La Quốc Bảo (26 tuổi) hiện độc lập nghiên cứu về mỹ thuật và thiết kế ứng dụng di sản. Anh từng được nhắc đến với bộ sưu tập giày phủ họa tiết cung đình Huế, đồng thời là tác giả dự án tái hiện lễ phục triều Nguyễn.

La Quốc Bảo gầy dựng sự nghiệp từ những đôi giày độc lạ với hoa văn của cung đình Huế – Ảnh: NVCC

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghệ thuật tại Kiên Giang, từ nhỏ Bảo đã tiếp xúc với những di sản văn hóa xưa.

Hành trình tìm tòi, mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa ấy chỉ thực sự bắt đầu khi anh học ngành kiến trúc tại ĐH Monash (Úc).

Lan tỏa giá trị văn hóa theo cách riêng

Năm 2 đại học, Bảo bắt đầu vẽ hoa văn cổ lên giày khi phong trào biến tấu giày rầm rộ. Đôi giày đầu tiên ứng dụng họa tiết cung đình Huế trong bộ sưu tập Annam Heritage lấy cảm hứng từ chuyến tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc (Đồng Tháp) được anh giới thiệu gây chú ý.

Trong bộ sưu tập này, ngoài hoa văn trên nhà cổ, còn có họa tiết trên Nhật Bình của Đức Từ Cung, công chúa Mỹ Lương. Tất cả đều được anh tỉ mỉ vẽ tay, mất 3 – 4 ngày cho các công đoạn phác thảo, vẽ viền, phủ màu, vẽ chi tiết mới hoàn thành một đôi giày.

Anh đặt tên BARO cho thương hiệu của riêng mình. “Mình cố gắng chọn, đo và pha màu sao cho giống màu sắc hoa văn nguyên bản nhất” – Bảo khoe.

Một trong những khách hàng đầu tiên đặt mua giày họa tiết Nhật Bình, chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng (29 tuổi, ở Vĩnh Long) chia sẻ đã bị thu hút ngay lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh đôi giày Nhật Bình trên mạng xã hội và quyết định đặt mua khi nghe tin Bảo mở bán.

Theo dõi Bảo từ những ngày đầu, chị Phượng nói chưa từng nghe bất kỳ sản phẩm nào của Bảo ra mắt lại gây tranh cãi về kiến thức hay thiếu sự đầu tư.

Bộ sưu tập Annam Heritage đã góp phần thay đổi con đường sự nghiệp của Bảo. Anh nói niềm đam mê của mình như bùng cháy khi được mọi người công nhận và nghĩ rằng chắc không có gì hợp hơn với công việc gắn với văn hóa.

Ngoài văn hóa Việt Nam, Bảo cũng quan tâm đến văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Và đã cho ra đời hai bộ sưu tập: Splendor of Ryukyu lấy cảm hứng từ văn hóa của cố quốc Lưu Cầu (Ryukyu) và Peranakan Weddings lấy cảm hứng từ hôn lễ Peranakan nền văn hóa pha trộn giữa Trung Hoa và Mã Lai bản địa.

Vì là dân tay ngang, lại mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc qua sản phẩm buộc tôi nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu rất kỹ, phải đảm bảo rằng không lan truyền thông tin văn hóa sai lệch đến công chúng.

LA QUỐC BẢO

Tái hiện trang phục xưa và nhiều hơn thế

La Quốc Bảo và bộ trang phục tái hiện lễ phục triều Nguyễn – Ảnh: NVCC

Cùng với giày, Bảo phát triển thêm dòng sản phẩm khác là bộ sưu tập Hoa Quan Lệ Phục tái hiện lễ phục cung đình triều Nguyễn.

Dự án này được anh ấp ủ khi tham quan các phòng trưng bày nhiều bảo tàng ở Úc và chỉ thấy khá nhiều Hán phục, Kimono, Hanbok mà tuyệt nhiên không có cổ phục Việt Nam.

Nói đến Việt Nam không chỉ nhắc chiến tranh hay phở, bánh mì, đất nước mình còn có nhiều nét văn hóa nổi trội khác, trong đó có trang phục. Chính trăn trở này thôi thúc Bảo bắt tay với đạo diễn – họa sĩ CGI Nguyễn Phùng Minh Luân thực hiện Hoa Quan Lệ Phục từ năm 2021.

Trong vai người thợ may thời Nguyễn, Bảo tạo ra thiết kế mới nhưng vẫn giữ nguyên cách chế tác, may đo theo quy cách lễ phục cung đình.

Mong ước lớn nhất không chỉ dừng lại trang phục, dự án đang khai thác, dựng lại các chất liệu vải vóc xưa sao cho tái hiện các dạng thức lễ phục triều Nguyễn một cách tiệm cận nhất.

Hiện bộ sưu tập này đã có ba bộ trang phục hoàn thành gồm hai áo Nhật Bình và một áo Giao Lĩnh quan văn.

Anh cùng cộng sự cố gắng cân bằng giữa tái hiện lễ phục tiệm cận với chất lượng ngày xưa nhưng vẫn có thể thương mại hóa như một tác phẩm nghệ thuật chỉn chu, chuyên nghiệp.

Bảo quan niệm: “Người làm kinh doanh dựa trên văn hóa không chỉ lấy văn hóa làm cốt lõi mà phải đầu tư, tâm huyết với việc mình làm, chắc chắn sẽ cho thành quả tốt”.

Bảo tập trung nghiên cứu và sưu tầm cổ phục triều Nguyễn vì đây là triều đại gần nhất, số lượng văn vật còn nhiều, thuận tiện đào sâu nghiên cứu.

Anh chàng tìm tòi đọc sách, đi nhiều bảo tàng, tìm gặp những nhà sưu tập, nhà nghiên cứu, cả các đời con cháu hoàng tộc rồi cẩn thận ghi chép tư liệu.

Thói quen này đã đi theo Bảo hơn sáu năm qua, là cách anh tự làm giàu kiến thức phục vụ cho sáng tạo của mình.

Cố vấn dự án nghệ thuật

La Quốc Bảo được mời làm cố vấn một số dự án của nhãn hàng, nghệ sĩ trong vai trò nghiên cứu, quán xuyến trang phục, các chi tiết liên quan đến văn hóa lịch sử của dự án. Có thể kể đến như: Timeless Beauty của Sulwhasoo, MV Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy), phim ngắn Cố du (đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân), MV Gối gấm (Phương Mỹ Chi).

Bảo khoe đang soạn thảo một cuốn artbook về đồ vải Việt Nam.

Anh muốn có thể giúp mọi người hiểu hơn về đồ thêu, đồ dệt thời xưa cùng những hoa văn trên đó. Và nếu cuốn sách có thể trở thành tư liệu đối chiếu với công trình nghiên cứu của các nước thì càng hay.

 

Không ít thách thức

Anh Lương Hoài Trọng Tính – sáng lập Đại Nam hội quán, sân chơi cho người đam mê về văn hóa xưa – nói có hiện tượng đứt gãy văn hóa trong xã hội hiện đại khi người ta dần lãng quên các giá trị văn hóa lịch sử, gây khó cho việc truyền đạt các giá trị xưa.

Người làm văn hóa cần có các công trình nghiên cứu đủ yếu tố chân – thiện – mỹ mới mong được đón nhận.

“Tôi nghĩ rất cần sự ủng hộ của cơ quan chức năng liên quan với những nhà nghiên cứu độc lập vì đây cũng là nguồn giúp công chúng tiếp cận với đa dạng loại hình văn hóa hơn” – anh Tính nói.

THEO KIM SÁNG
(Báo Tuổi trẻ)