapore, năm 2019, lượng vốn đầu tư cho các công ty Fintech tại Việt Nam chiếm 36% so với cả khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore (51%). Tính đến ngày 30/9/2019, Fintech Việt Nam đã chứng kiến sự “bùng nổ” về dòng vốn tài trợ với hai thỏa thuận lớn cho VNPay (300 triệu USD) và MoMo (100 triệu USD); đồng thời đã có 136 công ty Fintech được thành lập tại Việt Nam, đứng sau Singapore (1.157), Indonesia (511) và Malaysia (376).

Fintech ở Việt Nam hiện chủ yếu chỉ tập trung ở 3 dịch vụ là thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P) và huy động vốn cộng đồng. Thanh toán là phân khúc phát triển nhất, với khoảng 35 công ty; cho vay P2P bao gồm hơn 20 công ty. Các dịch vụ khác như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính tự động vẫn đang trong quá trình sơ khai.

Thị trường Fintech của Việt Nam đang dự báo trị giá 9 tỷ USD vào năm 2020, trở thành thị trường lớn thứ 4 của ASEAN. Sự quan tâm đầu tư vào các công ty Fintech của Việt Nam, đặc biệt nhất là trong lĩnh vực thanh toán, được thúc đẩy bởi tiềm năng kinh doanh với quy mô dân số lớn, thị trường tương đối thuận lợi với sự hỗ trợ từ Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế không tiền mặt, thúc đẩy thanh toán di động và kỹ thuật số, cũng như tỷ lệ thâm nhập internet và di động cao tại Việt Nam.

Trong bối cảnh phát triển trên của Fintech, thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam đã có một số thay đổi, tác động như sau:

Thứ nhất, các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ tài chính trên thị trường ngày càng trở nên đa dạng hơn và mô hình kinh doanh cũng có nhiều thay đổi theo hướng chuyển đổi số hóa trong những năm gần đây. Ví dụ như đối với dịch vụ thanh toán, bên cạnh các ngân hàng, thị trường Việt Nam hiện nay đã có 32 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động. Trong đó có nhiều doanh nghiệp Fintech cũng như chủ sở hữu các ví điện tử trên thị trường hiện nay như MoMo, VNPay, Airpay, Moca… Các ngân hàng thương mại đang trong quá trình đổi mới hệ thống, với mong muốn phát triển ngân hàng số.

Thứ hai, thị trường chứng kiến sự ra đời và “bùng nổ” của các dịch vụ tài chính mới, như ví điện tử, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thanh toán điện tử… Trong khoảng hai năm gần đây, một số ví điện tử đã có tốc độ phát triển nhanh và 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam được thực hiện qua ví điện tử. Cho vay P2P đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015 và ngày càng có nhiều công ty cung cấp nền tảng cho hoạt động này. Cùng với xu hướng phát triển của loại hình dịch vụ huy động vốn cộng đồng trên thế giới, Việt Nam hiện đã có nhiều nền tảng website gọi vốn cộng đồng ra đời, phát triển và đã xây dựng được uy tín và niềm tin từ cộng đồng đầu tư Việt Nam.

Thứ ba, các công ty Fintech ở Việt Nam có xu hướng tham gia chia sẻ thị phần bán lẻ tiềm năng của các ngân hàng truyền thống khi mà hoạt động cho vay P2P, ví điện tử, thanh toán và trả góp bằng thẻ đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn đối với giao dịch không sử dụng tiền mặt, hiện có 5 ví điện tử (Payoo, MoMo, AirPay, Moca, FPT) đang chiếm tới 90% thị phần trung gian thanh toán cả về số lượng và giá trị giao dịch. Giải pháp số hóa trở thành nhân tố quyết định chiến lược trong việc chiếm lĩnh thị trường dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, Fintech đem lại một số thách thức đối với thị trường về khuôn khổ pháp lý, an ninh mạng và bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, môi trường và văn hóa kinh doanh.

Dù sở hữu tiềm năng lớn nhưng đối với Fintech, Việt Nam mới chỉ khai phá ở mức độ thấp với một khuôn khổ pháp lý còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán như: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế… và đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý với một số đề án như Cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech, lấy ý kiến góp ý xây dựng nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt để thay thế cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đã tạo kẽ hở cho một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mô hình cho vay  P2P và huy động vốn cộng đồng để hoạt động “tín dụng đen” hoặc lừa đảo. Luật pháp Việt Nam chưa có quy định về hình thức cho vay này nên hoạt động cho vay và huy động vốn vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro cho những người tham gia. Những quy định hiện nay về tín dụng đều không phù hợp với mô hình hoạt động cho vay P2P, huy động vốn cộng đồng và cũng không phù hợp với các công ty cung cấp nền tảng đối với các dịch vụ này. Việc chưa được nhìn nhận đúng về bản chất làm cho hoạt động kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam dễ bị lợi dụng, biến tướng và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với những người tham gia. Kinh nghiệm phát triển cho vay P2P trong bối cảnh thiếu kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc đã cho thấy tổn thất nghiêm trọng tới xã hội của loại hình kinh doanh này. Chính phủ Trung Quốc coi cho vay P2P là hệ thống trao đổi thông tin khoản vay, làm cho các quy định tương đối lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các vi phạm. Các công ty cho vay P2P tại Trung Quốc hoạt động ngày càng biến tướng, huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp, dẫn tới hàng loạt công ty công bố phá sản và chủ doanh nghiệp ôm tiền bỏ trốn. Trong tháng 6-8/2018, đã có hơn 400 công ty cho vay P2P của Trung Quốc dừng hoạt động.

Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ gọi vốn cộng đồng. Gọi vốn cộng đồng nên được ghi nhận như một kênh huy động vốn, được tạo điều kiện để hoạt động và quản lý trong khuôn khổ pháp luật phù hợp với nhu cầu và xu hướng chung của thị trường cũng như chủ trương của Chính phủ về tận dụng khả năng của những nhà khởi nghiệp và nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội mà không sử dụng đến ngân sách nhà nước để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án khởi nghiệp. Trong khối ASEAN, Malaysia là quốc gia đầu tiên chính thức ban hành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động gọi vốn cộng đồng vào năm 2015, thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Thị trường vốn và dịch vụ. Luật quy định về số tiền đầu tư tối đa thông qua gọi vốn cộng đồng, dưới 5 triệu RM, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được phép huy động số tiền lên tới 3 triệu RM trong một năm. Đối với các nhà đầu tư, số tiền đầu tư tối đa là 5.000 RM cho mỗi công ty và 50.000 RM mỗi năm cho tổng số tiền đầu tư dưới dạng gọi vốn cộng đồng.

Trong bối cảnh an ninh mạng và bảo mật thông tin tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, việc các khách hàng dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân cho các nền tảng cho vay P2P, các website mua bán trực tuyến… làm tăng nguy cơ rủi ro mất dữ liệu, thông tin cá nhân, tạo kẽ hở cho các vụ tấn công tin tặc. Xu hướng tội phạm công nghệ đang chuyển dần từ tấn công cơ học sang khai thác các lỗ hổng về công nghệ và người dùng. Lỗ hổng từ người dùng có thể khai thác qua việc người dùng vô tình truy cập vào những đường dẫn lạ, truy cập các website không an toàn.

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính gặp nhiều thách thức do sự phát triển nhanh của Fintech. Theo khảo sát ở 6 quốc gia khu vực châu Á (bao gồm: Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam) của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thì hoạt động bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ở Việt Nam được đánh giá là khá sơ sài. Cụ thể, trong 6 tiêu chí để đánh giá hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính thì Việt Nam chỉ đáp ứng được 2 yếu tố là có cơ quan quản lý khiếu nại và có hỗ trợ khách hàng bằng đường dây nóng. Các tiêu chí khác (phổ cập các chương trình về rủi ro tiêu dùng, xử lý trực tiếp khiếu nại, nhận báo cáo khiếu nại từ các tổ chức tài chính và kiểm soát chất lượng phục vụ…) đều được các quốc gia khác áp dụng, nhưng chưa được áp dụng tại Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo:

1. PwC (2016),  Công nghệ Tài chính 2020 và vượt ra ngoài: Nắm bắt sự gián đoạn.

2. PwC (2020), Financial Services Technology 2020 and Beyond: Embracing Disruption, https://www.pwc.com/gx/en/financial services/assets/pdf/technology2020-and-beyond.pdf.

3. Bank Negara Malaysia, Electronic Know-Your-Customers, June 2020.