Liệu trong tương lai, chúng ta có thể ngồi nhà và mua thuốc qua Amazon Prime?

Từ việc Amazon và Apple mở các phòng khám cho đến Uber triển khai dịch vụ vận chuyển y tế, năm 2018, các đại gia công nghệ tiếp tục tham gia sâu hơn vào thị trường chăm sóc sức khỏe.

Cũng dễ hiểu, bởi ở tất cả các quốc gia, chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất, chỉ riêng tại Mỹ đó đã là một thị trường mang lại hơn 2,8 nghìn tỷ đô mỗi năm.

Nhiều vấn đề trong hệ thống chăm sóc sức khỏe truyền thống còn chưa đựa giải quyết, để lại những lỗ hổng cho các công ty công nghệ có thể nhảy vào.

Nhiều sáng kiến ​​của họ vẫn còn ở giai đoạn rất sớm, nhưng chúng sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2019. Sẽ có những giải pháp chắc chắn sẽ tác động đến cách bạn đi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình sau này.

Vậy hãy cùng xem, tại ngã tư mà các ông lớn công nghệ và ngành chăm sóc sức khỏe gặp nhau, chúng ta có thể mong đợi gì vào năm 2019:

AMAZON

Công ty của Jeff Bezos tham gia vào thị trường sức khỏe năm 2018 bằng một thông báo rằng, họ sẽ hợp tác với Berkshire Hathaway và JPMorgan Chase để thành lập một công ty chăm sóc sức khỏe độc ​​lập.

Ba công ty với số lượng nhân viên khổng lồ cảm thấy thất vọng với hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ hiện tại, bởi vậy, họ sẽ lập ra một đơn vị riêng chỉ để chăm sóc sức khỏe cho các nhân viên của mình.

Amazon kế đó đã mua PillPack, một start-up trong lĩnh vực dược phẩm trực tuyến và công bố kế hoạch xây dựng một phần mềm đọc hồ sơ y tế dựa trên trí tuệ nhân tạo. Ưu việt hơn các phần mềm khác có mặt trên thị trường, Amazon nói rằng trí tuệ nhân tạo của mình sẽ đọc được cả chữ của bác sĩ, cho dù họ viết tắt đi chăng nữa.

Việc Amazon mua lại PillPack và kế hoạch với phần mềm đọc hồ sơ y tế của họ là những động thái lớn.

Chúng ta đều đang đợi xem Amazon sẽ tích hợp dịch vụ chọn mua “thuốc” (thực ra là thực phẩm chức năng) của PillPack vào hệ thống của mình như thế nào? Liệu trong tương lai, chúng ta có thể ngồi nhà và mua thuốc của mình qua Amazon Prime, và điều đó sẽ làm thay đổi nền y tế?

Trong khi đó, hồ sơ sức khỏe điện tử vốn là một lĩnh vực hứa hẹn tạo ra những cuộc cách mạng trong chăm sóc y tế. Từ trước đến nay, việc áp dụng hồ sơ giấy, các hệ thống hồ sơ y tế nhỏ lẻ, nội bộ, đã khiến cho cơ sở dữ liệu quan trong này bị phân mảnh.

Amazon có thể bắt đầu ghép những mảnh ghép lại, lấp đầy những chỗ trống để thống nhất chúng thành một nền tảng hồ sơ y tế lớn? Chúng ta chưa biết, nhưng đó là điều mà nhiều người mong đợi. Chắc chắn, cả các bác sĩ và bệnh nhân đều là những người được hưởng lợi từ việc này.

APPLE

Năm 2018, Apple đã cập nhật ứng dụng Apple Health để có thể hiển thị hồ sơ y tế từ 39 bệnh viện tại Mỹ. Công ty cũng ra mắt Apple WatchSeries 4 và nhận được sự thông qua của FDA cho tính năng đo điện tâm đồ (EKG) trên chiếc đồng hồ thông minh này. Điện tâm đồ là một phương pháp theo dõi trái tim tiên tiến hơn so với việc chỉ đếm nhịp tim bằng cảm biến quang học.

Với Apple Watch Series 4 và sự thông qua của FDA, có thể thấy Apple đang làm ra các thiết bị y tế thực thụ, họ sẽ tiến đến việc trở thành một công ty y tế thay vì chỉ cung cấp công nghệ theo dõi vận động.

Giống như Amazon, Apple cũng đã mở một phòng khám tại chỗ cho nhân viên của mình và họ cũng có thể nhảy vào lĩnh vực hồ sơ y tế. Tháng 11 vừa rồi, công ty thông báo đang đàm phán với Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ để cung cấp quyền truy cập vào hồ sơ y tế điện tử cho các cựu chiến binh Mỹ. Họ đơn giản là có thể dùng iPhone của mình để làm điều này ngay tại nhà, không cần đến bệnh viện.

Một câu hỏi lớn cho Apple vào năm 2019 là tính năng EKG trên chiếc đồng hồ thông minh của họ sẽ phát huy tác dụng hay không. Đã có những lo ngại từ các chuyên gia rằng, tính năng này sẽ gây hại nhiều hơn có lợi.

Sai số của Apple Watch có thể tạo ra kết quả dương tính giả cho những người hoàn toàn khỏe mạnh, khiến họ lo lắng thái quá, khi khám và chiếm thời gian của các bệnh nhân thực sự khác. Với việc Apple bán được khoảng 8 triệu chiếc Apple Watch Series 4 mỗi quý, tỷ lệ dương tính giả có thể đặt một gánh nặng không nhỏ lên hệ thống y tế.

Ngoài ra, Apple có lịch sử hợp tác lâu dài với nhiều tổ chức y tế và nghiên cứu y khoa khác nhau. Vì vậy, chúng ta cũng có thể theo dõi các tổ chức mà công ty hợp tác, để xem họ có động thái mới như nộp đơn xin chấp thuận nào của FDA hay không.

Cuối cùng, chúng ta biết Apple vẫn đang hợp tác với Đại học Stanford để tiến hành một dự án nghiên cứu sức khỏe dài hạn gọi là Apple Health Study. Dự kiến, nghiên cứu này sẽ kết thúc vào cuối tháng 1, sau đó, các nhà khoa học có thể dành thời gian để tổng hợp dữ liệu và công bố nhiều kết quả thú vị trong năm nay.

UBER

Dịch vụ đặt và chia sẻ xe trực truyến cũng đang tiếp cận thị trường vận chuyển y tế. Vào tháng 3 năm ngoái, Uber đã ra mắt Uber Health, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ y tế như bệnh viện và phòng khám đặt xe cho bệnh nhân hoặc thân của họ.

Đây không phải là phương tiện để thay thế xe cứu thương. Mặc dù vậy, một số chuyên gia nói rằng nó nên tiến thành một dịch vụ thay thế xe cứu thương truyền thống, dựa trên thực tế hiện nay khi dịch vụ cứu thương rất đắt đỏ và thường không được bảo hiểm chi trả.

Thế nhưng, Uber Health hiện chỉ đang nhắm đến thị trường vận tải y tế không khẩn cấp, ước tính có giá trị 3 tỷ USD. Ứng dụng phục vụ những bệnh nhân không trong tình trạng cấp cứu, nhưng cũng không thể tự mình đi đến bệnh viện, vì già hoặc đang bị ốm.

Khi Uber Health tiếp tục được triển khai vào năm 2019, chúng ta sẽ chờ đợi xem nó sẽ có hiệu quả ra sao, có bao nhiêu khách hàng sẽ sử dụng nó, những lợi ích và nhược điểm của dịch vụ này là gì? Ví dụ, Uber Health có thể cung cấp dịch vụ cho người sử dụng xe lăn, giống với UberASSIST và UberWAV dành cho người khuyết tật mà hãng từng triển khai ở một số thị trường trước đây.

ALPHABET

Công ty mẹ của cả Google và Verily Life Science (trước đây là một bộ phận của Google) là một ngoại lệ ở đây. Thay vì tập trung vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe như các ông lớn công nghệ khác, trọng tâm của Alphabet là nghiên cứu.

Nhưng công ty vốn là một gã khổng lồ trong hệ sinh thái công nghệ, họ có một số sáng kiến ​​và kế hoạch có thể tác động đến chúng ta, những người sống ngoài môi trường chăm sóc sức khỏe truyền thống.

Vào tháng 11, Google đã thuê một CEO mới, David Feinberg, chỉ để giải quyết các sáng kiến ​​sức khỏe bị phân mảnh của họ. Những dự án này bao gồm Google Brain sử dụng nhận dạng giọng nói và trí tuệ nhân tạo giúp các bác sĩ ghi chú trong khi khám bệnh.

Google cũng đang kết nối với công ty gia đình Nest, một start-up theo dõi sức khỏe đang quan tâm đến việc phát triển công nghệ trong các viện dưỡng lão. Khi dân số già đi, công nghệ dành cho người cao tuổi sẽ là một xu hướng ngày càng tăng, do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Google cũng để mắt đến thị trường này.

Trong khi đó, Verily đã tiếp tục thúc đẩy nhiều dự án hợp tác nghiên cứu, chẳng hạn như hợp tác với công ty dược phẩm Gilead để nghiên cứu các rối loạn miễn dịch và phát triển các thuật toán có thể dự đoán bệnh tim bằng cách nhìn vào mắt bệnh nhân.

Họ cũng tiếp tục thực hiện các thỏa thuận kinh doanh, chẳng hạn như hợp tác với công ty ResMed để giải quyết chứng ngưng thở khi ngủ và có khả năng tiếp tục chương trình diệt muỗi ở Fresno, California, bằng cách sử dụng muỗi vô sinh được nhân giống đặc biệt.

Tuy nhiên, công ty đã tạm dừng dự án được quảng cáo rầm rộ của mình, trước đó tuyên bố sẽ phát triển tròng kính thông minh để đo đường huyết từ nước mắt. Gần đây nhất, Verily tuyên bố rằng họ sẽ hợp tác với Walgreen để tìm ra giải pháp công nghệ giải quyết vấn đề không tuân thủ y tế hoặc vấn đề bệnh nhân không uống thuốc theo chỉ dẫn.

zknight – TTVN

Bài gốc