Dữ liệu xem như là “bình xăng” của chiếc xe trí tuệ nhân tạo
Từ nguồn dữ liệu hành vi khách hàng, doanh nghiệp này đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích và đưa ra những tư vấn giúp khách hàng có thể tìm ra công việc phù hợp.
Nhờ thu thập hành vi của một người tìm việc làm về nhóm ngành tìm kiếm, thời gian dừng lại trên web…, sau đó sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích mà doanh nghiệp tìm việc nói trên đã giúp nhiều khách hàng tìm ra công việc phù hợp.
Câu chuyện này đã được ông Lê Thanh Sơn, kỹ sư của hãng IBM Singapore ví von rằng, nếu xem trí tuệ nhân tạo như một chiếc ô tô thì nhiên liệu cho chiếc xe này hoạt động chính là dữ liệu.
Theo ông Sơn, tại Singapore, Chính phủ nước này chi mỗi năm lên đến 250 triệu USD cho các nghiên cứu về AI. Các nhà khoa học, doanh nghiệp khởi nghiệp, viện trường nước này đã vào cuộc “chạy đua” để khai thác nguồn quỹ này thông qua những giải pháp về trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào cuộc sống.
Còn tại Việt Nam, theo các chuyên gia, vấn đề ứng dụng công nghệ, cụ thể là AI vào hoạt động doanh nghiêp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) còn nằm ở vấn đề nhận thức.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM – người có kinh nghiệm 15 năm làm tư vấn cho doanh nghiệp nhìn nhận, rào cản về nhận thức là vấn đề quan trọng nhất khiến các ông chủ SME ngại ngần việc đổi mới công nghệ.
Đầu tiên đó là quy mô nhỏ của SME không cho phép họ chi tiêu trong vấn đề áp dụng công nghệ. Tiếp đến là hiện nay có quá nhiều giải pháp công nghệ mà hộ không biết được giải pháp nào mang lại cho mình hiệu quả nhất.
Còn ông Lê Công Thành, CEO của SMCC (doanh nghiệp sử dụng AI để nhận diện khuôn mặt), cho biết có 100 doanh nghiệp đăng ký tìm hiểu thông tin về ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt vào hoạt động chấm công cho nhân viên, chỉ có 2 doanh nghiệp thực sự muốn hợp tác thực hiện.
“Họ chưa coi ứng dụng AI quan trọng với hoạt động doanh nghiệp của họ”- ông Thành nói.
Để nâng cao nhận thức doanh nghiệp, GS. Hồ Tú Bảo, Viện trưởng viện John Von Neumann, ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất, cần phải có các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức của doanh nghiệp SME về các công nghệ mới.
GS Bảo nêu ví dụ, tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nâng cao kiến thức cho chủ doanh nghiệp về đổi mới công nghệ. Tại Việt Nam, nhà nước cũng cần phải có những chương trình như vậy.
“Đặc điểm của các doanh nghiệp SME là quy mô nhỏ. Nên đây là một lợi thế vì dễ sử dụng hạ tầng công nghệ để tạo ra dữ liệu và dùng AI để phân tích dữ liệu. Nếu doanh nghiệp biết khai thác dữ liệu hoàn toàn có thể tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng và soán ngôi những ông lớn khác. Quan trọng nhất là lãnh đạo doanh nghiệp có muốn thay đổi hay không”- GS Bảo thẳng thắn.
Hà Thế An – Khampha.vn