Đừng lơ là sở hữu trí tuệ khi khởi nghiệp!
Các start-up trong giai đoạn ban đầu cần sự hỗ trợ lớn của các nhà đầu tư để đưa ý tưởng vào thực tế. Tuy nhiên, cả hai bên thường gặp khó khăn trong việc góp vốn và định giá đối với các giá trị sở hữu trí tuệ, cuối cùng start-up thường nhượng bộ và chấp nhận quay lại với phương thức góp vốn truyền thống là bằng tiền hoặc tài sản hữu hình, thay vì định giá ý tưởng thành một loại tài sản có giá trị, để rồi sau cuối khiến mình thiệt đơn thiệt kép.
Tại Hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp sáng tạo” diễn ra tại Hà Nội cuối năm ngoái, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, lại chỉ ra thực tế đáng buồn là nhiều start-up tại Việt Nam hiện nay chỉ mải mê xây dựng doanh nghiêp, kêu gọi vốn mà “thờ ơ” với đăng ký Sở hữu trí tuề (SHTT).
Chỉ một vài thập kỷ trước, phần lớn tài sản của các doanh nghiệp của Mỹ là hữu hình còn các tài sản vô hình như sở hữu trí tuệ chiếm khoảng 20% tài sản doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến năm 2005, tỷ lệ tài sản vô hình và hữu hình của doanh nghiệp về cơ bản đã bị đảo ngược: giá trị thị trường của doanh nghiệp bao gồm đến 80% tài sản vô hình và đến năm 2015, con số này đã tăng lên 87%. Các doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm cả start-up, chắc chắn cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Tổ chức Thương mại thế giới WTO định nghĩa sở hữu trí tuệ (SHTT) là quyền lợi được trao cho một cá nhân hoặc một tập thể vì những sáng tạo tinh thần của mình. Quyền này thường bao gồm việc sử dụng độc quyền sáng tạo của họ trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo ông Jean-François Harvey, Nhà sáng lập và Luật sư Điều hành Toàn cầu của Tập đoàn Harvey Law Group, một trong số những công ty luật quốc tế về tư vấn kinh doanh đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam, nếu đứng từ góc độ của doanh nghiệp khởi nghiệp, SHTT là một tài sản của doanh nghiệp, cho phép người sáng tạo và chủ sở hữu bảo vệ và thụ hưởng quyền hưởng lợi từ sáng tạo của mình, cũng như tạo ra lợi thế lớn tín nhiệm lớn để start-up kêu gọi vốn dễ dàng hơn.
Phát triển một chiến lược SHTT không thể thiếu đối với các công ty khởi nghiệp, tạo điều kiện cho start-up tập trung thời gian và nguồn năng lực vào việc kinh doanh, không lo sợ bị khai thác “lậu” hoặc đánh mất tất cả khi phát hiện ra ý tưởng của mình không phải là nguyên bản khi quá muộn.
Về cơ bản, có ba cách mà một start-up hoặc bất cứ tổ chức nào khác có thể thực hiện SHTT là thông qua bằng sáng chế, thương hiệu và bản quyền cho các sản phẩm, quy trình, ý tưởng, khái niệm, tên doanh nghiệp, logo… của mình. Doanh nghiệp cũng có thể phần nào tự định giá tài sản trí tuệ mình sở hữu bằng cách:
- Xác định loại tài sản
- Xem xét bối cảnh/ngành công nghiệp nơi tài sản được sử dụng cũng như điều kiện thị trường chung
- Xem xét các yếu tố khác như rào cản gia nhập, lợi nhuận, tiềm năng sử dụng và khai thác…
Nhận xét về thị trường Việt Nam hiện nay, luật sư Harvey cho rằng chính phủ nước ta ngày càng đề cao vai trò của SHTT và các doanh nghiệp hôm nay cũng dễ dàng truy cập vào kho thư viện, dữ liệu để tìm kiếm thông tin về thương hiệu và quyền lợi được bảo hộ của bất cứ tài sản trí tuệ nào đã được đăng ký.
Tuy nhiên, do thủ tục còn có phần rườm rà, tổn thất thời gian lớn, đặc biệt là trong xử lý tranh chấp về SHTT, mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn không đăng ký SHTT cũng như tự giải quyết tranh chấp bằng đàm phán thay vì đưa vấn đề ra tòa.
Đứng trước thực tế này, Cục Sở hữu trí tuệ đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao nhận thức cho xã hội, đặc biệt là cho sinh viên và cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp về tầm quan trọng của SHTT. Chính phủ nước ta cũng đang có những biện pháp nhằm giúp đỡ doanh nghiệp trong việc đăng ký SHTT, tăng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập quốc tế.
Start-up mất gì nếu không đăng ký SHTT?
Cá nhân, tổ chức khác có thể bắt chước sáng tạo của doanh nghiệp. Thương trường là chiến trường và các ý tưởng mà nhà sáng lập start-up dày công suy nghĩ, vun đắp có thể bị người khác ăn cắp, đăng ký bản quyền trước và sử dụng độc quyền trong khoảng thời gian lên đến 20 năm. Lúc này, việc sử dụng sáng tạo của mình đã là một hành vi vi phạm pháp luật, chứ đừng nói đến chuyện doanh nghiệp có thể kiếm được lợi nhuận hay kêu gọi vốn.
Doanh nghiệp tự giới hạn hoặc lãng phí khả năng kiếm lợi nhuận từ quyền SHTT. Quyền sở hữu cho phép doanh nghiệp có thể kiếm tiền, bán hoặc chuyển giao các tài sản trí tuệ này. Ví dụ, nhà sáng lập start-up có ý tưởng đã được bảo hộ nhưng lại không có đủ khả năng tài chính để thương mại hóa nó, họ có quyền bán đi ý tưởng như một nguồn thu nhập. Không có quyền SHTT cũng đồng nghĩa với việc các công ty khác có thể sử dụng sản phẩm của start-up tùy ý mà không phải trả bất cứ khoản phí nào.
Thêm nguy cơ cho doanh nghiệp với những vụ kiện tụng lãng phí. Một phần quan trọng trong việc đăng ký quyền SHTT là việc các nhà thẩm quyền xem xét, tìm kiếm trên thị trường để đảm bảo ý tưởng của start-up không bị trùng lặp với bất kỳ sáng tạo nào khác. Điều này về lâu dài giúp doanh nghiệp tránh hoặc có lợi thế trong những vụ kiện tụng tại tòa hoặc kịp thời đăng ký quyền sở hữu trước những đối thủ khác.
Hà Phan – Doanhnhanonline