Doanh nghiệp liêm chính và bộ tiêu chí khởi nghiệp bền vững
“Chỉ khi kinh doanh liêm chính, DN mới tạo được sự minh bạch cho đối tác, cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững”, bà Phi Vân nói.
Ngày 30/7, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức lễ ra mắt Bộ tiêu chí: “Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp”, sự kiện được rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, startup mong chờ. Để làm rõ hơn về bộ tiêu chí này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã trò chuyện với bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên Thần Việt Nam, Cố vấn đổi mới sáng tạo của đề án 844 (Bộ Khoa học& Công nghệ), Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo.
– Thưa bà, bộ tiêu chí trên có những nội dung gì?
Bà Nguyễn Phi Vân: Bộ tiêu chí tập trung ở 3 điểm chính. Thứ nhất, đối với các các nhà sáng lập (founder) và doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), bộ tiêu chí sẽ yêu cầu minh bạch. Theo đó, Startup cần phải minh bạch về thông tin, đặc biệt là về thông tin tài chính, quan hệ với khách hàng và đối tác của mình. Thứ hai, là môi trường kinh doanh. Khi đó, bạn trẻ phải chọn giữa minh bạch và không minh bạch; liêm chính và không liêm chính. Thứ ba, bộ tiêu chí nói về văn văn hóa kinh doanh liêm chính cho bản thân doanh nghiệp và nhân sự.
Tôi cho rằng, việc đưa ra những tiêu chí nhằm giúp các nhà đầu tư và sáng lập có thể xử lý được những tình huống khó khăn trong việc phải chọn giữa kinh doanh liêm chính và không liêm chính. Ngoài ra, Bộ công cụ này không dừng lại ở việc sử dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà dùng cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Bởi nếu chúng ta thực hiện được minh bạch, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm và đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể phát triển mang tầm quốc tế.
– Bộ tiêu chí này được ban hành có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp, thưa bà?
Đối với nhà đầu tư, một trong những điều kiện tiên quyết để chọn doanh nghiệp đầu tư là phải kinh doanh liêm chính. Bởi vì, khi kinh doanh liêm chính doanh nghiệp mới tạo được sự minh bạch cho đối tác, cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng. Như vậy doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.
Tôi cho rằng, những doanh nghiệp phát triển dựa vào quan hệ hoặc những dự án không minh bạch thì chỉ có thể phát triển trong một thời gian nhất định. Vì vậy, UNDP và các tổ chức phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước quan tâm đến việc xây dựng bộ tiêu chí, giúp doanh nghiệp startup bền vững trong tương lai.
– Nhiều ý kiến cho rằng, kinh doanh liêm chính là thách thức lớn với doanh nghiệp. Quan điểm của bà như thế nào?
Tôi cho rằng, kinh doanh liêm chính là thử thách nhất ở tất cả thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì để thay đổi được tư duy, cách nhìn nhận và việc vận hành để phát triển tại những nước này rất khó, do văn hóa đã ăn sâu vào tâm trí họ nên thay đổi được văn hóa và tư duy phải là quá trình lâu dài.
Nếu chúng ta muốn hội nhập, phát triển và xây dựng những doanh nghiệp mang tầm quốc tế thì phát triển bộ tiêu chí là cần thiết. Đến nay. bộ tiêu chí đều đi đúng tiến độ và có được kết quả như mong muốn.
Cùng với bộ tiêu chí này, hành trình tạo sự lan tỏa về kinh doanh minh bạch, liêm chính cho cộng đồng đầu tư tại Việt Nam được đẩy mạnh mang đầy thách thức. Hơn nữa, chúng tôi cũng tiếp cận từ hướng các nhà đầu tư. Nghĩa là, ngay từ đầu, nhà đầu tư đưa ra điều kiện tiên quyết phải kinh doanh liêm chính thì mới đầu tư, tạo nhận thức rất rõ ràng các doanh nghiệp khởi nghiệp.
– Trân trọng cảm ơn bà!
Khánh Linh