Thầy giáo Phan Trọng Nhân (31 tuổi), đã có cách dạy lạ khi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất rau sạch kết hợp giáo dục trải nghiệm cho học sinh.

Giảm bớt chi phí cho phụ huynh

Phan Trọng Nhân (giáo viên Trường THCS Phước Hòa, H.Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) cho biết việc xây dựng một mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong nhà trường sẽ tạo điều kiện phát triển các phẩm chất, năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

“Tôi đã có ý tưởng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất rau sạch kết hợp giáo dục trải nghiệm cho học sinh làm dự án khởi nghiệp. Đây là mô hình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với lĩnh vực giáo dục nhằm mang lại giá trị kinh tế, cũng như có ý nghĩa thực tiễn trong công tác giáo dục trải nghiệm nói riêng và giáo dục nói chung”, Nhân chia sẻ.


Phan Trọng Nhân bên vườn rau ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: NGUYỄN HẰNG.

Trường THCS Phước Hòa nơi Nhân đang giảng dạy là một trong những trường THCS có bếp ăn bán trú lớn nhất của H.Phú Giáo, cũng như của tỉnh Bình Dương. Vì thế, hằng ngày nhu cầu về thực phẩm sạch rất lớn. Thế nhưng, giá cả nhập vào bếp ăn từ công ty thực phẩm khá cao so với thị trường.

“Khi xây dựng mô hình này ngay tại trường, sẽ giảm bớt một phần chi phí cho phụ huynh học sinh, đảm bảo các sản phẩm rau sạch với giá thành rẻ. Mục tiêu của dự án là tạo ra sản phẩm rau sạch có giá trị kinh tế cao. Đồng thời kết hợp giáo dục trải nghiệm cho học sinh thông qua mô hình. Các sản phẩm rau sạch được trồng theo công nghệ thủy canh. Và sản phẩm tạo ra sau thu hoạch sẽ được cung ứng vào bếp ăn bán trú, đảm bảo giảm chi phí của phụ huynh, cũng như sức khỏe cho học sinh”, Nhân nói.

Đáp ứng nhu cầu học tập trải nghiệm của học sinh

Nhân cho biết dự án được thực hiện định hướng sản xuất theo mô hình liên kết giữa nhà nông và nhà trường, được sản xuất trên diện tích đất dành cho công tác giảng dạy thực nghiệm của Trường THCS Phước Hòa, với diện tích hơn 300 m2. Hiện nay, khu thực nghiệm đã đầu tư nhà lưới, hệ thống thủy canh.

Theo Nhân, hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm rau sạch, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học ngày càng gia tăng. Qua tìm hiểu và khảo sát thị trường, Nhân thấy có đến 47% người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm tới thực phẩm tươi và tự nhiên. “Như vậy, tiềm năng phát triển thực phẩm an toàn ở VN còn rất lớn. Trong đó, có sản phẩm rau sạch công nghệ cao”, Nhân nhìn nhận.

Chàng giáo viên này cũng cho rằng bên cạnh những ưu điểm của việc đầu tư sản xuất rau sạch công nghệ cao, thì vẫn còn tồn tại một số rủi ro, hạn chế khi áp dụng mô hình sản xuất này. Có thể kể như giá thành sản xuất cao, khiến giá bán của sản phẩm ngoài thị trường cao. Bên cạnh đó, việc phân biệt sản phẩm rau sạch với các sản phẩm khác không dễ dàng. Chưa kể kênh phân phối rau sạch ít, hay các sản phẩm rau sạch công nghệ chưa phong phú, tập trung chủ yếu ở một số chủng loại.

Để khắc phục các hạn chế, rủi ro này, Nhân đã lên nhiều phương án. “Tôi sẽ xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, rau sạch công nghệ cao. Bên cạnh đó sẽ xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời nghiên cứu các cách thức sản xuất nhằm giảm giá thành sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Cũng như đa dạng hóa các chủng loại rau sạch công nghệ. Và xây dựng kế hoạch đăng ký thương hiệu cho sản phẩm rau sạch. Có kênh phân phối sản phẩm tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, công ty cung ứng thực phẩm, tiến tới đưa các sản phẩm được kinh doanh tại các chợ truyền thống với giá cả hợp lý, phù hợp túi tiền người tiêu dùng…”, Nhân nói.

Chàng trai này dự định trong tương lai sẽ liên kết kênh phân phối với các công ty cung ứng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, siêu thị trong và ngoài địa bàn, giúp mang lại giá trị kinh tế cao. “Và giá trị lợi nhuận sẽ được phân phối cho chủ đầu tư, kèm theo đó sẽ xây dựng được nguồn quỹ để giúp đỡ cho học sinh khó khăn của Trường THCS Phước Hòa”, Nhân nói.

Đại diện Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên tỉnh Bình Dương lần 1 năm 2021” cho biết dự án này đoạt giải ba vì có nhiều ý nghĩa xã hội. Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kết hợp giáo dục hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một mô hình mới, có ý nghĩa thực tiễn cao. Vừa cung cấp các loại rau sạch, an toàn được sản xuất bằng công nghệ cao, mang lại lợi ích kinh tế cho nhà sản xuất, vừa có thể đáp ứng nhu cầu học tập trải nghiệm cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

THEO LÊ THANH
(Báo Thanh niên)