Doanh nghiệp may mặc ‘ngược chiều gió’ trong mùa dịch
Hiện tại đơn hàng của Dony Mask đã hơn 10 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn kháng giọt bắn, xuất khẩu đi khắp thế giới: Mỹ, Canada, châu Âu, Trung Đông, Singapore, Nhật Bản….
Trải qua nhiều công việc khác nhau, năm 2013, cơ duyên đưa Phạm Quang Anh đến với ngành may mặc. Anh mở ra Công ty TNHH May Mặc Dony cho riêng mình, bắt đầu với những đơn hàng gia công xuất khẩu. Trong đó, tối ưu hóa quy trình sản xuất luôn là mục tiêu mà Dony hướng tới.
Nhà sáng lập này kể lại, trong quá trình kinh doanh, anh đã thu về rất nhiều bài học, gồm cả việc thuê chuyên gia về đào tạo, tham gia các khóa học kinh doanh ngắn hạn trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng nhân sự và sản phẩm.
“Kiến thức về tối ưu quy trình sản xuất được tôi áp dụng ngay, vì chỉ cần mỗi ngày tiết kiệm được một triệu đồng cho công ty, thì một năm tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng”, nhà sáng lập Dony – Phạm Quang Anh nói.
Khi công việc kinh doanh đang đi vào guồng, dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến Dony cũng như nhiều doanh nghiệp khác đều chịu ảnh hưởng. Cũng thời gian này, ông chủ Dony nhanh chóng chuyển sang may khẩu trang xuất khẩu.
Trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, nhà máy Dony có diện tích 420m2. Hiện tại, nhà máy đã mở rộng lên 1.600m2, mở rộng cả quy mô lẫn sản phẩm.
Lý giải cho cơ duyên này, Phạm Quang Anh thừa nhận khi xảy ra dịch bệnh không muốn tập trung duy nhất vào may mặc, hơn nữa làm khẩu trang chỉ có tính thời vụ. Tuy nhiên, khi được một người bạn học là thạc sỹ y tế cộng đồng gợi ý, anh đã gật đầu.
Từ đầu tháng 3/2020, doanh nghiệp trẻ bắt tay với những mẫu thử đầu tiên. Đúng lúc này, Bộ Y tế ban hành Thông tư 870 hướng dẫn về quy định khẩu trang vải kháng khuẩn, anh lập tức gửi sản phẩm đi kiểm định và được chấp thuận.
Sản phẩm nhanh chóng được chào bán ra thị trường, các đơn hàng đã được lấp đầy tới tháng 7/2020. Nhà sáng lập Dony ước tính, có ít nhất 3.000 người đã được huy động may khẩu trang vải từ đầu tháng 3 đến nay.
Ngoài tính năng đã được kiểm định, theo Phạm Quang Anh, bao bì đựng khẩu trang góp một phần tạo nên nét riêng. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ người làm, khẩu trang cần tiệt trùng từ khâu kiểm tra phân loại, đến đóng gói.
Để hoàn thiện 2 khâu này, anh phải bố trí sản xuất tại xưởng ở TP HCM, và khâu hấp tiệt trùng bằng công nghệ điều khí E.O tại nhà máy ở Bình Dương.
Ông chủ Dony cho biết, những ngày này đang chạy đôn đáo tuyển nhân công làm việc để tăng cường sản xuất. Anh sẽ xúc tiến phát triển mảng quần áo, găng tay bảo hộ và các sản phẩm về vật liệu y tế làm mũi nhọn tương lai.
Theo Quang Anh, thời gian vừa rồi là dịp để Việt Nam phát huy thế mạnh của mình trong ngành hàng dệt may, tạo ra doanh thu và việc làm tăng đột biến, cũng là dịp các doanh nghiệp Việt quảng bá thương hiệu, uy tín… đến đông đảo đối tác, khách hàng quốc tế, cơ hội hợp tác với nhiều đối tác lớn.
Hiện tại đơn hàng của Dony Mask đã hơn 10 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, xuất khẩu đi khắp thế giới: Mỹ, Canada, châu Âu, Trung Đông, Singapore, Nhật Bản…. Thị trường chính vẫn là Mỹ, châu Âu, Trung Đông.