Fintech cho người nghèo
Vấn đề quan trọng là tạo khung pháp lý thúc đẩy Fintech vào khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, những nơi có nhu cầu lớn.
MetLife và Công ty MicroSave phối hợp triển khai Chương trình “Đổi mới – Thực hiện – Tác động” (i3), được kỳ vọng tạo ra sự tác động trực tiếp cho ít nhất 400.000 khách hàng có thu nhập thấp và trung bình.
Thế nhưng, nhưng mỗi một sản phẩm hay dịch vụ công nghệ tài chính mới đều có những rủi ro riêng, i3 không là ngoại lệ trong bối cảnh Việt Nam thiếu một hệ thống pháp lý đồng bộ cho lĩnh vực công nghệ tài chính.
Pháp lý vẫn là rào cản lớn nhất
Sử dụng công nghệ để thay đổi cuộc sống con người đang được một số quốc gia trong khu vực triển khai. Trong đó, i3 đã được tổ chức tại 4 quốc gia, Bangladesh, Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc.
Chọn 4 nước này triển khai i3, ông Manoj Kumar Sharma cho là do Trung Quốc có tỉ lệ tiếp cận tài chính rất cao, Bangladesh có hệ thống thanh toán phát triển, Việt Nam có hệ thống doanh nghiệp tốt và Malaysia có khung pháp lý thử nghiệm tốt.
Triển khai I3 tại Việt Nam, ông Manoj Kumar Sharma, Tổng giám đốc MicroSave, Giải pháp dịch vụ tài chính, cho rằng: “Thiết kế ứng dụng phù hợp và xây dựng hệ thống nhận dạng hiệu quả, đang là hai rào cản chính trong phổ cập tín dụng tại Việt Nam hiện nay, bên cạnh những thách thức về quy định pháp lý”.
Ông Manoj Kumar Sharma dẫn kết quả một nghiên cứu của Mexico, tăng trưởng GDP sẽ tốt hơn nếu gia tăng tỉ lệ tiếp cận tài chính cho người dân thu nhập thấp và người nghèo, mức gia tăng thêm là 1,2 đến 1,5% GDP.
Tại Việt Nam, i3 hướng tới mục tiêu xây dựng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho thị trường đại chúng bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số với những hiểu biết chuyên sâu về nhu cầu, nguyện vọng và hành vi cho người thu nhập thấp và trung bình.
Dự án cũng giúp cung cấp thông tin kịp thời đến khách hàng, tăng cường tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, cũng như bước đầu giúp khách hàng tại nông thôn làm quen với công nghệ số. Tổng chi phí công ty MicroSave hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn dự kiến là 500.000 USD.
Tuy nhiên, triển khai i3 cũng đứng trước vấn đề rất lớn, làm thế nào để giải quyết những vấn đề liên quan tới khung pháp lý, thậm chí cả khung pháp lý thử nghiệm, để giúp Fintech tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam.
Cần tính đến tác động
Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017, trong số 137 quốc gia, Việt Nam xếp hạng thứ 78 về sự sẵn sàng và xếp hạng 60 về khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Hiện nay, tiếp cận dịch vụ tài chính ở khu vực chính thức vẫn là kênh tiếp cận chính của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, so với 69% ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong khi chỉ 11% người dân có thu nhập thấp có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Việt Nam, quốc gia có tỉ lệ chi nhánh ngân hàng khá thấp trên dân số. Theo số liệu năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chỉ 3,5 chi nhánh ngân hàng trên 100.000 người dân trưởng thành. Những nhân tố này đã hạn chế khả năng mở rộng dịch vụ tài chính chính thống cho phân khúc khách hàng thu nhập trung bình và thấp tại Việt Nam.
Thực ra, triển khai i3 tại Việt Nam, ngoài vấn đề pháp lý, còn có những thách thức khác, chẳng hạn về tài chính, nhận thức và khả năng tiếp cận công nghệ của người nghèo, người có thu nhập thấp.
Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, có 3 yếu tố cần được xử lý để triển khai i3. Đầu tiên, khách hàng phải có điện thoại thông minh. Kế đến, chi phí về bưu chính viễn thông và đào tạo sử dụng phần mềm công nghệ tài chính, cũng là những vấn đề phải tính đến.
Một điểm quan trọng nữa được ông Hòe đề cập, người dân phải được trang bị kiến thức về bảo mật các thông tin của mình trong quá trình giao dịch với ngân hàng. Lượng tiền giao dịch có thể không lớn và rủi ro chỉ ở mức nhỏ, thì vẫn có tác động rất lớn lên người dân thu nhập thấp.
Tham gia i3, người nghèo cần chú trọng cần bảo mật số chứng minh thư nhân dân. Đặc biệt, tới đây khi chuyển sang số công dân, số căn cước công dân nằm trong cơ sở dữ liệu dân cư và được chia sẻ để ngân hàng cung ứng dịch vụ.
Việc “tin tặc” có thể truy xuất được tài khoản của người dân đang giao dịch trên ngân hàng hoặc trên công nghệ số là thật. Do đó, người dân cần bảo mật số chứng minh thư.
Hiện nay, hầu hết Fintech tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao ở các thành thị, trong khi khu vực nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa, những khu vực có nhu cầu lớn vẫn đang bỏ ngỏ.
Tại Việt Nam, nếu như năm 2014, sử dụng điện thoại thông minh chỉ 10% dân số, thì đến nay, số lượng sử dụng điện thoại thông minh đã tăng lên hơn 70% và việc phổ cập 3G và Intenet cũng hơn 70% dân số, những điều kiện để dịch vụ tài chính phát triển.
Hơn nữa, nhiều người dân vùng nông thôn không thể đi một chặng đường xa để tiếp cận dịch vụ tài chính. Trong khi đó, việc thành lập các chi nhánh ngân hàng tại khu vực nông thôn có chi phí rất lớn.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) vào năm 2015 đã Phát triển gần 5.000 điểm thanh toán điện tử tại 45 tỉnh, nhưng không phải lúc nào người dân cũng có thể đến các điểm giao dịch.
Hải Vân – Vietnambiz