Trong hành trình tìm động lực phát triển và hướng đi mới tại thị trường thực phẩm chay truyền thống đã bão hoà, Dương Hoàng Nhã Trúc đã thấy lời giải ở sản phẩm thịt thực vật V-Meat.

Dương Hoàng Nhã Trúc, nhà sáng lập Công ty TNHH Sản xuất – Kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề

Giải pháp thực phẩm của tương lai

Nói đến đạm (protein), nhiều người thường nghĩ ngay đến thực phẩm từ động vật, nhưng thực ra, có nhiều thức ăn từ thực vật rất giàu đạm như đậu, mè, hạt vỏ cứng… Nhờ công nghệ thực phẩm phát triển, từ những nguồn thực vật giàu protein, Dương Hoàng Nhã Trúc, nhà sáng lập Công ty TNHH Sản xuất – Kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề và các cộng sự đã nghiên cứu và sản xuất thành công loại thịt “thực vật” (plant-based meat) có cấu trúc, cảm quan, màu sắc, mùi vị giống với “thịt truyền thống”.

Công ty TNHH Sản xuất – Kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề được thành lập từ giữa năm 2018, chuyên sản xuất các dòng thực phẩm chay truyền thống, với doanh số năm 2019 là 1,4 tỷ đồng và năm 2020 là 400 triệu đồng. Start-up này đang có chuỗi nhà hàng với thương hiệu hủ tiếu chay Cây Đề đã hoạt động gần 10 năm ở TP. HCM, có 3 chi nhánh là sở hữu riêng và một chi nhánh nhượng quyền.

Trúc tin rằng, doanh nghiệp của cô là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu thành công sản phẩm này.

“Thịt thực vật sẽ là giải pháp thực phẩm cho tương lai. V-Meat sẽ có một chỗ đứng, một thị phần đáng kể trong thị trường tiềm năng này”, Trúc đặt mục tiêu.

Theo nhà sáng lập Công ty TNHH Sản xuất – Kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề, 100% sản phẩm V-Meat được làm từ thực vật, có giá trị dinh dưỡng tương tự thịt động vật, có độ béo, độ dai, độ ẩm ướt, loại bỏ được mùi vị của đạm thực vật mà các dòng sản phẩm chay truyền thống khác chưa làm được. Thành phần chính của sản phẩm là đạm đậu nành và đạm lấy từ các loại hạt.

Công ty TNHH Sản xuất – Kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề hướng đến đối tượng khách hàng là những người đang tìm kiếm nguồn đạm thay thế cho đạm động vật; những người đang có bệnh và muốn phòng bệnh, vẫn muốn duy trì bữa ăn đa dạng như hàng ngày; những người có lối sống xanh, muốn bảo vệ môi trường và những người ăn chay vì tôn giáo.

Nhã Trúc cho biết, sản phẩm V-Meat đã được công bố, phân tích về thành phần dinh dưỡng, phân tích vi sinh đầy đủ và đã có giấy phép. Hơn 90% nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu từ Mỹ, Canada, châu Âu, một số ít nhập từ châu Á như Thái Lan, Malaysia, do nguyên liệu trong nước đang có vấn đề về chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh (kể cả nguyên liệu thô là hạt đậu nành thì đã đắt gấp đôi hàng nhập từ Mỹ và Canada).

Thách thức của người tiên phong

Các sản phẩm V-Meat (gồm nhân burger, thịt xay, chả lụa chay…) đang trong giai đoạn khảo sát thị trường nên chưa có doanh thu và lợi nhuận. “Đội ngũ V-Meat đang phải đối mặt với thách thức từ việc gia nhập thị trường cũng như để người tiêu dùng chọn sản phẩm bởi khái niệm ‘thịt thực vật’ quá mới mẻ tại Việt Nam”, Trúc cho biết.

Một số nhà đầu tư đánh giá, dù thịt thực vật sẽ là một xu hướng trên thế giới và đã có một số start-up thành công, nhưng sẽ có nhiều rủi ro với các sản phẩm V-Meat khi đang phụ thuộc quá nhiều các yếu tố bên ngoài, từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống phân phối.

Thêm vào đó, sản phẩm này thâm nhập thị trường khi nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa nhiều. Việc tham gia thị trường quá sớm có thể khiến các nhà sáng lập tốn nhiều thời gian và tiền bạc để thuyết phục khách hàng. Và để mở rộng quy mô lớn thì doanh nghiệp phải có vốn đầu tư rất lớn.

Ở Mỹ, Công ty Beyond Meat sản xuất thịt thực vật đã hoạt động được 10 năm, có 5 loại thịt thực vật và được định giá hơn 6 tỷ USD. Những công ty thịt thực vật lớn như Beyond Meat có thể đã có những kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam và những start-up còn non trẻ như doanh nghiệp của Trúc sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ.

Tuy nhiên, nhà sáng lập Công ty TNHH Sản xuất – Kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề tự tin: “V-Meat sẽ là lợi thế cạnh tranh khi giá thành chỉ bằng 1/4 so với thịt thực vật nhập khẩu của Beyond Meat”. Bên cạnh đó, công ty khởi nghiệp này còn kỳ vọng vào sự am hiểu khẩu vị người Việt để có thể đưa ra sản phẩm phù hợp nhất.

Thực tế, vẫn có nhà đầu tư đặt niềm tin vào V-Meat và nỗ lực của các nhà sáng lập Công ty TNHH Sản xuất – Kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề. Gần đây, đã có 2 nhà đầu tư tham gia rót vốn vào công ty này, với giá trị 4 tỷ đồng đổi lấy 49% cổ phần.

Doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh số cho V-Meat sau 4-5 năm ra mắt thị trường là khoảng 60 tỷ đồng. Nhã Trúc kỳ vọng, được sự hỗ trợ từ kinh nghiệm, mối quan hệ của các nhà đầu tư, công ty của cô sẽ có thêm nguồn lực để vượt qua đại dịch và tiếp tục phát triển.

THEO HỒNG PHÚC
(Báo Đầu tư)