Sổ tay Startup: Những điểm cần lưu ý khi định giá startup cho mục đích gọi vốn giai đoạn đầu
Gọi vốn là điều cần thiết cho hầu hết startup để tồn tại và phát triển. Có nhiều giai đoạn gọi vốn tùy theo nhu cầu của startup (vòng hạt giống, Series A, B, C…). Thế nhưng gọi vốn bao nhiêu là phù hợp với cách để định giá startup để đưa ra số tiền cần gọi vốn thì bạn có thể tham khảo phần trước tại đây. Bài viết dưới đây là sơ lược về một số cách định giá startup của các nhà đầu tư, từ đó giúp cho các startup chuẩn bị tốt hơn cho việc kêu gọi vốn thành công.
Định giá startup như thế nào?
Thông thường các startup muốn gọi vốn trong giai đoạn đầu sẽ hướng tới các nhà đầu tư trong giai đoạn sớm như nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor) và quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Fund).
Tuy nhiên việc tiếp cận, thuyết phục các nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư mạo hiểm không dễ dàng và việc các startup không hiểu cách thức nhà đầu tư đánh giá, nhận định về giá trị doanh nghiệp có khả năng dẫn đến việc huy động vốn không thành công hoặc bị đánh giá thấp. Có 5 cách định giá startup mà các nhà đầu tư thường dùng đó là:
- Phương pháp so sánh (Comparision): Đây là phương pháp đơn giản nhất. Tìm một công ty tương tự với công ty mà bạn đang định giá, rồi lấy giá trị công ty đó làm thước đo cho việc định giá. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là không có nhiều startup thực sự đủ tương đồng với nhau để có thể được so sánh. Hạn chế thứ hai là việc đánh giá dựa trên số ít yếu tố nên không đủ để đưa ra con số ước lượng chính xác nhất.
- Phương pháp so sánh bảng điểm (Scorecard): Đây là phiên bản chi tiết hơn của phương pháp so sánh được giới thiệu ở trên. Phương pháp này thường được sử dụng bởi các nhà đầu tư thiên thần để định giá một startup với một “startup trung bình” trong cùng ngành và khu vực. Với phương pháp này, các nhà đầu tư sẽ liệt kê từ 5-7 tiêu chí đánh giá với các trọng số khác nhau, rồi đánh giá từng tiêu chí so với các đơn vị trong ngành, và tính tổng lại để ra được Hệ số định giá cuối cùng. Giá trị trước khi đầu tư của startup sau đó sẽ được tính bằng cách lấy định giá trung bình (của “startup trung bình” trong ngành và khu vực) nhân với Hệ số định giá vừa tìm được.
- Phương pháp đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Method): Cả nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư đều có một phương án thu tiền mà họ muốn startup trả cho mình, và phương pháp đầu tư mạo hiểm là cách định giá đi ngược từ cách mà nhà đầu tư muốn thu tiền về, để ra được định giá và mức cổ phần tương ứng. Nhà đầu tư ước tính giá trị của công ty trong tương lai bằng cách lấy doanh thu hoặc lợi nhuận dự báo nhân với hệ số định giá thị trường, sau đó chiết khấu giá trị tương lai này về hiện tại với lợi suất yêu cầu.
- Phương pháp Chiết khấu dòng tiền (Discounted Cashflow Method): Phương pháp này định giá startup bằng cách dự đoán dòng tiền tương lai của startup đó, rồi chiết khấu nó về hiện tại, với giả định rằng định giá hiện tại của công ty bằng tổng giá trị hiện tại (Present Value) của dòng tiền mà công ty tạo ra trong những năm tiếp theo.
- Phương pháp Tổng các yếu tố rủi ro (Risk factors summation) và phương pháp Scorecard (bảng tính điểm): Cân nhắc các yếu tố về thế mạnh của đội ngũ quản lý, tiềm năng sản phẩm/công nghệ, quy mô tiềm năng thị trường, lợi thế về kênh phân phối, các yếu tố rủi ro của startup trong tương quan đối với các công ty được sử dụng để so sánh, từ đó tính ra hệ số định giá điều chỉnh hoặc mức điều chỉnh giá trị tuyệt đối.
Về mặt phương pháp, đối với các startup giai đoạn sớm thì các nhiều phương pháp định giá truyền thống như: Chiết khấu dòng tiền – DCF hay so sánh thị trường rất khó có thể áp dụng.
Vậy các nhà đầu tư thiên thần hay đầu tư mạo hiểm định giá startup giai đoạn đầu như thế nào khi các phương pháp truyền thống không thể áp dụng?
Trước hết, đối với nhà đầu tư thiên thần, thường là những cá nhân có tiềm lực tài chính, đam mê, có thể là chuyên gia trong ngành, sẵn sàng đầu tư cho các startup từ rất sớm, khi vẫn còn là ý tưởng đang được thử nghiệm – giai đoạn này thường gọi là Seed funding.
Tại giai đoạn này, nhà đầu tư thiên thần đầu tư chủ yếu vào bản thân các nhà khởi nghiệp, chủ nhân của ý tưởng kinh doanh, hơn là đầu tư vào hoạt động kinh doanh của startup! Vì thế việc định giá mang nhiều yếu tố “nghệ thuật” hơn là “khoa học”. Các yếu tố để cân nhắc giá trị thông thường sẽ bao gồm khả năng của đội ngũ lãnh đạo, tiềm năng của sản phẩm (đang được phát triển) trên thị trường hiện tại và tương lai, xu hướng công nghệ.
Startup cần huẩn bị gì để được định giá tốt nhất?
Có thể thấy, đối với các nhà đầu tư giai đoạn đầu, các yếu tố ảnh hưởng tới giá trị của startup mang tính “chất lượng” rất nhiều và đây là điểm mà các nhà sáng lập startup cần lưu ý để có thể trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư, cũng như đạt được giá trị tốt nhất.
Dưới đây là một số gợi ý mà nhà sáng lập có thể tham khảo:
Thứ nhất, nhấn mạnh vào tiềm năng tạo ra giá trị của các tài sản vô hình, bao gồm đội ngũ nhân sự nòng cốt, độ nhận diện thương hiệu, mạng lưới khách hàng hay số lượng người dùng, các sở hữu trí tuệ nếu có. Đây chính là những tài sản mà nhà đầu tư nhìn vào để đánh giá tiềm năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp.
Thứ hai, giảm thiểu mức độ rủi ro đầu tư đánh giá bởi nhà đầu tư, có thể thông qua các biện pháp đơn giản là cung cấp một cách trung thực thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh quá khứ cũng như tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch trong tương lai; thông tin phân tích về thị trường…
Thứ ba, tập trung vào giải pháp, cách thức để hiện thực hóa tham vọng phát triển, từ đó giúp các nhà đầu tư biết được các khoản đầu tư sẽ được sử dụng như thế nào để giúp doanh nghiệp tăng trưởng và mở rộng, đạt được các cột mốc về số lượng người dùng, khách hàng, doanh số…
Thứ tư, chú ý đến vai trò của các chỉ số hoạt động (phi tài chính) quan trọng sẽ giúp ích trong việc thuyết phục các nhà đầu tư về giá trị tiềm năng của doanh nghiệp, ví dụ số lượng người dùng, số lượng thuê bao, lượt tải về, số lượt đăng ký, số đơn hàng hay giá trị đơn hàng trung bình…
Thứ năm, chia sẻ với nhà đầu tư về đánh giá định vị thị trường (market positioning) và mô hình kinh doanh (business model) của startup trong tương quan với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng hệ sinh thái, chuỗi giá trị.
Thứ sáu, chia sẻ kỳ vọng về giá trị công ty sau các mốc thời gian 1-5 năm và cơ sở của các kỳ vọng đó.
Với việc hiểu được quan điểm đánh giá của nhà đầu tư, các startup cũng có thể điều chỉnh kỳ vọng của bản thân về giá trị doanh nghiệp một cách hợp lý, qua đó tự tháo gỡ các nút thắt giữa bên đi gọi vốn và nhà đầu tư, thu hẹp khác biệt về quan điểm giá trị giữa các bên, và vì thế gia tăng khả năng thành công của việc huy động vốn.
Hàn Mai (tổng hợp)