Không ngồi trông chờ hay kêu khó, các doanh nhân trẻ đang tự lèo lái, tìm lối đi vượt qua khủng hoảng sau dịch bệnh COVID-19. Bằng những nỗ lực, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SMEs), các startup đã thành công, tìm được chỗ đứng ngay chính trong lúc nguy nan này.

Tự tìm lối thoát

Hơn 19h, các bộ phận của Công ty VeXeRe – startup đặt vé xe trực tuyến, vẫn miệt mài làm việc, nhân viên liên tục trả lời thắc mắc của khách hàng, doanh nghiệp đối tác… Vẫn chưa hết cảm giác “ớn lạnh” khi thực hiện giãn cách xã hội do COVID-19, mọi việc ngưng trệ, các hãng xe xếp hàng dài trong kho bãi, anh Nguyễn Trần Lê Văn – CEO VeXeRe nói mọi việc diễn ra nhanh quá khiến công ty trở tay không kịp, khi áp lực về tài chính, dòng tiền cũng như nguồn thu bán vé sụt giảm ập đến.

“Nguồn tài chính hỗ trợ các DN khởi nghiệp như công ty chúng tôi thời điểm này rất khó, gói hỗ trợ tín dụng cũng không tiếp cận được. Đặc điểm chung của DN startup là sản phẩm vô hình, sản phẩm trí tuệ, không có tài sản thế chấp, nên dù thời điểm nào đi nữa cũng không vay được vốn từ ngân hàng. Thứ nữa là các startup rủi ro rất cao nên đa số các ngân hàng ít mặn mà quan tâm. VeXeRe chỉ trông chờ nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, nhưng các quỹ dù hoàn thiện các bước hồ sơ online vẫn yêu cầu gặp trực tiếp người sáng lập, điều hành, nghiên cứu kỹ mới đi đến bước rót vốn” – anh Văn cho biết.

May mắn là VeXeRe vừa gọi được vốn từ Singapore và Hàn Quốc, nên ngay lúc khó khăn, tất cả các DN ngừng trệ thì công ty này tung chiến lược đầu tư nhiều hơn. Những nhân sự giỏi trước không mời về được thì nay họ đầu quân cho công ty. Đơn vị này tận dụng thời gian giãn cách để nâng cấp phần mềm, mở nhiều dịch vụ, sản phẩm mới. Theo CEO này, khi tình hình kinh doanh ổn định, các hãng xe không có động lực thay đổi hay tìm cách tối ưu chi phí. Nhưng trong giai đoạn này họ nhận thấy rằng việc áp dụng công nghệ sẽ giúp giảm chi phí, tăng doanh thu online và bắt đầu tìm đến chúng tôi. Nhờ đó, VeXeRe có thêm những đối tác mới. Hiện, công ty đã phục hồi được 70% so với trước dịch bệnh. Lượng vé bán ra nhiều gấp đôi so với cùng kỳ.

“Điều quan trọng là mình phải tìm ra sự tích cực, không bi quan trước nghịch cảnh để chọn ra những hướng đi, chiến lược phù hợp. Có những ngày chỉ bán được vài vé như thời mới bắt đầu vào năm 2013. Tuy nhiên, nếu ngồi lo lắng, hay “sốc” sẽ không giải quyết được vấn đề gì, chúng tôi suy nghĩ để tìm ra những cơ hội mới tốt hơn hậu COVID-19” – anh Văn chia sẻ.

Chị Phạm Thị Bích Huệ – sáng lập viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP quản lý và khai thác cảng quốc tế Long An kể, giữa năm 2019, chị trải qua biến cố lớn, đó là toàn bộ trung tâm logistics 30.000m2 hiện đại, chứa đầy hàng hoá của Công ty Pan Pacific- một công ty vận hành trung tâm phân phối của chị bị cháy rụi. Nữ lãnh đạo tâm sự, thay vì chỉ biết khóc lóc, lúc này tôi phải bình tĩnh, xử lý tình huống và chấp nhận đối mặt sự thật; tập trung vào những việc cần làm. Mọi chuyện dần ổn thì dịch bệnh COVID-19 ập đến. Chúng tôi hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực logistics, vận chuyển hàng hóa đa quốc gia nên khi dịch bệnh bùng phát mạnh, biên giới đóng cửa, hàng hóa ngừng trệ, ảnh hưởng rất nhiều đến doanh số. Hiện bị tổn thất doanh thu trên 50%, tính đến hết năm là 70%.

“Để vượt qua khủng hoảng, chúng tôi đã tái cấu trúc ngay thời điểm có dịch, cắt giảm nhiều chi phí gián tiếp cũng như tinh gọn bộ máy. Đồng thời thực hiện số hóa, chuyển qua đầu tư, ứng dụng công nghệ để giảm thiểu rủi ro cũng như tiết kiệm chi phí, chọn lọc lại những nền tảng kinh doanh lõi” – chị Huệ chia sẻ.

Gánh nặng mặt bằng sau dịch bệnh đã “mở lối” cho chị Trần Thị Kim Thoa (ngụ Q.3, TPHCM) phát triển mô hình chia sẻ mặt bằng kinh doanh. Trong căn nhà thuê trên đường Võ Văn Tần (Q.3, TPHCM) một trệt một lầu với diện tích vỏn vẹn 15m2, chị Thoa đã chia sẻ đến 4 shop kinh doanh khác nhau. Bên này là quầy mỹ phẩm, còn bên kia là quầy thực phẩm bổ dưỡng. Trên lầu là sản phẩm cho mẹ và bé. Khoảng không còn lại đang được chủ cửa hàng đăng tin cho thuê theo hình thức chia sẻ mặt bằng, dành cho ai đang cần không gian đặt hàng.

“Người thuê có thể dùng mặt bằng của mình, sử dụng nhân viên và các hệ thống bán hàng của mình luôn. Như vậy mỗi người đều có thể tiết kiệm được 50% chi phí nếu chia cho 2 người và tiết kiệm tới 75% nếu chia 4 người. Những người đến share (chia sẻ), ngoài đưa sản phẩm đến bày bán thì không cần phải đầu tư gì hết. Thời buổi khó khăn, chi phí mặt bằng lại đắt đỏ, nếu không chọn cách này thì gay go” – chị Thoa cho biết.

Tìm cơ trong nguy

Tại tọa đàm “Cách thức để DN hưng thịnh trong trạng thái bình thường mới” tổ chức tại TPHCM ngày 24/7, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch COVID-19 tác động cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt với các DN SMEs, 90% người Việt Nam bị giảm thu nhập. “Điều không kém phần quan trọng là DN cũng cần xem đây là “cơ” để nhìn lại, không chỉ cầm cự mà còn xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình. Đó là việc định vị thị trường, đối tác, xác định cách thức chuyển đổi số, nâng cấp quản trị (cả quản trị rủi ro), sáng tạo sản phẩm, đào tạo kỹ năng mới cho người lao động…

Không ít DN đã bổ sung, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách thức tương tác khách hàng thành công nhờ công nghệ số” – TS Võ Trí Thành chia sẻ. Ông cũng cho rằng, giải pháp cần có là phải đẩy nhanh các gói hỗ trợ đã có; hoãn, giảm các loại thuế phí ít nhất đến hết năm 2020; có gói kích thích kinh tế mới cho năm 2021…

Ông Nguyễn Khắc Huy – Giám đốc tư vấn chiến lược và Triển khai của Deloitte Consulting nhận định, trong vòng 12-18 tháng tới, DN cần kích hoạt lại hoạt động kinh doanh, gầy dựng lại bộ máy. Theo ông Huy, các DN SMEs giải quyết hơn 80% lực lượng lao động. Tuy nhiên khi có khủng hoảng, DN lớn dễ dàng vượt qua hơn, các ngân hàng cũng tập trung hỗ trợ cho các tập đoàn, DN lớn nhiều hơn. Thế nên, khả năng hồi phục của các DN SMEs rất khó, điều này kéo theo lượng lớn lao động bị thất nghiệp.

“DN SMEs cần bỏ những gì dư thừa, điều tiết những chi phí không cần thiết; rà soát những bộ phận không nằm trực tiếp trong chuỗi giá trị để cắt giảm; tạo ra nhiều “rào cản” để đối tác không thể bỏ rơi mình… Điều cốt lõi nữa là DN không nên lệ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu mà phải quay về với thị trường nội địa” – ông Huy hiến kế.

Dịp này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín Sacombank. Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, trong 5 tháng cuối năm 2020, Sacombank sẽ dành nhiều ưu đãi cho các doanh nhân hội viên Hội như: cho vay từ gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất đặc biệt giảm 1-1,5% so với lãi suất ưu đãi riêng của gói; giảm phí giao dịch thanh toán quốc tế từ 50-75% cùng nhiều hỗ trợ khác.

Ngô Tùng

https://www.tienphong.vn