Doanh nhân gốc Việt khao khát tiếp sức cho giới khởi nghiệp
Bằng cách đưa các startup Việt lên nền tảng Republic, Kendrick Nguyễn, CEO Republic muốn nhà đầu tư trên thế giới biết đến tiềm năng thị trường công nghệ Việt Nam.
Kendrick Nguyễn, CEO Republic.
Sàn đầu tư Republic nhìn bề ngoài khá đơn giản, nhưng bản chất đang thay đổi nền tảng hạ tầng của ngân hàng và cách thức đầu tư. Ví dụ một người Việt Nam nếu muốn đầu tư 100 USD vào công ty Mỹ, lệ phí để chi trả cho việc này sẽ nâng số tiền đầu tư lên hàng nghìn USD, vượt quá khả năng tài chính của họ.
Tuy nhiên, công nghiệp 4.0, đơn cử Blockchain đang thay đổi điều này. Thông qua thẻ tín dụng (credit card), bitcoin, ethereum (một loại tiền điện tử)…, những người ở nước ngoài đầu tư và chuyển tiền một cách nhanh chóng, ít lệ phí hoặc lệ phí thấp hơn.
Chỉ 6 tháng trước, đầu tư bằng thẻ tín dụng ở trên nước Mỹ là chuyện không thể xảy ra. “Việc chúng tôi tạo ra phương tiện ngày hôm nay là điều lạ lẫm với ngành đầu tư, dịch vụ tài chính của nền kinh tế Mỹ”, Kendrick cho biết.
Song đối với doanh nhân gốc Việt, đây chỉ là khởi đầu của ước mơ. Trong tương lai gần, Kendrick mong muốn giới đầu tư ở Việt Nam chỉ cần 2 USD là có thể đầu tư. “95% lượng tiền nhỏ đó có thể đưa vào công ty, còn số lệ phí chỉ khoảng chừng 5% của 2-3 USD”, vị này nói.
Chia sẻ về tác động của đại dịch, Kendrick cho hay những ảnh hưởng nặng nề nhất xảy ra vào những giai đoạn đầu tiên dịch bệnh ập đến. Các tháng đầu năm, tâm lý lo âu tác động lớn đến hoạt động đầu tư nói chung. “Và cũng không có ai quan tâm đến việc phát triển công nghệ trong trong những ngày đen tối nhất của bệnh dịch, đặc biệt tại New York, trung tâm chính của Republic, nơi rất nhiều người đã tử vong vì Covid-19”, Kendrick nhớ lại. Thời điểm đó, Kendrick và những cộng sự đã có những phương pháp riêng để ứng phó với khó khăn.
Sau nhiều tháng “không may mắn”, doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng vượt bậc. Lượng khách hàng, nhà đầu tư đến sàn đạt hơn 1 triệu người – mức tăng trưởng vượt bậc trong thời điểm khó khăn của kinh tế Mỹ. Cộng đồng nhà đầu tư trên Republic đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đến 25.000 người đang sinh sống ở Việt Nam, Kendrick tiết lộ.
Hơn 30% công ty đến quyên vốn ở Republic đã được các quỹ đầu tư khác ở Mỹ rót vốn, là minh chứng cho giá trị của các startup này. Bên cạnh đó, khoảng 200 doanh nghiệp do phụ nữ hoặc người da màu sáng lập đã gọi được vốn nhờ sàn Republic. Trước đây chỉ vài % doanh nghiệp có nhà sáng lập thuộc nhóm đối tượng này có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tại Mỹ.
Theo doanh nhân trẻ, mỗi chủ doanh nghiệp cần coi khách hàng giống như gia đình mình. “Trong thời điểm rủi ro như dịch bệnh, nếu chúng ta quan tâm đến nỗi lo lắng của khách hàng và đưa thông tin, cơ hội cho họ, chúng ta có thể tạo niềm tin với các khách hàng đó”, Kendrick nói. Khi bức tranh kinh tế trở nên xán lạn, các khách hàng sẽ quay lại với doanh nghiệp.
Doanh nhân Mỹ gốc Việt cũng chia sẻ khát vọng đóng góp vào ngành công nghệ và startup ở Việt Nam.
Thứ nhất là giúp đỡ các startup đang làm việc ở Việt Nam tìm vốn, đặc biệt là thông qua cộng đồng đầu tư của Republic. Trong các tháng tới, những công ty Việt Nam đầu tiên sẽ được đưa lên sàn gọi vốn cộng đồng này.
Thứ hai, sau khi đưa nhiều công ty ở Việt Nam lên Republic, vị doanh nhân muốn chia sẻ thông tin về thị trường công nghệ Việt cho những nhà đầu tư trên Republic. “Họ cần phải hiểu biết về tiềm năng, cơ hội, nguy cơ của những công ty, thị trường Việt Nam mới có thể quyết định rót vốn. Đây là điều tôi và Republic đang hợp tác với VietChallenge thực hiện”, Kendrick cho hay. Hiện tại, trang vietlaunch.com của VietChallenge đang cung cấp tin tức cho những nhà đầu tư có ý định rót vốn vào công ty ở Việt Nam.
Bước thứ ba, cũng là bước khó nhất là hợp tác với VietChallenge hoặc các đơn vị khác ở Việt Nam đóng góp ý kiến với Chính phủ ban hành luật hợp pháp hóa hình thức gọi vốn cộng đồng, mở ra cánh cửa rộng cho người Việt Nam đầu tư vào các công ty ở Việt Nam. Theo hướng này mô hình thương mại của Republic có thể sống ở Việt Nam, theo luật pháp Việt Nam.
Theo nhà đồng sáng lập Republic, mô hình gọi vốn cộng đồng, ngay cả trên thị trường Mỹ chỉ mới hợp pháp chưa được 5 năm. Đây là khoảng thời gian quá ngắn để phát triển một thị trường mới. “Tôi tin trong thập niên tới, việc đầu tư sẽ là chuyện mọi người trên thế giới đều biết đến. Bất cứ ai cũng có thể đầu tư, mang lại giá trị cho bản thân, cũng như cộng đồng và xã hội”, CEO Republic nói.
Ngoài ra, theo vị này, Covid-19 cũng cho thấy sự quan trọng của chia sẻ và đóng góp vốn của cộng đồng, đất nước. Để xây dựng công nghệ mới, một startup mới không chỉ câu chuyện của một hay hai quỹ đầu tư, mà là một trăm người, một triệu người tạo nên. “Nền kinh tế chia sẻ nghĩa là một người thành công, hàng trăm nghìn người khác cũng thành công”, Kendrick định nghĩa.
Theo Vnexpress